“Chích thuốc Tây có gì phải sợ?”.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đi thực tế lấy thông tin viết bài về mối nguy hiểm này là một ngôi chùa tại trung tâm thị trấn Càng Long (huyện Càng Long).
Có mặt trong khuôn viên nhà chùa là một nhóm thanh niên với vẻ mặt bơ phờ. Trên nền khu vườn hoang có rất nhiều vỏ thuốc mang một nhãn hiệu duy nhất Di-Angesic và rất nhiều ống kim tiêm đã qua sử dụng vương vãi.
Nói về khu vực này, một cán bộ địa phương cho hay: “Mỗi lần chúng tôi đi nắm tình hình, thường làm luôn việc thu dọn kim tiêm, vỏ thuốc, có khi chứa đầy cả bao”.
Ở một tụ điểm khác - ven một bưu điện hướng về gần trung tâm thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần) – quang cảnh cũng tương tự. Xung quanh bưu điện, từ rìa cỏ cho đến phía nền sát bờ tường, trong cả những chậu cây trồng hoa kiểng, đều dày đặc kim tiêm cùng những vỉ thuốc Di-Angesic đã qua sử dụng.
Có một vài thanh niên vừa thấy người lạ, bèn bỏ đi một cách lặng lẽ, một vài người thì thờ ơ tuyên bố: “Ăn thua gì đâu, chỉ là chích thuốc tây mua bán hợp pháp, có gì phải sợ”.
Chúng tôi tiếp cận được một thanh niên tên Hùng. Thanh niên tự giới thiệu từng ở trại cai nghiện về, chỉ tay về hướng xa xa có mấy người đang ngồi: “Đám tụi nó đa số trước đó dính xì ke (ma túy) hết rồi nên giờ chơi “thứ mới” này chẳng ăn thua gì.
Còn khi nào có lỡ bị sốc thì tự cấp cứu bằng nước chanh nguyên chất. Mỗi khi đi chơi như vầy, tụi tui luôn đem theo một vài trái chanh trong người, lỡ khi cần thì có mà xài. Tuy nhiên sợ nhất là tụi trẻ mới tập tành nhảy vô “nghề chơi”.
Bọn nó chưa quen lắm nên rất dễ bị sốc. Thuốc này tuy nhẹ, nhưng chích vào là cảm giác lâng lâng ngay tức khắc, và nếu lỡ bị sốc một cái là chết như chơi. Trước giờ ở đây đã “lụm” hai thằng rồi còn gì”.
Vừa kể, Hùng vừa thản nhiên ngồi pha chế thuốc.
Một người nghiện khác tự giới thiệu tên Đực, cho hay, đã tập tành chơi loại tân dược này khá lâu: “Đôi lúc cũng muốn bỏ đi cho rồi mà bỏ mãi không được. Mỗi khi thấy thiếu là cơ thể thấy khó chịu. Tôi làm phụ hồ, cứ rảnh một chút là tay chân muốn rụng rời, lại đi mua thuốc vào khu này chơi”.
|
Một con nghiện đang pha chế thuốc tại Trà Vinh |
Dễ bắt, khó xử lý
Trao đổi với XLPL, Trung tá Lê Văn Việt, phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có một số thanh niên độ tuổi từ 18 - 30 tuổi dùng thuốc tân dược gây nghiện loại Di-Angesic.
Loại thuốc này có chất codein chiếm 30% thành phần và là loại thuốc nằm trong danh mục có chứa chất gây nghiện, hầu hết các tiệm bán thuốc tây đều có.
Công an đang gặp khó khăn trong xử lý người nghiện chích thuốc tân dược, vì chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể.
Phóng viên thử ghé vào nhiều tiệm thuốc tây hỏi mua Di-Angesic. Đúng là người bán lấy loại thuốc này bán một cách rất vô tư, thậm chí không cần hỏi khách mua để dùng vào việc gì, trị bệnh gì.
Một cán bộ Công an huyện Tiểu Cần cho biết, từ năm 2011, cảnh sát đã phát hiện có một số trường hợp chích thuốc Di-Angesic, hiện tượng này ngày một bùng phát, đặc biệt trong giới trẻ.
Vị cán bộ công an này còn cho biết. “Công an huyện nghe thông tin vài trường hợp bị sốc thuốc Di-Angesic chết nhưng gia đình giấu, an táng sớm, nên công an chưa có hồ sơ cụ thể”.
Nói về vấn đề này, ông Tô Anh Chiêu, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, thuốc Di-Angesic thuộc danh mục thuốc gây nghiện, chỉ được bán khi có toa kê của bác sĩ.
Tuy vậy nhiều tiệm thuốc vẫn mặc nhiên bán vì hám lợi, giá khoảng 10 ngàn đồng/hộp 20 viên; nhưng họ nâng giá 5 lần, bán tới 50 ngàn đồng/hộp.
Cũng theo ông Chiêu, rất khó bắt quả tang, xử lý mua bán sai phạm, trừ khi công an khai thác người nghiện, yêu cầu nói ra nơi bán thuốc, sau đó nhờ thanh tra sở đến “bắt nguội” thì cơ quan quản lý mới có thể xử phạt.
Cho tới nay, thanh tra sở cũng chỉ mới xử phạt được hai cơ sở tư nhân kinh doanh thuốc vì bán lẻ thuốc chứa chất gây nghiện không đúng đối tượng, với mức phạt 15 triệu đồng.
Ở một góc độ khác, ông Trang Nhơn Đức, phó phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, cho biết việc chích thuốc Di-Angesic là quá nguy hiểm đến tính mạng. Di-Angesic có hai loại, loại chứa chất gây nghiện dextropropoxyphene đã cấm sử dụng, nên trên thị trường hiện phổ biến loại Di-Angesic Codein 30mg.
Khi sử dụng loại này quá liều sẽ gây suy hô hấp, đờ đẫn hoặc hôn mê, mềm cơ, da lạnh, đôi khi mạch chậm và hạ huyết áp. Trường hợp nặng sẽ ngừng thở, trụy mạch, ngừng tim, tử vong. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc dạng viên uống, chuyển sang chích, là sai về cách thức và mục đích, dễ xảy ra sốc thuốc, khả năng tử vong cao.
Tại Bến Tre, theo Đại tá Đỗ Văn Hạt, Trưởng phòng PC47 Công an tỉnh, có tình trạng một số người dùng Di-Angesic và một số thuốc tân dược khác có chất gây nghiện thay cho ma túy. Đại tá Hạt đề nghị ngành y tế cần siết chặt việc buôn bán các loại thuốc trên.
Còn tại Tiền Giang, theo Thượng tá Trần Hữu Danh, Phó trưởng phòng PC47 Công an tỉnh, không chỉ sử dụng thuốc Di-Angesic, mà người nghiện có thể sử dụng các loại tân dược khác có tiền chất gây nghiện, sau đó chiết xuất ra sử dụng như một loại “ma túy” mới. Ông Danh đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu và cảnh báo về việc này./.