Điều còn lại trên vạn nẻo đường đời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072. Đại lễ Vu lan - báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong mấy nghìn năm qua giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Đạo hiếu đi suốt cuộc đời mỗi con người. (Ảnh minh họa: K.A)
Đạo hiếu đi suốt cuộc đời mỗi con người. (Ảnh minh họa: K.A)

Người Việt luôn trân trọng, lấy hạnh hiếu làm đầu

Trong cung bậc tri ân và báo ân của cội nguồn, dân tộc ta luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam sự gặp gỡ, giao thoa, hội nhập của nền văn hóa đa tầng này. Từ ấy hạnh hiếu trong màu sắc Phật giáo lại được coi trọng. Sự tương phùng của tinh thần đó đã dẫn dắt nên những gương hiếu hạnh trong quá khứ cũng như hiện tại, thắm đượm và ghi mãi dấu ấn với thời gian. Không phải ngẫu nhiên, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm, giới Phật giáo long trọng tổ chức đại lễ Vu lan - báo hiếu thật trang nghiêm, từ hình thức tổ chức cho đến nội dung mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa trên bình diện tâm linh của con người.

Và thành thông lệ, mỗi mùa Vu lan, những người con trở về với thực tại để lắng nghe, để thấu hiểu, để cảm nhận về ngọn nguồn yêu thương của các đấng sinh thành. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời. Cùng với đó là sự kín đáo, cứng rắn và không kém phần nghiêm khắc đến từ tình yêu thương vô bờ bến của cha.

Mùa Vu lan cũng gửi gắm một thông điệp rằng, mỗi người còn đang hiện hữu trên cõi đời này, cần tinh tấn tu học, kiên nhẫn, học tu tâm sửa tính, bớt tham - sân - si, thấm nhuần tinh thần: từ - bi - hỷ - xả, vô ngã vị tha, thương người, đoàn kết, giúp đỡ nhau, chia sẻ hạnh hiếu thì mới có thể cứu giúp được cha mẹ mình cũng như nhiều người trong mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, đây cũng là dịp hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa.

Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Vu lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt.

Minh chứng là ngày nay, lễ Vu lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Ông bà cha mẹ là vị Phật trong nhà. (Ảnh: PV)

Ông bà cha mẹ là vị Phật trong nhà. (Ảnh: PV)

Trong lịch sử Việt Nam, đạo hiếu được cộng đồng thừa nhận và thực hành làm theo trở thành văn hóa gốc, gắn chặt với chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Chữ “hiếu” của người Việt được xuất phát từ quan niệm của Nho giáo và Phật giáo. Vì thế, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.

Trong đời sống hiện đại hôm nay, vào những ngày tháng Bảy bước sang tháng Tám âm lịch này, những câu chuyện về đạo hiếu, về tình cảm yêu thương, đùm bọc vẫn được ôn lại nơi chùa chiền và nhiều không gian thờ tự khác, cũng như dưới mỗi mái ấm gia đình.

Tháng Bảy về, người người, nhà nhà khắp nơi đều rộn rã chuẩn bị cho mùa Vu lan báo hiếu. Người Việt vốn xem trọng chữ “hiếu” và chữ “hiếu” luôn được cắt nghĩa một cách rộng rãi chứ không dừng lại trong khuôn mẫu ứng xử. Nhìn lại lịch sử dân tộc, sở dĩ chúng ta không mất bản sắc, không bị đồng hoá cũng chính là do đạo hiếu dạt dào sâu thẳm trong con tim, trong mỗi cuộc đời. Cho nên, dường như mùa Vu lan không chỉ bó hẹp trong việc kính thành với cha mẹ, mà còn rộng ra với tổ tiên, cha ông, với những anh hùng dân tộc và những người có công với nước. Chữ “hiếu”, đạo hiếu chính là nền tảng, không chỉ của gia đình mà còn của đất nước.

Cha, mẹ là vị Phật trong nhà

Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, đạo hiếu là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, là một trong những đạo đức cơ bản, là tiêu chuẩn, là thước đo nhân cách của con người, là tư tưởng, ý thức, tình cảm và nguyên tắc hoạt động của con, cháu với ông bà, cha mẹ.

Đạo hiếu được hiểu rộng hơn với lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, uống nước nhớ nguồn... (Ảnh minh họa: PV)

Đạo hiếu được hiểu rộng hơn với lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô, uống nước nhớ nguồn... (Ảnh minh họa: PV)

Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đạo hiếu là một nét đẹp truyền thống để hướng về cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn, sống có hiếu đễ, bày tỏ được ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ của cha mẹ, ông bà với con cháu. Đạo hiếu của con cái không chỉ thể hiện lúc cha mẹ còn sống phụng dưỡng thế nào, mà còn thể hiện trong việc phụng sự, phụng thờ. Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm nhấn mạnh: “Đạo hiếu là bổn phận, là nghĩa vụ của con cháu với ông bà, cha mẹ nhưng không phải cứ làm hay thực hiện thế nào cũng được. Muốn làm hiếu thuận theo đạo thì phải làm theo đức, theo tâm, làm phải tốt nhất”.

Để giúp con cháu giữ tròn đạo hiếu, theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, những người làm cha, làm mẹ cần sống mẫu mực, làm gương cho con cháu. Cha mẹ từ ái để con cháu gần gũi, cha mẹ chia sẻ để con cháu tin tưởng thân thiết, cha mẹ biết tha thứ cho con cháu khi mắc lỗi… Bên cạnh đó, cha mẹ cần chủ động căn dặn cho con cháu thực hiện nốt những gì mà cuộc đời cha mẹ chưa làm được, chủ động lập thừa kế, lập gia phả và phả mộ để con cháu biết cội nguồn và nơi chôn cất của ông bà, tổ tiên...

Lễ Vu lan là dịp để nhắc nhở mỗi người nghĩ về đạo hiếu đối với cha mẹ. Và sự hiếu thuận ấy cần được chúng ta thể hiện thật sự mỗi ngày chứ không phải qua những hình ảnh, lời nói “câu like”, ca tụng trên mạng ảo.

Người ta vẫn hay nói: “Trái tim người mẹ là vực sâu muôn trượng mà ở đáy ta sẽ tìm được lòng yêu thương và sự tha thứ vô bờ”. Đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ hiểu, cả đời cha mẹ chỉ biết sống vì con cái. Hãy yêu thương khi họ vẫn còn đang hiện hữu. Cuộc sống sẽ luôn tấp nập và xô chúng ta đến một chân trời nào đó không ai biết trước. Nhưng cha mẹ vẫn mãi là bến bờ yêu thương, là điểm tựa vững chắc mỗi khi chúng ta trở về. Vì thế, nếu có thể, chúng ta đều xem mọi ngày trong năm đều là ngày Vu lan báo hiếu. Khi mà chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh mẹ cha, hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.

Lâu nay, khi nói về đạo hiếu ta hay gắn với câu chuyện ông Mục Kiền Liên cứu mẹ có xuất xứ từ nước ngoài. Nhưng ở Việt Nam những câu chuyện, những tấm gương hiếu đễ cũng có rất nhiều và nó là những giá trị văn hóa thẳm sâu. Nó gắn với nếp suy nghĩ với tình cảm của người Việt. Nó cũng gắn với những triết lý mà Nho giáo, Phật giáo, cả Thiên chúa giáo xây dựng và người Việt vận dụng nó một cách tự nhiên vào cuộc sống.

Những câu chuyện như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, dựng cờ “phá cường địch, báo hoàng ân” khi còn nhỏ tuổi. Chuyện Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải biết dẹp những mâu thuẫn riêng tư, đoàn kết cùng lo đánh giặc. Rồi chuyện Vua Tự Đức tự đặt roi lên lưng chịu tội trước mẹ. Và chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư tạ lỗi anh trai vì bận việc nước không về chịu tang… là những minh chứng về lòng hiếu đễ mãi còn đó.

Đạo Phật dẫu không có phương châm tu thân, tề gia nhưng lại tập trung đề cao chữ “hiếu”. Đạo Phật từng chỉ ra 10 công đức của người mẹ với con cái. Phật dạy: “Sữa mẹ mà các vị đã bú khi đang lang thang trong ba cõi luân hồi còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương”. Những câu ca như: “Lạy cha ba lạy một quỳ/Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng” chính là cách dạy của nhà Phật vì cha mẹ là Phật của con. Còn câu ca: “Thứ nhất là tu tại gia/Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” lại là một biểu hiện sâu sắc của chữ “hiếu” theo tinh thần Phật giáo. Theo về Phật là phải biết tu. Tu là gắn với tính thiện. Tu nhà là tu tâm vì ở nhà có cha, có mẹ. Họ là Phật. Bởi thế có câu chuyện, cô con dâu cúng Phật nhưng lại dâng cha mẹ thụ hưởng trước. Cô nói cha mẹ chính là Phật trong nhà…

Mùa Vu lan hướng về Điện Biên

Tại buổi họp báo Lễ Vu lan 2024, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức chương trình Vu lan - đạo hiếu và dân tộc năm 2024 cho biết chương trình năm nay sẽ có một đêm giao lưu nghệ thuật vào tối 10/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ngoài ra còn có chuỗi hoạt động an sinh xã hội với hành trình hướng về Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo đó, trước chương trình đêm giao lưu nghệ thuật thì Ban Tổ chức có một chuyến hành hương Theo dấu chân chiến sĩ Điện Biên năm xưa với hoạt động viếng nghĩa trang quốc gia A1, trao quà từ thiện cho gia đình chính sách và hộ khó khăn tại địa phương, tặng nhà ăn cho trẻ em mầm non tại vùng khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Ban Tổ chức còn trao quà và sổ tiết kiệm cho một số cựu chiến binh Điện Biên, tặng một ngôi nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã ngoài 80 tuổi…

Đọc thêm