Hôm 21/4, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), một cổ đông chất vấn: với quy mô hiện tại, mức cổ tức 10% cho năm 2015 liệu có thấp? Trả lời thắc mắc này, đại diện Ban điều hành cho biết, theo tính toán của HĐQT thì 10% là mức hợp lý.
Năm 2014, chi phí rủi ro tín dụng khiến nhiều ngân hàng không chia cổ tức cho cổ đông, trong số 12 ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM thì có 7 ngân hàng không chia cổ tức, đồng thời nhiều ngân hàng phải hạ cổ tức do lợi nhuận không đạt như kỳ vọng. “Việc chi trả cổ tức tỷ lệ 10% của MB như vậy đã nằm trong nhóm những ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất hiện nay” – MB tự tin.
Quả vậy, mới 3 ngày trước đại hội này của MB, tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hôm 18/4, các cổ đông đã phải ngậm ngùi thông qua việc không chia cổ tức năm 2014 nhằm dành toàn bộ lợi nhuận vào việc tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh.
Trong cùng thời điểm, tại TP.HCM, ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 5% bằng tiền mặt. Mức chia cổ tức thấp hơn nhiều lãi suất tiết kiệm song cũng được đại diện từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá là “đứng thứ 2 trong số các ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM”.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) diễn ra vào sáng 17/04, mức chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 4% cũng được lấy làm tự hào là “khá hơn nhiều ngân hàng khác”.
Dĩ nhiên những cách giải thích có phần “tự sướng” như thế này làm các cổ đông nhỏ rất bức xúc dù rốt cuộc rồi cũng phải thông qua. Bỏ tiền ra đầu tư chẳng ai muốn mức “lãi” thu về lại còn âm so với lạm phát. Mà kế hoạch cổ tức năm 2015 này cũng không khá khẩm gì hơn. “Hoành tráng” như MB cũng chỉ trình phương án 10%. Tình hình kinh doanh không thuận lợi, có thể nói chuỗi ngày ảm đạm của cổ đông ngân hàng còn dài dài.
Nhìn sang các lĩnh vực khác, những ai trót đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng chắc còn rầu ruột hơn. Như Pháp luật Việt Nam từng đề cập, rất nhiều công ty niêm yết, đặc biệt là ở những ngành sản xuất cơ bản, họ đối đãi với cổ đông hết sức thịnh tình.
Không kể những trường hợp đặc biệt trả cổ tức lên tới 100% như Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) hay Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoibaiCargo (NCT), mùa ĐHĐCĐ năm nay có không ít doanh nghiệp trả cổ tức ở mức 30% trở lên.
Chúng tôi muốn đề cập đến trường hợp của ngành dược phẩm, như Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), năm 2014 lãi ròng giảm 10% so với năm 2013 (còn 533 tỷ đồng), tuy vậy vẫn quyết định nâng mức cổ tức chi trả cho cổ đông từ 25% (quyết định của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2014) lên mức 30% mệnh giá, bằng tiền mặt. Năm 2015, cổ tức tiếp tục được đề xuất ở mức 25% tiền mặt.
Traphaco (TRA) cũng chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2014 nhưng ĐHĐCĐ đã thông qua mức cổ tức năm 2014 tỷ lệ 30%. Cổ tức dự kiến năm 2015 là 20% bằng tiền mặt.
Sự tương phản như vậy là điều rất đáng để suy ngẫm. Ngân hàng vẫn được ví như mạch máu dẫn vốn cho nền kinh tế. Không thể có một cơ thể khỏe nếu mạch máu không khỏe. Vậy thì vì sao nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn “sống khỏe” trong khi ngành ngân hàng lại èo uột?
Hai dòng thông tin rất khiêm tốn trong bản báo cáo thường niên năm 2014 dày 100 trang của Dược Hậu Giang cũng có thể lý giải phần nào: “Trong những năm trước đây, DHG hầu như không vay nợ. Khoản nợ ngắn hạn thể hiện trong báo cáo tài chính là khoản DHG vay cán bộ, công nhân viên không có tài sản thế chấp và vay ngân hàng với lãi suất thấp. Điều này có được là do DHG đã tận dụng uy tín của mình với các ngân hàng để khai thác tình trạng dư thừa vốn ở các ngân hàng trong thời điểm hiện nay”!
Tuy nhiên, đầu vào cũng mới chỉ là một vế của vấn đề. Vế còn lại là đầu ra, đó là việc tiêu thụ sản phẩm. Thị trường nội địa chiếm tới 99% doanh thu thuần hàng sản xuất của công ty. Dân số Việt Nam đông, tăng nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe, đặc biệt từ phân khúc thu nhập trung bình trở lên. Điều này được công ty nhìn nhận là cơ hội kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng còn cao.
Dù rằng vẫn còn đó nhiều thách thức, mà theo như Dược Hậu Giang thì có một phần vì thuốc là mặt hàng Nhà nước quản lý giá và việc tăng giá thuốc còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cạnh tranh và… các phương tiện báo đài.
Nhìn vào bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của các công ty con phân phối của DHG cũng có thể thấy hãng dược đang ăn nên làm ra thế nào. Như B&T Pharma tăng trưởng tới 154%, VL Pharma tăng 108%, ST Pharma tăng 61%...
Buồn cho ngành ngân hàng, mừng cho ngành dược, nhưng dưới góc nhìn xã hội thì cũng chạnh lòng cho người bệnh. Vì suy cho cùng thì sản phẩm mà họ bỏ tiền mua đã bị tính lãi khá cao.