Đến tuổi là phải thực hiện nghĩa vụ quân sự

(PLO) - Không thể đóng tiền hay cứ đi học đại học, du học là được thôi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) vì như vậy là không bảo đảm công bằng xã hội trong việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật NVQS  (sửa đổi)
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi)
Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật NVQS được sửa đổi để khắc phục những khó khăn đang ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện và chất lượng xây dựng Quân đội, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện NVQS. 
Muốn vậy, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) sáng qua (14/8), Dự thảo phải thể hiện được nhận thức mới “thực hiện NVQS là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của công dân để mọi công dân đến tuổi là phải thực hiện NVQS”.
Đề xuất thời hạn tại ngũ lên đến 24 tháng
Để đảm bảo đủ thời gian giáo dục, huấn luyện về chính trị, quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và kỹ năng sử dụng thành tạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Dự thảo Luật đã điều chỉnh thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình đối với hạ sỹ quan và binh sỹ là 24 tháng. 
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh lý giải, qui định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sỹ quan, binh sỹ là 18 tháng không đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, qui định. Còn qui định không thống nhất như hiện hành tạo nên sự không công bằng về thời hạn phục vụ tại ngũ giữa hạ sỹ quan, binh sỹ ở các lực lượng, các đơn vị trong Quân đội, gặp khó khăn cho việc tổ chức tuyển quân, xuất ngũ nên Chính phủ mới đưa ra đề xuất thời hạn 24 tháng.
Ai cũng phải thực hiện NVQS
Đó là quan điểm chung của UBTVQH đối với Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) khi đề cập đến các đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Cần có tư duy mới trong việc thực hiện NVQS, ai cũng có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc nên đến tuổi cứ đi NVQS, rồi về làm gì thì làm”. 
Hiện nay, đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình quá rộng nên công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ hàng năm chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình xét duyệt gọi nhập ngũ. Việc gọi công dân đã được đào tạo vào phục vụ tại ngũ trong quân đội không nhiều, một số công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn gọi nhập ngũ để trốn tránh thực hiện NVQS gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến chất lượng tuyển quân. 
Do đó, Dự thảo Luật NVQS (sửa đổi) qui định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo hệ chính qui trong hệ thống giáo dục quốc gia. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, những đối tượng này sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ. Công dân đang học tập tại các trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc các cơ sở giáo dục không thuộc đối  tượng được tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành NVQS sẽ được các trường thuộc các cơ sở giáo dục tiếp nhận để tiếp tục học tập.
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường- nhấn mạnh, thực hiện NVQS không chỉ là “cầm súng sẵn sàng” mà còn ở nhiều nội dung khác, nhất là giúp rèn luyện về phẩm chất đạo đức, ý thức sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc nên đề nghị “không mở rộng đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ để bất kỳ ai cũng phải thực hiện NVQS, có thể thực hiện trước hoặc sau”. Đa số ý  kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý để bảo đảm công bằng xã hội. 

Đọc thêm