Bình Định: Doanh nghiệp hút cát gây sạt bờ sông, dân lo mất đất canh tác

(PLO) - Tình trạng khai thác cát tại khu vực đập Cây Gai, nằm trên sông La Tinh, thuộc địa bàn thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát (Bình Định) khiến nhiều đoạn bờ sông này bị sạt lở nặng, gây nguy cơ mất  đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Một số đoạn thuộc bờ Đông sông La Tinh bị sạt lở nặng
Một số đoạn thuộc bờ Đông sông La Tinh bị sạt lở nặng
Bờ sông sạt lở nặng
Theo phản ánh của người dân thôn Hiệp Long: Khoảng 2 năm trở lại đây, một số đơn vị đưa phương tiện cơ giới tới khu vực đập Cây Gai để khai thác cát tràn lan, vô tội vạ. Đơn cử như năm 2013, doanh nghiệp (DN) Ngọc Anh - đóng tại huyện Phù Cát - đã khai thác hàng ngàn mét khối cát, sau đó tập trung cát tại một bãi đất trống nằm trên địa bàn thôn Hiệp Long để phục vụ mục đích xây dựng các công trình tại xã Cát Lâm và đưa đi tiêu thụ dần dần. 
Gần đây, quá trình DN Ngọc Anh đưa xe ra vào bãi tập kết chở cát đi tiêu thụ đã khiến đường giao thông liên xóm bị hư hỏng nặng. Bức xúc, người dân địa phương lấy cát tại bãi tập kết đổ trên bề mặt đường để khắc phục hư hỏng. Chính điều này khiến DN và người dân xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn; UBND xã Cát Lâm đã giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng.
Không chỉ DN Ngọc Anh, vào năm 2014 - 2015, Công ty TNHH Khoáng sản và Thương mại Hiệp Long (Cty Hiệp Long, có nhà máy chế biến khoáng sản đặt tại thôn Hiệp Long) cũng khai thác cát tại khu vực đập Cây Gai. Việc 2 đơn vị khai thác cát khiến lòng sông bị khoét sâu, dẫn tới dòng chảy thay đổi gây xâm thực, sạt lở nghiêm trọng bờ sông.
Những ngày đầu tháng 12/2015, chúng tôi về thôn Hiệp Long để xác thực thông tin người dân phản ảnh. Theo chân ông H, một người dân địa phương, chúng tôi vào bãi tập kết cát của DN Ngọc Anh và chứng kiến bãi tập kết hàng trăm mét khối cát. Ông H. tiếp tục đưa chúng tôi đến khu vực đập Cây Gai. Tại đây, chúng tôi nhận thấy bờ Đông của sông La Tinh  cách đập Cây Gai khoảng 500m  bị sạt lở nhiều chỗ. Tại một số đoạn, bờ sông sạt lở khá nặng, đe dọa trực tiếp đến khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ông H. cho biết: “Họ khai thác cát công khai nhưng chẳng thấy đơn vị nào đứng ra ngăn chặn, xử lý. Việc làm này khiến bờ sông sạt lở nặng, nếu không sớm có biện pháp xử lý dứt điểm thì sẽ rất nguy hiểm”.
Xã bảo không, thôn nói có (?!)
Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo xã Cát Lâm để tìm hiểu thì Chủ tịch UBND xã Cát Lâm Nguyễn Văn Cảnh thừa nhận: Cách đây khoảng 2 năm, DN Ngọc Anh có khai thác cát tại khu vực đập Cây Gai; việc khai thác cát chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, xã chỉ linh động cho đơn vị này lấy cát phục vụ một số công trình xây dựng phục vụ cộng đồng. Lượng cát khai thác còn dư, DN tập kết tại một bãi đất trống để sử dụng dần.
“Hiện tại khu vực đập Cây Gai không còn bất cứ đơn vị nào hoạt động khai thác cát; do gần đây giữa một số người dân địa phương và DN Ngọc Anh có xảy ra tranh chấp nên bà con bức xúc, phản ảnh tình trạng khai thác cát diễn ra trước đây”, ông Cảnh khẳng định.
Thế nhưng, khi chúng tôi tiếp xúc với ông Lê Văn Phẩm - Trưởng thôn Hiệp Long - thì được ông Phẩm cho hay: “Đúng là hiện nay DN Ngọc Anh không khai thác cát tại khu vực đập Cây Gai nhưng Công ty Hiệp Long vẫn khai thác. Chúng tôi phát hiện, ngăn cản thì một đồng chí công an xã yêu cầu không được làm vậy; đem sự việc báo UBND xã thì cũng chẳng thấy có biện pháp ngăn chặn, xử lý”.
Chúng tôi gặp đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cát để tìm hiểu Công ty Hiệp Long có được phép khai thác cát tại khu vực đập Cây Gai hay không thì ông Huỳnh Văn Trúc - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Do thời gian qua tôi đi học nên không nắm rõ tình hình, chúng tôi cũng mới biết thông tin ở buổi tiếp xúc cử tri vừa qua tại xã Cát Lâm (diễn ra ngày 4/12). Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND xã Cát Lâm kiểm tra, báo cáo, rồi sau đó mới có hướng xử lý tiếp”.  

Đọc thêm