Diễn biến sự việc thép HRC bị đề nghị điều tra chống bán phá giá: Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu bổ sung hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, như PLVN đã có bài phản ánh, sau khi một số DN đưa ra ý kiến cần điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam; thì một số DN sản xuất tôn mạ, ống thép lại không đồng ý với đề nghị này, vì cho rằng nhu cầu liên tục tăng trong khi nguồn cung nội địa chưa đáp ứng được.
HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các loại tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, ống thép… (Ảnh: Mai Long)
HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các loại tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, ống thép… (Ảnh: Mai Long)

Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2022 lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc hơn 3 triệu tấn; đến 2023, con số này là hơn 5,72 triệu tấn.

Về nguồn cung HRC trong nước, năm 2022, thị phần HRC của Cty Hòa Phát và Formosa đạt 45% tổng thị phần trong nước. Đến 2023, tỷ lệ này chỉ còn 30%.

Giá bán HRC nhập từ Trung Quốc năm 2023 cũng giảm mạnh so với 2022. Cụ thể, giá 618 USD/tấn vào quý I/2023; giảm xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Hiện giá bán HRC nhập từ Trung Quốc dao động 520 - 560 USD/tấn.

Trước diễn biến trên, Cty Hòa Phát và Cty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho rằng thép HRC nhập từ Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh; nên nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra CBPG với HRC nhập từ Trung Quốc.

Không cùng quan điểm, nhiều DN sản xuất tôn mạ và ống thép như Cty Hoa Sen, Thép TVP, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Cty Sản xuất Kinh doanh Thép Việt Nhật, Kim khí Nam Hưng lại không đồng ý. Các DN này cho rằng, lượng HRC nhập từ Trung Quốc tăng do nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.

Về việc giá HRC nhập từ Trung Quốc giảm, theo các DN này, chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất HRC, là quặng sắt và than cốc; còn các yếu tố khác như năng lượng, nhân công, khấu hao máy móc thiết bị… và sản xuất càng nhiều thì chi phí càng ít.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Công Thương, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) cho biết đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra CBPG với HRC nhập từ Trung Quốc. “Đây là quyền của DN khi nhận thấy có dấu hiệu của hành vi phá giá, có khả năng gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước”, ông Trung nói.

Mới đây, Cục PVTM cho biết đã có yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG với HRC. Theo Cục PVTM, sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các DN sản xuất trong nước, căn cứ Điều 28, Điều 30 Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM, Cục đã có thông báo đề nghị các DN nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Đại diện Cục PVTM cho biết, sau khi các DN sản xuất trong nước nộp bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục PVTM sẽ xem xét hồ sơ căn cứ quy định Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Cục sẽ tiếp tục yêu cầu các DN hoàn thiện và nộp tới Cục. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Cục sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc.

“Trong quá trình thẩm định, Cục sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và khách quan các thông tin theo đúng quy định pháp luật”, đại diện Cục PVTM nói.

Đọc thêm