20 năm miệt mài lai tạo
Đoạt giải mới chỉ là điểm khởi đầu
Theo ông Cua, sau khi gạo được công nhận “ngon nhất thế giới” có rất nhiều người quan tâm và gọi đặt mua thì ông mới ngỡ ngàng nhận ra người Việt không hoàn toàn vọng ngoại. Ông Cua cho biết: “Trước đây, người ta thích gạo Campuchia, gạo Thái là do Việt Nam chưa có hạt gạo nào được công nhận có đẳng cấp trên thế giới thôi. Bây giờ được công nhận thì họ cũng quay trở về với khuynh hướng dùng hàng nội. Họ hay nói với nhau: “Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới rồi thì kiếm gạo khác làm gì nữa”.
Với ông Cua, để thưởng thức gạo ngon phải dùng đầy đủ năm giác quan. “Dùng mắt để nhìn hạt gạo dài, trắng, trong. Rồi ngửi thì nó phải thơm, ăn thì mềm, có vị ngọt. Hột cơm khi nấu ra không bể bung, nó chỉ dãn dài ra, trông như đang sắp hàng trong nồi cơm”, ông nói.
“Khi nhận giải thưởng chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, của người tiêu dùng, của người dân Việt Nam, làm chúng tôi thấy công sức thời gian dài nghiên cứu của chúng tôi thật không uổng phí chút nào hết. Chúng tôi đã đi đúng hướng trên một chặng đường dài, mới đáp ứng được mong muốn của người dân”, ông Cua chia sẻ.
Tuy nhiên, với ông đoạt giải chỉ là điểm khởi đầu, còn rất nhiều hoạt động sau khi được công nhận. “Chúng ta muốn phát triển những thành quả này trước hết phải có thể chế, chính sách, những giải pháp khoa học để duy trì. Nếu không có giải pháp tốt thì ba năm sau, giống này sẽ rơi vào dạng thường thường bậc trung chứ không phải cấp cao nữa”, ông Cua băn khoăn.
Sau hơn hai tháng giống gạo ST25 được công nhận tại Hội nghị thương mại gạo thế giới tổ chức tại Philippines (từ ngày 10-13/11/2019), niềm vui vẫn đang lan tỏa.
Không chỉ là niềm vui của nhóm nghiên cứu mà còn là sự tự hào của mỗi nông dân. ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, TS. Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển.
Để có được thành tựu được thế giới vinh danh như ngày hôm nay, đó là kết quả của sự miệt mài, kiên trì suốt một khoảng thời gian dài của nhóm nghiên cứu.
Giống lúa này phải lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gien; sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất tạo ra sản phẩm cuối cùng. ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn, mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong; khi nấu cho cơm dẻo, ráo, có mùi dứa.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị và thực hiện giống lúa này từ rất lâu. “Ngót nghét 20 năm chứ ít ỏi gì”.
Nói về ngày mới bắt đầu, ông Cua nhớ lại đến với giống lúa ST này trong một dịp rất tình cờ. Năm 1996, khi đi thăm đồng vào sáng sớm, phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Với kinh nghiệm lâu năm, ông biết ngay đó là giống đột biến quý hiếm và rất có giá trị lai tạo.
Sau đó, lại biết Thái Lan đã nghiên cứu ra hai giống lúa thơm ngắn ngày, ông có thêm động lực: “Họ làm được thì mình làm được”. Ông bắt đầu nghiên cứu.
“Vừa làm, chúng tôi vừa học, vừa rút kinh nghiệm để cải tiến một số công đoạn nên càng về sau, tốc độ càng nhanh hơn. Nhờ nghiên cứu trong đợt đó tôi mới biết giống lúa thơm của Việt Nam lai tạo không thể cạnh tranh được với giống KDM của Thái Lan; do trước đây chỉ lai đơn giống KDM với giống có phẩm chất thấp, nên thế hệ con cháu không thể cho chất lượng bằng hoặc cao hơn KDM.
Từ đó, nhóm nghiên cứu mới tiến hành cho lai phức để đạt kết quả cao hơn. May mắn hơn là chúng tôi tiếp nhận các nguồn gen hương cốm từ các giống lúa miền Bắc rồi kết hợp với hương thơm của giống KDM giúp tạo ra những giống lúa ST có hương vị đặc trưng riêng”, kỹ sư Cua chia sẻ.
Anh hùng Lao động nông dân
Xuất thân trong một gia đình nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, ông Cua tốt nghiệp ngành kỹ sư trồng trọt Đại học Cần Thơ, công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, rồi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng. Sau đó ông thôi công tác, chuyển sang nghiệp “nông gia”, trực tiếp gắn bó cuộc đời mình với ruộng đồng, cây lúa.
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (bên trái) trao đổi với nông dân về kỹ thuật trồng lúa. |
Tiếp xúc với ông, ai cũng cảm nhận được sự phóng khoáng, nồng hậu, nhiệt thành hiếu khách của người miền Tây. Tới cái tên “Cua” của ông cũng đậm chất dân dã Nam Bộ. Ông tâm sự chẳng nhớ mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, “chỉ biết cây lúa nó gần và thân thương lắm, bám chặt với tôi từ tuổi thơ với những ngày lội ruộng kéo mạ, cấy lúa”.
Đến nay hầu như các cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long đều in dấu chân của vị kỹ sư này. Ông là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu nhưng cũng là một người nông dân. Hơn ai hết ông thấu hiểu tâm lý và khó khăn của người nông dân, từ đó tìm giải pháp giúp tháo gỡ hỗ trợ.
Dường như những cánh đồng, những cây lúa đã trở thành người bạn đồng hành, là một phần không thể thiếu trong đời sống, nên với ông lúc nào cũng xoay quanh việc ruộng đồng. Hết ra ruộng sáng sớm lại xuống đồng sau giờ nghiên cứu. Mỗi lần mà ngồi nói chuyện về cây lúa, ông có thể “nói hoài không chán”. Nhắc đến cây lúa như tiếp thêm động lực cho cuộc sống của ông, giúp ông quên rằng mình đã bước sang tuổi xế chiều chứ không còn trẻ như thời điểm cách đây mấy mươi năm.
Theo cách nói của ông Cua, việc không ngừng nghiên cứu để tạo ra những giống lúa ưu việt nhất và mang chúng tiến xa hơn trên thị trường thế giới là một cách để trả nợ hạt lúa quê hương đã từng nuôi ông khôn lớn.
Gần 40 năm cống hiến cho ngành nông nghiệp, sự nghiệp của kỹ sư Hồ Quang Cua gắn liền với hạt gạo Sóc Trăng. Đến nay, ông đã có được bộ sưu tập trên 20 giống lúa ST. Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được bảy Huân chương Lao động, hai giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN-PTNT. Năm 2011 Kỹ sư Hồ Quang Cua được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Thương hiệu gạo ST25. |
“Gạo ST25 được công nhận gạo nhất thế giới năm 2019 là niềm tự hào của tỉnh Sóc Trăng, tạo điều kiện mở ra một cơ hội lớn cho gạo chất lượng cao của Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường chống gian lận thương mại. Đồng thời, có ý kiến đề xuất xây dựng thương hiệu gạo ST25 trở thành thương hiệu gạo Việt Nam, được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Cùng đó, sớm quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất giống, vùng sản xuất lúa gạo thương phẩm...” - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu
“ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” là cơ hội để quảng bá ra thế giới hạt gạo Việt Nam. Vấn đề hiện nay là việc tổ chức sản xuất, nhân giống như thế nào để cung cấp cho thị trường với số lượng lớn. Nếu ST25 đủ số lượng lớn, các doanh nghiệp có thể phát triển thương hiệu gạo này để xuất khẩu”. - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên
“Gạo ST25 được bình chọn là ngon nhất thế giới năm 2019 thì chỉ trong vài ngày đã có nhiều cá nhân rao bán gạo này, có nhãn mắc bao bì, có địa chỉ, số điện thoại... Thế nhưng, đây không phải là nhãn gạo ST của chính tác giả Hồ Quang Cua. Điều này vô tình giúp cho các quốc gia cạnh tranh gạo với Việt Nam có cơ hội loại bỏ việc thương lượng mua, bán gạo ST24, ST25 trên thị trường”. - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT Lê Thanh Tùng