“Điểm tựa” của nhà nông Yên Bái

Khi Nhà nước, người nông dân và nguồn vốn tín dụng cùng song hành vì mục tiêu phát triển, tin rằng việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi Yên Bái sẽ sớm thành hiện thực.

Khi Nhà nước, người nông dân và nguồn vốn tín dụng cùng song hành vì mục tiêu phát triển, tin rằng việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi Yên Bái sẽ sớm thành hiện thực.

xhth
Nuôi ba ba hiệu quả từ vốn  vay của Agribank

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay một cách đơn giản, thuận tiện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Yên Bái đã triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đối tượng cho vay mở rộng, mức cho vay tăng cao hơn trước. Trước chính sách thông thoáng đó, nông dân rất phấn khởi, nỗ lực xây dựng các phương án phát triển kinh tế để sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Đưa vốn về trang trại

Năm 2005, anh Nguyễn Xuân Dũng ở thôn Khe Phưa, thị trấn nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn) mua lại một trang trại rộng gần 10ha. Do thiếu vốn sản xuất nên vợ chồng anh quyết định vay 50 triệu đồng của Agribank để đầu tư mua phân bón và giống cây ăn quả. Sau 5 năm, gia đình anh đã trồng được 600 gốc cam Canh và bưởi Diễn, trung bình thu hoạch 25 tấn quả/năm, cộng với 5ha chè và chăn nuôi gia súc, gia cầm..., mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Đến nay, anh đã hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, ngoài ra còn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang trị giá hơn 600 triệu đồng.

Hai anh em Trần Đức Tuấn và Trần Quốc Tuyến ở khu I, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) thì mạnh bạo hơn. Với số tiền 300 triệu đồng vay của Agribank, các anh đã đầu tư nuôi ba ba gai và nhím sinh sản. Trên diện tích 800m2, hai anh xây dựng chuồng trại khá quy mô, sau hơn 4 năm đầu tư chăm sóc, đến nay Tuấn và Tuyến đã có 30 cặp ba ba gai giống và 32 cặp nhím sinh sản. Với giá bán 15 - 18 triệu đồng/đôi nhím giống và 650.000 - 800.000 đồng/con ba ba gai giống, trung bình mỗi năm hai anh thu nhập 200 - 300 triệu đồng. Hiện Tuấn và Tuyến đang tiếp tục đầu tư xây chuồng trại để nuôi lợn rừng.

Chị Đỗ Thị Lương, cán bộ tín dụng của Agribank Văn Chấn, người trực tiếp thẩm định các hộ vay vốn ở xã Cát Thịnh cho biết: “Hiện trên địa bàn có hơn 400 hộ nuôi ba ba, trong đó có nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để nuôi con đặc sản này như các ông Lương Văn Hải, Sa Quang Huy, Sa Hữu Nông... Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu”.

Năm 2010, Chi nhánh Agribank Văn Chấn đã huy động được trên 136 tỷ đồng tiền vốn, tổng dư nợ 253,6 tỷ đồng. Trong đó, Phòng giao dịch Vực Tuần đã cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên 31 tỷ đồng, tổng dư nợ 72 tỷ đồng với trên 2.700 lượt hộ nông dân vay vốn. Với 367 tổ tín chấp cho vay vốn thông qua các tổ chức hội đoàn thể ở hầu khắp 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Agribank đã trở thành bạn đồng hành tin cậy của nhà nông, trong đó cho vay phục vụ phát triển chăn nuôi, sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 88%.

Bứt phá từ chính sách đúng

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Agribank Yên Bái cho biết: “Toàn tỉnh đã thành lập được 4.475 tổ vay vốn, với 52.629 lượt khách hàng vay vốn, dư nợ hơn 650 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất, chế biến nông, lâm sản, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa. Nghị định 41 đã chứng tỏ sức lan tỏa nhanh ở Yên Bái, thỏa mãn yêu cầu về vốn của nhân dân và doanh nghiệp”.

Với quan điểm tất cả vì khách hàng, thủ tục vay tại các đơn vị của Agribank Yên Bái rất đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà cho người vay. Dù là thành phần kinh tế nào, người vay đều được tạo điều kiện thuận lợi bởi họ không chỉ là bạn hàng mà còn là đối tác của ngân hàng.

Qua thực tế, để nông dân miền núi Yên Bái tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, ngân hàng và các cấp, ngành liên quan cần làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn và điều chỉnh chính sách cụ thể hơn. Đơn cử như cần sớm xem xét cấp giấy chứng nhận trang trại để bà con có đủ căn cứ vay vốn, bởi hiện tại có hàng trăm trang trại đủ tiêu chí, nhưng họ không biết bám vào đâu để được vay tối đa đến 500 triệu đồng mà không phải thế chấp theo Nghị định 41.

Khi Nhà nước, người nông dân và nguồn vốn tín dụng cùng song hành vì mục tiêu phát triển, tin rằng việc hạ nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi Yên Bái sẽ sớm thành hiện thực.

Đức Toàn

Đọc thêm