“Thế lực ngầm” trong dự án cấp nước sạch?
Liên quan đến sự “thao túng” kết quả đấu thầu dự án do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đâu tư của vợ ông La Hồng Chung (Giám đốc Trung tâm) mà Báo PLVN đã phản ánh thì ngoài việc “đề nghị” nhà thầu mua vật tư, thiết bị ngành nước do mình đang kinh doanh, phu nhân vị Giám đốc này còn trực tiếp đứng ra tổ chức thi công công trình, “thúc giục” người dân phải nộp tiền vốn đối ứng bằng “mệnh lệnh” hộ nào nộp tiền thì mới được làm đường ống và xây trụ vòi cấp nước?
Khi biết doanh nghiệp nộp hồ sơ dự thầu và sau khi trúng thầu dự án, bà Nguyễn Thị Nhi đều gọi điện “đề nghị” nhà thầu mua các loại vật tư, thiết bị ngành nước của bà đang kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là nếu không mua vật tư, thiết bị của phu nhân Giám đốc Trung tâm này thì sẽ như thế nào? Dư luận hoang mang cho rằng, khi bà Nhi gọi điện “đề nghị” như vậy, nhà thầu phải “tự hiểu” để mua, nếu không thì sẽ “có chuyện” và sẽ bị “gây khó” bằng nhiều cách khác nhau trong quá trình thi công...
Đi sâu tìm hiểu sự việc, qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, chúng tôi được biết bà Nhi còn tỏ ra là người có “quyền lực thực sự”. Không chỉ “đề nghị” nhà thầu khác mua vật tư, thiết bị ngành nước của doanh nghiệp mình kinh doanh, bà Nhi còn là người trực tiếp đứng ra tổ chức thi công công trình cấp nước sinh hoạt do Trung tâm làm chủ đầu tư.
Đơn cử, bà Nhi là người trực tiếp đứng ra tổ chức thi công gói thầu làm đường ống và xây trụ vòi cấp nước tại Công trình nước sạch liên xã Ký Phú - Vạn Thọ (huyện Đại Từ). Mặc dù gói thầu này do liên doanh Công ty TNHH Tân Long - Cty cổ phần đầu tư xây lắp Tây Hồ là đơn vị trúng thầu nhưng không hiểu vì lý do gì, sau khi liên danh trúng thầu thì người tổ chức thi công trực tiếp lại là bà Nhi? Vụ việc khiến dư luận thắc mắc không hiểu sao bà Nhi có thể “bao trọn” dự án từ A tới Z như vậy? Có hay không việc bà Nhi đang giữ vai trò “sân sau” của dự án?
Cần được đưa ra ánh sáng?
Trước thông tin trên, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với ông Ngô Văn Minh (trưởng xóm Đặn 3, xã Ký Phú) nhằm kiểm chứng thông tin thì càng phát lộ việc “thao túng” của bà Nhi. Ông Minh khẳng định, bà Nhi là người trực tiếp đứng ra tổ chức thi công gói thầu làm đường ống và xây trụ vòi tại Công trình nước sạch liên xã Ký Phú - Vạn Thọ. Còn người chỉ đạo tại công trường là ông Lượng, cháu của bà Nhi. “Trong quá trình thi công công trình, bà Nhi đến gặp tôi và đề nghị tôi dẫn xuống từng hộ dân trong xóm để bà Nhi xem xét, hướng dẫn các hộ dân lắp đặt đường ống, xây trụ vòi cấp nước tại các hộ gia đình như thế nào. Không những vậy, bà Nhi suốt ngày giục tôi phải đi thu tiền vốn đối ứng của nhân dân. Bà Nhi nói với tôi rằng, hộ nào thu được tiền đối ứng rồi thì mới cho xây trụ vòi cấp nước và để cho cháu bà làm chứ bà Nhi bỏ biết bao nhiêu tiền vào đây. Làm xong không thu được tiền của nhân dân thì chết ...” , ông Minh cho biết.
Câu hỏi đặt ra là chồng làm Giám đốc Trung tâm, đại diện chủ đầu tư các công trình cấp nước sạch, trong khi vợ lại trực tiếp đứng ra chỉ đạo, tổ chức thi công công trình hàng chục tỷ đồng thì sẽ như thế nào? Chất lượng công trình có đảm bảo?
Một lãnh đạo xã Ký Phú cũng khẳng định việc bà Nhi trực tiếp “dính” đến việc tổ chức thi công gói thầu làm đường ống và xây trụ vòi, rằng: “Sau khi gói thầu làm đường ống và xây trụ vòi cấp nước được khởi công xây dựng, bà Nhi trực tiếp đến trụ sở UBND xã nói với tôi rằng, cháu bà ấy đang thi công, hiện đang gặp khó khăn về mặt bằng, đề nghị quan tâm, giúp đỡ”. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, ông Lượng chỉ là người làm công cho bà Nhi.
Cũng theo người này, trong lúc hàng nghìn người dân mòn mỏi chờ nước sạch thì việc thi công gói thầu này lại tỏ ra hết sức chểnh mảng, chậm chạp và “trong quá trình thi công, Giám đốc Trung tâm lại liên tục thúc giục địa phương thu tiền vốn đối ứng, khi nào xã thu đủ tiền thì Trung tâm mới chỉ đạo thi công tiếp? Chúng tôi đã phải cam kết với chủ đầu tư khi nào có nước cho dân sử dụng thì sẽ nộp đủ tiền đối ứng không thiếu một đồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này”.
Không những thế, lãnh đạo UBND xã Ký Phú còn “tố” rằng, dự án cấp nước sạch liên xã Ký Phú - Vạn Thọ trong quá trình thi công có những biểu hiện tiêu cực, làm trái quy định. “Nhiều đoạn đường ống tôi thấy chôn quá nông, không đúng kỹ thuật, có đoạn tôi chỉ thấy họ khều đất lên rồi lấp qua loa. Vấn đề này tôi đã có ý kiến đối với chủ đầu tư, tôi không hiểu vai trò của tư vấn giám sát trong quản lý chất lượng công trình của gói thầu này nằm ở đâu”- ông này thắc mắc.
Liên quan đến những nội dung trên, dư luận người dân nơi đây đang đặt ra câu hỏi, các công trình cấp nước sạch được Nhà nước đầu tư, người được hưởng lợi là người dân. Nhưng trong trường hợp này, người hưởng lợi nhất thì ai cũng biết?
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này.