Tỉnh Phú Thọ với những thế mạnh sẵn có hiện nay trên địa có 75 làng nghề, nghề truyền thống; 503 hợp tác xã và 1.326 tổ hợp tác. Sản phẩm các làng nghề đa dạng và phong phú ở tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu.
Một số sản phẩm của hợp tác xã (HTX), làng nghề, nghề truyền thống đã tạo dựng được thương hiệu, nhiều nơi biết đến như mỳ gạo Hùng Lô, nếp gà gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, tương làng Bợ, bưởi Đoan Hùng. Đây là nền tảng cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện chương trình OCOP theo Quyết định số 490 ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020.
Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, Sở NN và PTNT Phú Thọ đã phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản, truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện OCOP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm về thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn.
Trên cơ sở 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, có 21 sản phẩm được lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều sản phẩm của làng nghề như: Chè, tương, rau an toàn, mì gạo, bánh tai, nón lá, đồ mộc.
Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung - sản vật truyền thống của người Mường ở huyện Yên Lập hiện là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc HTX sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho biết: Những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Phú Thọ cho biết: Theo Kế hoạch số 3262 của UBND tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển mới và nâng cấp khoảng 50 sản phẩm OCOP; 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia; khoảng 50 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; xây dựng tối thiểu 1 mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, chủ hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP.
Để đạt được mục tiêu này, trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình; tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá các sản phẩm đặc trưng để tham gia chương trình OCOP.
Cùng với rà soát, lựa chọn sản phẩm phải xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài.
Các địa phương cũng cần tập trung hỗ trợ nguồn lực và đề xuất các giải pháp để phát triển hạ tầng, vốn, khoa học công nghệ cho các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình OCOP, các ngành, địa phương cần có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu để tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP.