Đề xuất tăng lương để đảm bảo cuộc sống người dân

(PLO) - Sau khi điều tra khảo sát về mức sống tối thiểu của người dân,  Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) cho biết, đủ căn cứ để kiên quyết giữ mức tăng lương tối thiểu năm 2016 vào vào khoảng 16,8%.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, mức tăng này không ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN). Kết quả điều tra khảo sát cũng cho biết, hiện nay công nhân thích làm tăng ca không phải mục đích tích luỹ, mà đó là việc bất khả kháng – phải làm thêm mới đủ sống. So với các nước Đông Nam Á, tiền lương trả cho người lao động Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào.
Cụ thể, vùng 1 tăng 550 nghìn đồng, vùng 2 tăng 450 nghìn đồng, vùng 3 tăng 400 nghìn đồng, vùng 4 là 350 nghìn đồng. Đến năm 2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ được đề xuất tiếp tục tăng, cụ thể vùng 1 tăng 650 nghìn đồng, vùng 2 tăng 600 nghìn đồng, vùng 3 tăng 550 nghìn đồng, vùng 4 tăng 500 nghìn đồng.
Ngoài ra TLĐLĐ Việt Nam cho biết thêm, việc đưa ra mức đề xuất trên dựa vào 3 dự báo, gồm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% /năm và năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3-3,5%/năm. Đồng thời cũng căn cứ theo các quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Hiện tại theo tính toán, lương của cán bộ công chức, viên chức mới chỉ đủ chi phí 60 đến 70% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống; còn lương của người lao động mức trung bình cũng chỉ khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng.
“Vật lộn” với mức lương…
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội (nguyên Đại biểu HĐND TP. Hà Nội) cho biết, vấn đề tăng lương hiện đang có sự “tranh cãi” – phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng 16,8% nhưng phía Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam lại cho rằng chỉ tăng 6 – 7% là hợp lý.
Cũng theo quan điểm ông Phú, khoảng 10 năm nay cứ mỗi lần tăng lương để cải thiện đời sống cho người lao động thì... cũng không bù lại với trượt giá. Vì vậy, kể cả trong lần này, nếu đề xuất tăng lương lên hơn 16% (được chấp thuận) mà vẫn không tổ chức tốt hệ thống phân phối hàng hóa, đảm bảo cung cầu hợp lý, giá cả ổn định thì tăng lương thậm chí cao hơn nữa cũng… không giải quyết được vấn đề.
Trước thực trạng người lao động đang phải “chịu đựng” mức lương không đủ sống, ông Vũ Vinh Phú nhận định, dường như những người làm chính sách tiền lương không đi thực tế, mà chỉ ngồi ở văn phòng tính toán các chế độ lương. Cho nên dẫn đến thang bậc lương không phù hợp với giá cả thị trường.
“Lương hiện nay cũng cho thấy sự mất cân đối giữa các vùng các khu vực và các ngành nghề. Có những người giữ chức vụ giám đốc – tất nhiên chắc chắn họ là những người tài giỏi, có mức lương tới 100 hoặc 200 triệu/tháng. Trong khi người lao động cũng công tác trong DN ấy, ngành nghề ấy thì thường lương chỉ 3 đến 5 triệu/tháng, thì có thể thấy là sự phân hóa giầu nghèo đang rất lớn. Giám đốc cứ cho là giỏi đi, thì lương gấp khoảng 5 đến 7 lần thôi, chứ gấp 20 đến 30 lần lương của người lao động thì… cũng vô lý.” – ông Vũ Vinh Phú nói.

Đọc thêm