Dẻo thơm xôi làng Phú Thượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nép mình gần triền đê sông Hồng, làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) bao năm nay vẫn thổi lửa truyền đời món xôi thơm ngon, dẻo mịn. Từ những con ngõ nhỏ, xôi làng Phú Thượng mang “tiếng thơm” đi khắp mọi nơi ở Hà Thành, trở thành một thức quà được nhiều người sành ăn yêu mến.
Mẻ xôi thơm ngon của làng Phú Thượng trở thành món ăn yêu thích của người dân Hà thành. (Nguồn: NVCC)
Mẻ xôi thơm ngon của làng Phú Thượng trở thành món ăn yêu thích của người dân Hà thành. (Nguồn: NVCC)

“Giữ lửa” truyền thống

Làng Phú Thượng hay còn có tên gọi là làng Phú Gia, trước đây được biết đến với cái tên làng Gạ. Ngôi làng tọa lạc gần sông Hồng, với truyền thống hàng trăm năm làm xôi. Phải nói rằng không có nơi đâu làm xôi ngon bằng làng Phú Thượng, hạt xôi dẻo, căng, hương thơm nồng đượm.

Chỉ cần thực khách lai rai một buổi chiều men theo triền đê sông Hồng, rẽ vào địa phận Phú Thượng trên đường An Dương Vương, Tây Hồ, khoảng chiều tối nhập nhoạng có thể thấy những ngôi nhà sáng đèn, mùi thơm của xôi mới nấu vấn vít trên các nóc nhà. Tiếng xoong nồi leng keng, những bàn tay thoăn thoắt lấy những mẻ xôi ấm nóng đặt lên các chiếc rổ lớn.

Người làng Phú Thượng cũng giống như những thúng xôi ấm áp, ngọt lành thân thiện và niềm nở. Họ rất tự hào về nghề truyền thống của ông cha để lại, nghề chỉ được những người mẹ, người bà sẽ truyền dạy cho con gái, con dâu. Đối với người ngoài, dù có trả bao nhiêu tiền để xin học nghề họ cũng khéo léo từ chối. Theo dòng chảy của thời gian, làng nghề làm xôi Phú Thượng ngày càng được nhiều thanh, thiếu niên cả nam lẫn nữ lựa chọn học nghề.

Chị Nguyễn Huyền Trang (30 tuổi, ngõ 373 An Dương Vương), có hơn 10 năm nấu xôi cho biết, hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ trong làng theo nghề làm xôi. Thời xưa phần lớn chỉ có phụ nữ bán xôi, tuy nhiên, bây giờ các nam thanh niên trong làng cũng dành tình yêu cho nghề truyền thống của gia đình, có rất nhiều người đàn ông sáng sáng chở theo thúng mẹt cùng vợ, cùng mẹ đi bán xôi ở khắp các ngõ ngách, khu chợ tại Hà Nội.

Gia đình chị Trang tính tới nay đã truyền nghề qua bốn đời. Chị Trang là con dâu trong nhà, trên chị có mẹ chồng, bà nội, cụ nội (đã mất) đều làm nghề bán xôi. Mỗi người có khoảng ba mươi, bốn mươi năm kinh nghiệm trong nghề. Chị Trang là người trẻ nhất trong gia đình vẫn “giữ lửa” truyền thống. Với nhu cầu ăn xôi ngày càng nhiều của người dân, hiện tại, cả nhà chị đều làm xôi. Chị cho biết: “Tôi và mẹ chồng là người nấu xôi, bán xôi. Ở nhà chồng tôi sẽ giúp tôi dỡ xôi, làm các công việc nặng nhọc, mỗi buổi sáng bố chồng sẽ ở nhà tự tay phi hành, làm ruốc, vừng lạc...”.

Bà Xíu và chị Huyền Trang cũng như nhiều người dân Phú Thượng luôn tự hào và mong muốn món xôi thơm ngon sẽ vươn xa. (Ảnh: PV)

Bà Xíu và chị Huyền Trang cũng như nhiều người dân Phú Thượng luôn tự hào và mong muốn món xôi thơm ngon sẽ vươn xa. (Ảnh: PV)

Đi qua nhà chị Trang, chếch theo những con ngõ nhỏ rợp bóng cây ở làng Phú Thượng, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhẫn (62 tuổi, ngõ 353 An Dương Vương) lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Từ đầu đường, mùi thơm của vò xôi chín, hạt ngô nếp đã vấn vít mời gọi bước chân người qua đường ghé vào.

Gia đình bà Nhẫn cũng giống như chị Trang đều có truyền thống làm xôi lâu đời. Bà đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm xôi, bà bắt đầu học nghề từ mẹ mình vào năm 18 tuổi. Đến nay, bà Nhẫn đã có tuổi và truyền dạy nghề lại cho hai người con trong gia đình. Mỗi ngày, gia đình bà sản xuất khoảng 70kg xôi, đủ các loại từ những xôi truyền thống, thông dụng như xôi xéo, xôi ngô, xôi đỗ, xôi lạc,... cho đến các loại xôi ngọt như xôi vò, xôi dừa, xôi cốm,...

Bà Nhẫn cho biết, nguyên liệu làm ra được những mẻ xôi thơm ngon, dẻo mềm phải chọn lọc thật kỹ, thông thường, người làng Phú Thượng sẽ sử dụng gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung. Nếp nhung có nhiều loại, loại ngon, loại dở, đối với người làm xôi truyền thống, họ đều có kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn được nguyên liệu ưng ý nhất. Bà chia sẻ: “Chúng tôi chỉ cần nhìn hạt nếp là có thể phân biệt được, đây là một kỹ năng cơ bản, đơn giản nhất mà ai theo nghề cũng đã được học từ xưa”.

Hương xôi lan tỏa khắp các ngõ ngách ở Hà Nội

Chị Huyền Trang tâm sự, nghề làm xôi không khó, nhưng vất vả nhất là phải dậy từ lúc 3 giờ sáng, thổi lại xôi, chuẩn bị thúng mẹt, đồ đạc để kịp giờ bán. Mùa đông cũng như hè, không ngại gió rét, nóng nực họ đều thức dậy đúng giờ, không chậm trễ.

Có lẽ, vì vậy mà tới làng Phú Thượng lúc ông trăng còn chưa khuất bóng, đã thấy những ngôi nhà sáng đèn, tiếng ríu rít, thì thầm của các gia đình làm xôi. Hương xôi thơm nồng nàn từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Khoảng độ bốn rưỡi, năm giờ sáng, những chiếc xe máy chở các thúng xôi nóng ấm sẽ tỏa đi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội đem hương vị xôi Phú Thượng đến với từng vị khách.

Ở làng Phú Thượng có đến cả trăm hộ gia đình làm xôi, mỗi nhà mỗi hương vị, cách chế biến riêng biệt khác nhau. Mỗi người sẽ bán xôi ở một địa điểm khác nhau. Nhà bà Nguyễn Thị Nhẫn thường mang xôi ra những khu chợ lân cận gần phố Bạch Đằng để bán. Nhờ hương vị xôi thơm ngon, bà được một khách sạn 5 sao ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đặt hàng, mỗi ngày lên đến hàng trăm suất. Bà Nhẫn tâm sự: “Khách của tôi có cả người Việt Nam, cả người nước ngoài, rất nhiều thực khách ở các nước châu Âu, châu Mỹ mê đắm hương vị xôi Phú Thượng mà tìm đến đặt mua”.

Đến với nhà chị Huyền Trang, từ bà nội (bên nhà chồng) đến mẹ chồng, ngay cả chị mỗi người đều bán xôi ở một địa điểm khác nhau. Bà Nguyễn Thị Xíu (81 tuổi, bà nội bên chồng của chị Trang) cho biết, bà đã có gần 30 năm theo nghề làm xôi trước khi “nghỉ hưu”. Hồi còn trẻ bà bán xôi ở trên phố cổ, có rất nhiều người yêu thích xôi của bà đã lặn lội từ xa đến để mua cho bằng được một nắm về ăn sáng. Bà tủm tỉm nói: “Trước đây, người dân chỉ đi bộ, không có xe, vậy mà xôi của tôi từng được những người ở trên tận phố Huế đi cả chặng đường dài để mua xôi về ăn”.

Còn chị Huyền Trang đang bán xôi ở mạn Cầu Giấy, gánh xôi của chị mỗi sáng trở thành món ăn không thể thiếu của rất nhiều thực khách. Có những khách quen đã đi xe cả chục cây số chỉ để mua xôi của chị. Chị Trang vui vẻ chia sẻ: “Không chỉ ở Hà Nội, xôi Phú Thượng còn nức tiếng với người dân ở mọi miền Tổ quốc. Tôi có một vị khách người Quảng Ninh chuyên làm nghề lái xe du lịch đưa đón khách. Chỉ cần du khách đến Hà Nội, ông sẽ lái xe chở đến tận gánh bán xôi của tôi để mọi người thưởng thức hương vị xôi Phú Thượng gia truyền”.

Gánh xôi thơm ngon của làng nghề Phú Thượng được nhiều thế hệ gìn giữ. (Ảnh gia đình chị Huyền Trang - nguồn: NVCC)

Gánh xôi thơm ngon của làng nghề Phú Thượng được nhiều thế hệ gìn giữ. (Ảnh gia đình chị Huyền Trang - nguồn: NVCC)

Một ngày bán xôi của người dân làng Phú Thượng kết thúc vào những lúc khác nhau. Những hôm rằm, mùng một đắt hàng, bán chạy, chỉ đến 8 giờ sáng, gánh xôi của họ đã hết sạch hàng, người bán thu gom đồ để về nhà. Với những ngày thưa khách hơn, khoảng 10 giờ đến 11 giờ, họ sẽ trở về nhà chuẩn bị đồ xôi cho ngày mai.

Buổi chiều là thời điểm quan trọng nhất, những người thợ làm xôi, sau khi nghỉ ngơi sẽ bắt tay vào vo gạo, thổi xôi, chuẩn bị trước cho sáng sớm ngày hôm sau chỉ cần đồ lại là đi bán được. Đây là thời điểm quyết định chất lượng của mẻ xôi, với người làm nghề lâu năm ở Phú Thượng, họ cho biết bí quyết nằm ở nhiệt độ đun củi lửa, nguyên liệu, số lần đồ để ra mẻ xôi thơm ngon.

Hy vọng vào sự phát triển vững bền của làng nghề

Phải nói rằng người làng Phú Thượng luôn bám trụ với nghề gia truyền của ông cha. Bà Nguyễn Thị Xíu chia sẻ, trước đây, nghề làm xôi rất vất vả, chỉ dành cho những người lao động chân tay. Bà nói: “Vài chục năm trước, mọi người thích ăn phở, ăn bún cho sang miệng, có những lúc gánh xôi ế ẩm chẳng ai mua. Nhiều năm gần đây, mọi người bắt đầu quay trở lại với món ăn truyền thống. Nắm xôi ấm áp, no bụng dần được yêu thích trở lại”.

Quả thật vậy, khoảng những năm 2000 trở về trước, người theo nghề bán xôi ở làng Phú Thượng không nhiều. Vì làm xôi phải thức khuya, dậy sớm, đạp xe buôn bán hàng cây số chỉ thu lại vài đồng bạc lẻ. Ngay cả việc nấu xôi rất vất vả khi người thợ phải dùng bếp củi, thay vì bếp điện hiện đại như bây giờ. Phần lớn người làm xôi đều chọn “nghỉ hưu” sớm do căn bệnh đau lưng vì cúi nhiều, như bà Nguyễn Thị Xíu đã nghỉ làm nghề từ hàng chục năm nay. Bà Nguyễn Thị Nhẫn đã giao lại mối làm ăn cho những người con của mình để có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Một trong những gian khổ của người làm xôi là thu nhập chỉ vừa đủ nuôi sống gia đình. Bà Nguyễn Thị Nhẫn chia sẻ, trung bình ba người làm của nhà bà thu nhập rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng. Còn với gia đình chị Trang, mẹ chồng và chị cùng bán xôi thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày. Chị Huyền Trang tâm sự: “Đối với nghề làm xôi, tôi có thể tự làm chủ thời gian của mình. Nhưng lương hưu, trợ cấp là một vấn đề cần suy nghĩ lâu dài. Đặc biệt, nghề làm xôi giống như sáng tạo nghệ thuật luôn luôn đổi mới, cập nhật những xu hướng của thị trường”.

Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng những hộ gia đình ở làng nghề xôi Phú Thượng vẫn luôn dành tình cảm cho nghề nghiệp của mình. Chị Huyền Trang vui vẻ nói: “Tôi mong rằng làng nghề của mình sẽ ngày càng phát triển. Để hương vị thơm ngon của xôi Phú Thượng đang “bay xa, bay cao” hơn vươn tầm quốc tế, đem đến hình ảnh đẹp cho thế giới về ẩm thực Việt Nam”.