Phần lớn các cuộc thảo luận đều nói đến máy bay không người lái (UAV) mà ít ai biết rằng sự góp mặt của tàu không người lái vận hành trên mặt nước (USV) cũng góp phần quyết định cục diện trên chiến trường.
Tàu mặt nước không người lái (USV) Sea Hunter của Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy Recognition
USV là tàu hải quân có thể hoạt động từ xa, có tính tự động cao. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, một lô hàng viện trợ quân sự gần đây của Mỹ dành cho Ukraine có cả USV và Washington đã đào tạo cho quân đội Ukraine cách sử dụng vũ khí này. Thư ký Báo chí bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Phòng thủ bờ biển là điều mà Ukraine nhiều lần nói rằng họ rất quan tâm. Đó là nhu cầu cấp thiết hiện nay khi chúng tôi thấy người Nga tập trung binh lực ở phía Đông và phía Nam”.
“Khi nói về phía Đông và phía Nam, bạn đang nói về Biển Azov, về phía Bắc Biển Đen , vì thế chúng tôi hy vọng các phương tiện không người lái này sẽ hữu ích cho họ”. Quan chức này thừa nhận, dù Nga mất soái hạm Moskva nhưng họ vẫn có khá nhiều sức mạnh hải quân.
Mặc dù Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về thể loại hoặc số lượng tàu nổi không người lái nhưng một số nhà phân tích quân sự cho rằng chúng có thể là những hệ thống đang được Mỹ sử dụng.
Hải quân Mỹ đang thực hiện các nỗ lực để phát triển các USV có nhiều kích cỡ khác nhau. Loại có kích cỡ lớn chẳng hạn như Leidos Sea Hunter sẽ thực hiện những nhiệm vụ dài hạn trên đại dương tương tự như tàu hải quân có người lái. Trong khi đó, các USV có kích cỡ nhỏ hơn được thiết kế chủ yếu để thông tin tình báo, chuyển tiếp thông tin liên lạc và quét mìn. Những USV được cung cấp cho Ukraine có thể là loại có kích thước nhỏ vì chúng hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật.
Một hệ thống tiềm năng có thể đã được Mỹ chuyển giao cho Ukraine là Common USV do Textron chế tạo. Hệ thống này có kích thước tương đương với một tàu tuần tra tiêu chuẩn, với chiều dài xấp xỉ 10m. USV này có thể mang theo nhiều loại vũ khí tùy thuộc vào nhiệm vụ đặt ra, trong đó có cả những vũ khí tiềm năng. Hệ thống này có thể đạt tốc độ hơn 48km/giờ với tầm hoạt động 1.200 hải lý.
Ứng viên khác có thể là Mantas T-12 do MARTAC chế tạo. Hệ thống này khá nhỏ, dài 3,6 m, khối lượng 95kg, với trọng tải hữu ích 63,5 kg. Nó được phát triển chủ yếu để thu thập thông tin tình báo, có tầm hoạt động từ 23 đến 60 hải lý và có thể đạt tốc độ hơn 80km/giờ. Mantas T-12 đã xuất hiện trong một số cuộc tập trận hải quân chung gần đây giữa Mỹ và Bahrain.
Bryan Clark, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Khái niệm Quốc phòng tại Viện Hudson, cho rằng những chiếc USV được gửi đến Ukraine có khả năng được thiết kế để sử dụng cho hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và đối phó.
Theo giới phân tích, dù USV mà Mỹ cung cấp cho Ukraine thuộc loại nào, thì chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng với quân đội Ukraine trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công tại khu vực Donbass , giáp Biển Azov và Biển Đen. Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen và kiểm soát khu vực duyên hải Biển Azov. Điều này giúp quân đội Nga có thể tận dụng sức mạnh của hải quân để hỗ trợ lực lượng mặt đất.
Quân đội Nga đang tìm cách triển khai lực lượng hải quân để hỗ trợ lực lượng mặt đất theo 3 cách. Thứ nhất, Hải quân Nga có thể tiếp tế hậu cần trên biển. Trước những thách thức mà quân đội Nga phải đối mặt trong quá trình tiếp tế trên bộ do các cuộc phản công của Ukraine, tiếp tế trên biển có thể an toàn và đảm bảo hơn. Thứ hai, Hải quân Nga sẽ hỗ trợ một cuộc tấn công đổ bộ, cho phép lực lượng mặt đất chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine. Nga từng thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ ở giai đoạn đầu chiến dịch quân sự. Cuối cùng, nhờ được trang bị vũ khí mạnh mẽ, trong đó có tên lửa hành trình với tầm bắn hơn 1.400km, Hải quân Nga có thể hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng trên bộ.
Tất cả những tính toán trên có thể xuất phát từ giả định cho rằng, với sự chênh lệnh hiện tại về quy mô và khí tài quân sự, Ukraine sẽ khó phát hiện và tấn công các tàu của Nga. Hải quân Nga được coi là lực lượng hải quân mạnh thứ hai trên thế giới, vượt trội so với hải quân của Ukraine. Chưa kể, việc nhắm mục tiêu vào các con tàu ở vùng biển mở rất khó khăn vì xác định chính xác vị trí của chúng là một thách thức lớn.
USV cung cấp khả năng cần thiết để phát hiện và xác định vị trí các con tàu, nhờ đó các hệ thống tên lửa trên mặt đất có thể nhắm mục tiêu hiệu quả hơn. Lợi thế của chúng là không cần người lái, do vậy chúng có thể hoạt động trong vùng biển có xung đột hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro mà không lo thiệt hại về người. Ngoài ra, chúng có thể tự vận hành trong thời gian dài để tuần tra các bờ biển cũng như phát hiện những con tàu đang tiến vào bờ với mục đích tiếp tế hoặc tấn công đổ bộ. Sự hiện diện của USV đóng vai trò ngăn chặn những hoạt động như vậy.
Peter W. Singer, một chuyên gia công nghệ quân sự nhận định: “Có rất nhiều vai trò mà USV có thể đảm nhận, chẳng hạn như giúp tăng cường khả năng giám sát xa bờ biển, hỗ trợ tấn công tàu đối phương, quét mìn trên các tuyến đường thủy”.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, phương tiện không người lái đang được sử dụng với tần suất nhiều chưa từng có trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến Nga-Ukraine, chúng được cho là sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù không thể đoán trước cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào, nhưng sự xuất hiện của USV chắc chắc sẽ làm thay đổi phần nào cán cân trên chiến trường./.