Điểm mặt thị trường khăn ướt tại Việt Nam

(PLO) - Sau khi Bộ Y tế công bố bổ sung một số chất cấm rất phổ biến trong khăn ướt dùng cho trẻ em, một thị trường khăn ướt tràn ngập sản phẩm kém chất lượng, nhập nhèm về cách phân phối, lừa dối người tiêu dùng dần lộ diện.
Điểm mặt thị trường khăn ướt tại Việt Nam

“Made in Viet Nam”, bao bì tiếng Hàn Quốc

Vi phạm phổ biến trong thị trường khăn ướt, đầu tiên phải kể đến là về bao bì, nhãn mác. Hầu hết các sản phẩm chất lượng hoàn thiện bao bì, đóng gói kém đều không ghi thành phần sản xuất.

Có thể kể đến loại khăn giấy bán rất phổ biến trên thị trường là Wesser, được quảng cáo sản phẩm chiết xuất 100% thiên nhiên tảo biển Hàn Quốc và nước tinh khiết. Trên bao bì chỉ có tiếng Anh và toàn bộ tiếng Hàn Quốc, thể hiện như một sản phẩm nhập khẩu Hàn Quốc. Loại khăn ướt Wesser hiện đang có cả sản phẩm cho người lớn và trẻ em trên thị trường với giá hơn 30.000 đồng.
Bao bì khăn ướt Wesser không có bất kỳ tiếng Việt nào dù sản xuất tại VN.
Bao bì khăn ướt Wesser không có bất kỳ tiếng Việt nào dù sản xuất tại VN. 

Song qua tìm hiểu, sản phẩm này sản xuất tại Việt Nam, nhà máy đặt tại Việt Nam do công ty Công ty Cổ phần Angel Việt Nam (trụ sở ở TP HCM, nhà máy ở Đồng Nai) là chủ sở hữu. Duy nhất cái tem giấy dán bổ sung ghi tiếng Việt song sản phẩm này vẫn được cấp phép bán ra trên các siêu thị cả nước, đặc biệt là siêu thị đồ dùng trẻ em.

Dường như không có một quy chuẩn nào cho loại mặt hàng khăn ướt. Theo một một chuyên gia về thị trường, đến nay khăn ướt chưa được đưa về một ngành mặt hàng nào cụ thể, chịu sự quản lý của một cơ quan, đơn vị chuyên môn nào. 
“Có chăng chỉ là thỉnh thoảng quản lý thị trường có kiểm tra, còn lại không ai quản lý về chất lượng của khăn ướt mà đều do nhà sản xuất tự công bố”-vị này tiết lộ.  

Chính việc không ai quản lý nên dẫn đến thị trường khăn ướt hỗn loạn. Do đó, trong công văn khẩn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đề nghị các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm, cập nhật các danh mục để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm an toàn. 

Chất sẽ bị cấm tràn lan trong nhiều nhãn hàng khăn ướt

Khi Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đưa ra danh mục chất cấm thì lúc này người tiêu dùng mới giật mình kiểm tra lại. Hoá ra, đây là những chất mà thế giới đã cảnh báo từ lâu. Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng các chất bảo quản này trong sản phẩm mỹ phẩm, khăn ướt, sữa tắm vì nó có những hậu quả khôn lường.
Khăn giấy ướt Fressi Care cũng là sản phẩm của Diana chuyên dành cho tuổi teen cũng chứa Isobutylparaben
Khăn giấy ướt Fressi Care cũng là sản phẩm của Diana chuyên dành cho tuổi teen cũng chứa Isobutylparaben 

Sau khi báo chí thông tin, đã có một làn sóng tẩy chay khăn ướt có chất cấm trên cộng đồng mạng. Hai loại chất bản quản bị cấm là 5 Paraben và Methylisothiazolinone đều phổ biến trong các loại khăn ướt.

Những cái tên khăn ướt có chứa chất cấm Paraben, cụ thể là Isobutylparaben tiếp tục được “điểm danh”. Trong đó có cả loại đang bán khá phổ biến trên thị trường là Bobby, một sản phẩm dành cho trẻ em của Diana. 
Tương tự, khăn giấy ướt Fressi Care cũng là sản phẩm của Diana chuyên dành cho tuổi teen cũng chứa Isobutylparaben. Theo quy định của Bộ Y tế thì sản phẩm này cấm lưu hành sau 30/7/2015.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...

Sẽ cấm lưu hành khăn ướt có 5 Paraben từ tháng 8/2015

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nêu rõ, 5 paraben được bổ sung vào danh mục cấm dùng trong mỹ phẩm gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015.

Còn đối với sản phẩm sử dụng chất bảo quản Methylisothiazolinone sản xuất trong nước, nhập khẩu được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát việc thực hiện quy định về thời hạn áp dụng đối với các sản phảm mỹ phẩm chứa các chất đã cảnh báo để đảm bảo sản phẩm lưu thông trên thị trường được an toàn.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm