Sắm lễ cần thành tâm
Theo phong tục cổ truyền mọi người Việt Nam trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, cùng những ngày có việc hệ trọng, thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành cầu khấn nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, của chư vị Bồ Tát, Hiền thánh mà được thiện duyên, gặp may cầu cho được: mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, có con nối dõi, yêu vui thân mệnh, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang.
Tuy nhiên, có nhiều quan niệm khi đi lễ chùa cần đầu năm phải lưu tâm, cụ thể như: đi lễ chùa càng sắm lễ lớn càng nhiều phúc lộc, phóng sinh, hái lộc….Theo Thượng tọa Thích Hoằng Hóa, Ủy viên thường trực Ban Hoằng Pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Chùa Kim Quy (Bình Xuyên, Vĩnh phúc), việc sắm lễ đi chùa không phải cứ sắm lễ lạt nhiều là tốt, cốt yếu cần tấm lòng thành.
“Mỗi người mỗi phúc duyên, có những người gieo trồng việc tốt từ nhiều đời trước nên đời này họ có khả năng giàu có sung túc, khi đó họ muốn sắm lễ lạt lớn dâng lên chùa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong nhà chùa, ngày xưa Đức Phật có nói “Phật tức tâm, Phật chứng tại tấm lòng, Tâm tức Phật, lòng thành có Phật”, mình có chút ít lễ lạt với tất cả tấm lòng thành dâng lên cúng dường Tam Bảo thì đó cũng là điều quý. Nhiều người sắm lễ nhiều nhưng tâm không thành thì cũng không đúng, phải tỏ rõ cái tâm thành chân thực đối với cúng dường nơi Tam Bảo, đó mới là lòng thành kính dâng lên 10 phương chư phật”, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho biết.
|
Thượng tọa Thích Hoằng Hóa, Ủy viên thường trực Ban Hoằng Pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Trụ trì Chùa Kim Quy (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Ngọc Nga |
Xin lộc đầu năm sao cho đúng?
Một trong những quan niệm của nhiều gia đình trong ngày đầu năm mới, đó là ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới sẽ lên chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc, hay có những người đến ngân hàng để hái lộc mong năm mới sung túc, tài lộc dồi dào.
Chia sẻ về điều này, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho hay, quan niệm có từ bao đời nay là lên chùa hái lộc đầu năm. Ngày xưa thời đất nước còn khó khăn, lên chùa có những người bẻ cành hái lộc, sau này khi kinh tế đất nước phát triển đến nay ở hầu hết các chùa đều sắm sửa lễ lộc để phát lộc đầu năm cho các phật tử. Do đó, ngày nay, thay vì mọi người hái cành, hái cây trên chùa thì nay chùa đã chuẩn bị lễ lộc để phát. Và khi nghĩ việc xin lộc trên chùa đầu năm là điều may mắn, thì tâm chúng ta bình an, làm việc trong năm sẽ thuận lợi.
“Còn có những vị hay đi đến ngân hàng để hái lộc với mong muốn một năm sung túc thì đó là niềm tin của mỗi người. Trong dân gian thường có “tâm tưởng sự thành”, tức là khi chúng ta có niềm tin vào điều gì đó thì chúng ta càng phấn đấu thì công việc càng thành công”, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa chia sẻ.
Mặt khác, cũng có những người cho rằng, việc hái lộc, xin lộc trên chùa sẽ mang vong linh về nhà, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho rằng, nhiều người quan niệm vậy là không đúng, bởi đến chùa là điều tốt lành may mắn tới, thực ra chẳng có vong linh nào nhập khi đi chùa.
Chia sẻ thêm về những lưu ý khi đi lễ chùa đầu năm, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa nói: “Khi đi lễ chùa đầu năm, quý phật tử cần ăn mặc tươm tất, gọn gàng, ấm cúng, không mặc lòe loẹt, hở hang. Sắm lễ vật tùy tâm mỗi người, tùy theo khả năng, sắm lễ sao cảm thấy đủ là được. Sắm vừa đủ lễ vật, có tiết kiệm trong dịp đầu năm, có lòng thành. Đi lên chùa cũng cần khoan thai, chậm rãi, không chen chúc… Khi đi vào cửa trái, ra cửa phải. Và khi lễ thì nên lễ phật trước rồi lễ thánh, tức là lễ Tam Bảo trước rồi lễ ban Đức ông và các ban khác”.
“Phóng sinh là 1 trong 10 điều được dạy trong hàng Phật tử, không sát sinh mà còn phóng sinh thì sẽ được hưởng thọ dài lâu. Tâm khởi phát phóng sinh hộ mạng, bố thí, cúng dường… đó là những điều tốt trong nhà Phật”, Thượng tọa Thích Hoằng Hóa cho biết.