Dịch COVID-19 sáng 4/3: Số bệnh nhân phải nhập viện tại Ukraine tăng cao kỷ lục, Malaysia cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00 giờ ngày 4/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 115.422.487 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.562.975 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 91.214.876 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số bệnh nhân phải nhập viện tại Ukraine tăng cao kỷ lục

Trên mạng xã hội Facebook, ngày 3/3, Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov cho biết trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận 3.486 người phải nhập viện vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái. Vào thời điểm đỉnh dịch cuối năm 2020, số người phải nhập viện do COVID-19 tại Ukraine cũng không vượt quá 2.000 người/ngày, nhưng con số này bắt đầu tăng lên vào cuối mùa đông vừa qua trong bối cảnh xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 2.

Theo Bộ trưởng Stepanov, trong 24 giờ qua, Ukraine có thêm 7.235 ca nhiễm mới và 185 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.364.705 ca và 26.397 ca.

Hiện Ukraine đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân sau khi nhận được lô vaccine AstraZeneca gồm 500.000 liều sản xuất tại Ấn Độ, trong đó ưu tiên chủng ngừa cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch và lực lượng quân đội.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 nhằm trấn an dư luận rằng vaccine an toàn và hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 47% người dân Ukraine không muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Malaysia cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 3/3, người đứng đầu ngành y tế Malaysia cho biết giấy chứng nhận dự kiến sẽ được cấp trong một tháng tới. Hiện giới chức nước này đang thảo luận với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các vấn đề liên quan nhằm đảm bảo giấy chứng nhận nói trên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Malaysia bắt đầu bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 giai đoạn 1 từ ngày 24/2 với đối tượng ưu tiên là những người làm việc tại tuyến đầu phòng chống dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Baba, hiện chỉ các bệnh viện công mới cung cấp vaccine COVID-19. Chính phủ đang xem xét cung cấp vaccine cho các bệnh viện tư nhân để có thể bắt đầu vào giai đoạn 2 của chương trình, dự kiến bắt đầu vào tháng 4 tới.

Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng

Ngày 3/3, Bộ trưởng Y tế LB Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết chính phủ nước này đã dỡ bỏ hạn chế về thời gian tiêm phòng COVID-19 và những người trong diện tiêm phòng có thể đi tiêm bất kỳ lúc nào.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Vardhan nêu rõ Chính phủ Ấn Độ đã quyết định dỡ bỏ hạn chế thời gian để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Điều này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi thu xếp thời gian đi tiêm chủng.

Ngày 1/3 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên cả nước. Trong giai đoạn này, chiến dịch sẽ tập trung vào những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi nhưng có bệnh lý nền. Chính phủ liên bang áp dụng mức giá 250 rupee (3,4 USD) cho mỗi liều vaccine tại các bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, việc tiêm phòng tại các bệnh viện công là hoàn toàn miễn phí. Ước tính trong giai đoạn 2, Ấn Độ sẽ tiêm phòng cho gần 270 triệu người. 

Trước đó, Ấn Độ đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân vào ngày 16/1 vừa qua. Các nhân viên y tế và những người làm việc trên tuyến đầu là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tính đến sáng 3/3, ước tính hơn 15,6 triệu người đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trên khắp Ấn Độ kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng.