Đi tìm mình trong 'kẻ khác'?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hành trình sống của con người luôn gắn với hành trình đi tìm bản ngã, cái tôi của chính mình. Thế nhưng, dù con người được coi là giống loài tinh khôn với những trí tuệ, năng lực, cảm xúc vượt trội hơn các loài khác thì bao thế kỷ trôi qua vẫn băn khoăn, chơi vơi và chật vật trong hành trình tìm kiếm “màu sắc”, dấu ấn cá nhân của mình.
Đi tìm mình trong 'kẻ khác'?

Chúng ta hoài khao khát được sống là chính mình nhưng làm sao để là mình thì lại không rõ…Và bởi chúng ta không thể tìm ra chính mình, nên chúng ta phải tìm giá trị của riêng mình qua “kẻ khác” - những người ta gặp gỡ, tiếp xúc.

Soi mình trong kẻ khác âu cũng là một trong nhiều cách để mỗi người khám phá giá trị riêng của bản thân. Bởi soi mình trong kẻ khác, con người có những tham chiếu để tự ý thức về mình, thấy được những nét riêng đáng quý của mình, từ đó có thêm lựa chọn để bồi tụ nên “màu sắc” riêng của chính mình. Thế nhưng, nếu cứ mải mê “soi mình trong kẻ khác”, đặc biệt khi ta nhận thức được những suy nghĩ và thiếu sót của bản thân thì ta thường có xu hướng tập trung vào những điều đó, soi chiếu và so sánh với người khác, thậm chí là bắt chước, sao chép họ, và nảy sinh những lòng đố kị, ghen ghét. Nếu chỉ soi mình trong kẻ khác, bản thân sẽ rơi vào cạm bẫy so sánh, lãng quên tiếng nói nội tại, lãng quên rằng ta cần chú ý, quan tâm đến chính bản thân nhiều hơn.

Tôi đã từng đọc được một câu nói: “Hãy luôn là phiên bản tốt nhất của bản thân, chứ đừng bao giờ là phiên bản thứ hai của một ai khác” (“Sách đen” - Otegha Uwagba). Đúng vậy, cuộc đời là một nhạc cụ và mỗi con người chính là người nghệ sĩ, cách sống mà họ chọn sẽ viết nên bản hòa tấu của chính họ bằng một bản thể khác biệt gắn với các giá trị riêng biệt. Sự khác nhau đó có thể đến từ tư duy, tính cách rộng hơn là phong cách cá nhân của mỗi người. Như John Mason đề cao: “Lời khen cao nhất bạn có thể nghe được là khi ai đó nói với bạn rằng: Bạn thật khác biệt!”. Mỗi người đều có đặc điểm, giá trị, phẩm chất, năng lực riêng… Với những điều đó, mỗi chúng ta đã trở nên đặc biệt, là một bản thể duy nhất trên cuộc đời.

Khi sống với chính tiếng nói nội tại của mình, con người hiểu rõ giá trị, năng lực của bản thân, chủ động nắm bắt cơ hội để “hạt giống” của mình nở hoa đúng cách và trở nên đặc biệt. Vì vậy nếu bản thân chỉ chăm chú “soi mình vào người khác”, vào những giá trị của người khác tạo dựng nên thay vì chuyên chú bồi đắp cho chính bản thân mình, con người thường dễ nhụt chí, lung lay, lạc hướng trên hành trình gây dựng giá trị tự thân. Tôi bỗng nhớ đến một thuật ngữ đến từ Nhật Bản - một quốc gia đề cao lối sống cá nhân - “Oubaitori” có nghĩa là “Tỏa sáng theo cách của riêng mình”. Được tạo thành từ 4 chữ Hán tự đại diện cho 4 loài hoa khác nhau: Anh đào, mai, đào và mận, Oubaitori mang đến thông điệp rằng hãy sống với niềm tin vào chính mình và đừng so sánh bản thân với bất kì ai khác. Bởi vì ta là duy nhất và cũng sẽ “toả hương” theo chính cách của mình, có thời điểm “khoe sắc” riêng biệt.

Trong một lần dạo trên những trang sách quý tôi thấy được một câu nói thế này: “Giữa muôn vàn thế giới rộng lớn mờ mịt, hẳn mỗi người đều đang giữ lấy cho mình muôn ngàn thế giới nhỏ” (Lâm Thanh Huyền). Câu nói ấy mang nghĩa rất tích cực nhưng đôi khi tôi nghĩ lại, “muôn ngàn thế giới nhỏ” mà mỗi chúng ta mang, có khi nào có lẫn trong đấy một thế giới, mà tại đó ta cất giấu đi cảm xúc thật của mình. Để rồi những trạng thái mệt mỏi, áp lực, những dồn nén quá thể ấy, cứ thế bị đẩy lên rồi lại nén xuống y như chiếc bụng nhỏ nhấp nhô khi ta hít thở. Chúng ta hay bị “peer pressure” - áp lực đồng trang lứa, mải mê suy nghĩ về thành công của người khác và coi đó là một thước đo cho chính mình. Những áp lực đó vô tình khiến ta so sánh mình với người khác, và không thôi áp đặt những thành công của họ lên trên bản thân mình.

Gần đây, khi lướt dạo Facebook, tôi liên tục bắt gặp những bài viết mang tính chất “flex” (khoe mẽ), thể hiện giá trị của bản thân bằng thành tích học tập, làm việc hay “bất cứ điều gì khiến mình tự hào”. Trước kia, người ta hay khó chịu về sự khoe mẽ. Nhưng nếu nhìn thoáng ra, bây giờ nó giúp mỗi người chúng ta tìm ra “một thứ” khiến mình tự hào, nó khiến ta trân trọng bản thân hơn và tin tưởng vào hành trình của chính mình. Kể cả những thứ mình “khoe” ra có nhỏ bé, so với những người khác. Đó cũng là một cách để chúng ta thể hiện niềm tin vào những sức mạnh khi“soi chiếu chính mình”. Khi đó con người sẽ được sống đúng với những gì mà mình muốn, mình ước ao và chính lúc bấy giờ, con người sẽ nắm giữ được hạnh phúc.

“Ta là ai, trong ngày dài vụt tắt/Đợi hoang vu nhận rõ nét con người/Ta là ai, suốt một đời mơ ước,/Tìm kiếm mình trong khám phá xa xôi…”(Ngọc Mai) Người xưa thường truyền tai nhau một câu chuyện về triết gia Hy Lạp cổ đại Diogen: một ngày nọ, giữa ban ngày, ông đốt lên ngọn đèn và cầm nó đi giữa thành Athene. Có người hỏi: Ông tìm gì? Ông đã trả lời: “Tôi đi tìm con người”. Triết gia ấy đang kiếm tìm một người bạn? Một người quen? Hay ông cũng như mỗi người chúng ta - đang trên hành trình tìm kiếm chính bản thân để định dạng những giá trị của riêng mình?