Diễn biến vụ “quyết tạm giam người mắc trọng bệnh”: Công an tỉnh Bình Thuận nói gì?

(PLVN) - Mới đây, PLVN có bài viết phản ánh việc ông Phùng Thạch Đông (sinh năm 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”, dù liên tiếp phải nhập viện cấp cứu, sử dụng thuốc từ bên ngoài trại giam. Theo quy định, tội danh này không nhất thiết phải tạm giam và ông Đông đang mắc bệnh, gia đình nhiều lần có đơn xin cho tại ngoại chữa bệnh. Xét theo khía cạnh nhân đạo nhân văn, đề nghị này là hợp lý hợp tình, thế nhưng đề nghị này vẫn không được cơ quan tố tụng địa phương chấp nhận. PLVN sau đó đã đưa vấn đề gửi tới Công an tỉnh Bình Thuận, đề nghị giải thích, trả lời.
Ông Đông thời điểm nhập viện cấp cứu lần 1
Ông Đông thời điểm nhập viện cấp cứu lần 1

Mới đây, Thượng tá Lê Trung Thành, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã có cuộc làm việc với Báo PLVN. Thông tin từ cuộc làm việc cho thấy Công an huyện Bắc Bình đã có những báo cáo chưa đầy đủ lên công an tỉnh.

Đối với vấn đề tại sao ông Đông bị tạm giam. Thượng tá Thành cho rằng: “Ngày 8/5, Công an huyện Bắc Bình ra lệnh bắt tạm giam ông Đông tại xã Sông Lũy. Vì hành vi của ông Đông gây thương tích cho người khác tỷ lệ thương tích là 11%. Và trong trường hợp này là gây thương tích cho người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân nên rơi vào khoản 2 tội “Cố ý gây thương tích” nên mới áp dụng biện pháp tạm giam”.

“Lúc bắt tạm giam thì sức khoẻ ông Đông bình thường. Tuy nhiên khi làm thủ tục bàn giao cho nhà tạm giữ thì ông Đông bị cao huyết áp, cơ quan điều tra mới đưa ông Đông đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Bình Thuận và chuyển lên Bệnh viện An Phước (Thành phố Phan Thiết). Sau khi bệnh ổn định, Bệnh viện An Phước cho xuất viện. Đây là quyền của bệnh viện và bác sĩ điều trị. Cơ quan điều tra không can thiệp vào quá trình điều trị. Còn một lần nhập viện nữa, ở Bệnh viện An Phước về thì một thời gian sau lại lên cao huyết áp”.

Phóng viên hỏi công an tỉnh có nắm được lần nhập viện thứ hai của ông Đông là vào thời gian nào, bao nhiêu ngày, Thượng tá Thành nói: “Chúng tôi chưa nắm cụ thể”.

Như vậy công an tỉnh chưa nắm được hoặc chưa được báo cáo về thời gian nhập viện lần thứ hai của ông Đông. Theo đó ông Đông nhập viện lần hai tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận từ ngày 16/5 đến ngày 20/5. Thậm chí nhà tạm giữ không có đủ thuốc cho ông Đông điều trị nên phải gửi giấy ra ngoài cho gia đình bị can mua thuốc đến nay là ba lần.

Như PLVN đã phản ánh, ngay cả Viện kiểm sát huyện Bắc Bình cũng không nắm rõ thực tế này trong vụ án, chưa rõ do Viện kiểm sát huyện Bắc Bình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong kiểm sát vụ án, hay bị cơ quan điều tra huyện “giấu thông tin”.

PV tiếp tục đặt vấn đề ông Đông bị trọng bệnh, thường xuyên nhập viện và phải dùng thuốc điều trị từ bên ngoài. Ông Đông còn có tiền sử bệnh tim do cao huyết áp và thiếu máu cục bộ hở 2 lá 1/4; bệnh gan nhiễm mỡ, nang nhỏ thận phải… Ông Đông có nơi cư trú rõ, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Do đó cần xem xét có nhất thiết phải tạm giam hay không?

Thượng tá Thành cho rằng: “Ông Đông trong quá trình điều tra chưa thành khẩn khai báo, có dấu hiệu tẩu tán tang vật, xúi giục người khác khai báo gian dối nên xét phải tạm giam để điều tra xét xử. Đó là về phía ý kiến của cơ quan điều tra.

Còn vụ án đang trong quá trình điều tra làm rõ các hành vi này. Tẩu tán tang vật là con dao hoặc vật gây ra vết thương cho nạn nhân. Cơ quan điều tra tìm mọi cách nhưng chưa thu được, tại hiện trường thì không có. Bây giờ phải phụ thuộc vào thái độ hợp tác của ông Đông thôi”.

Các loại thuốc gia đình phải mua gửi vào theo yêu cầu của người từ trong trại giam
Các loại thuốc gia đình phải mua gửi vào theo yêu cầu của người từ trong trại giam

Lý do mà Cơ quan điều tra đưa ra như trên lại khác với lý do viện kiểm sát huyện Bắc Bình đưa ra trước đó. Theo đó Viện kiểm sát không hề cho rằng ông Đông bị tạm giam vì những lý do nêu trên, mà là do ông Đông “tẩu tán phương tiện liên quan đến vụ án”. Tức là ông Đông lấy 2 biển số xe tải gắn vào xe và xe đã di chuyển khỏi nơi vi phạm. Qua trả lời này, có thể thấy rằng dù cùng là một vụ án, nhưng cơ quan điều tra và viện kiểm sát lại có những dấu hiệu “bất nhất”.

Thượng tá Thành cho rằng: “ông Đông có được tại ngoại hay không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Việc thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn là do viện kiểm sát huyện Bắc Bình giải quyết. Còn cơ quan điều tra thực hiện theo những lệnh đã được phê chuẩn từ viện kiểm sát”.

PLVN cũng đã liên hệ làm việc với viện kiểm sát huyện Bắc Bình để làm rõ sự việc, tuy nhiên các cán bộ tại đây cho rằng “lãnh đạo đi vắng” và đề nghị phóng viên để lại các câu hỏi.  

Trở lại với người bệnh, theo tóm tắt bệnh án, ông Đông nhập viện cấp cứu lần thứ hai ở Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Bình Thuận vào ngày 16/5. Sau đó được chuyển sang Khoa Nội. Tình trạng khi nhập viện là sốt, tăng huyết áp, sưng đau bàn chân. Ông Đông được xác định có tiền sử bệnh tăng huyết áp, bệnh gút.

Bệnh phát cách ngày nhập viện hai ngày với sưng đau hai bàn chân, sốt, đau đầu, chóng mặt, nghĩa là phát bệnh từ ngày 14/5 (sau khi xuất viện tại Bệnh viện An Phước một ngày – NV). Xuất viện vào ngày 20/5, ông Đông vẫn được xác định là viêm khớp, tăng huyết áp. Vợ ông Đông cho biết: “Gia đình tiếp tục tha thiết xin được cho ông Đông tại ngoại để chữa bệnh. Mong các cơ quan tố tụng xem xét đến lý, nhưng cũng xem xét cả chuyện tình người”.

Nhiều bất thường trong lời khai nạn nhân:

Ngày 26/4, giữa ông Đông xô xát với anh Ngô Minh Hoàng – Xã đội trưởng xã Sông Lũy vì bức xúc bị anh Hoàng tháo biển số xe tải của nhà mang đi. Thượng tá Thành cho rằng: “Trong quá trình điều tra, trên cơ sở dấu vết thương tích để lại trên mặt anh Hoàng, cơ quan điều tra cho rằng vết thương của anh Hoàng là do ông Đông dùng vật sắc gây nên”.

Để giải thích vì sao có vết thương đó, Thượng tá Thành viện dẫn nội dung đơn tố cáo của anh Hoàng: “…Chưa kịp chống xe Honda thì tôi nghe tiếng cửa xe bán tải vang lên, tôi quay lại thì thấy ông Đông đứng sau lưng, dùng dao bấm có mũi nhọn, màu trắng, dài khoảng 1 ngón tay. Và đâm từ phía sau đâm tới. Do tôi phản xạ, quay lại thì bị đâm trúng vào má phải… Tôi ngó lại thấy ông Đông mở cửa xe lấy ra một cây kiếm Nhật, có bao kiếm… Cây kiếm dài khoảng 1m, trắng tinh và có mũi nhọn. Ông Đông tiếp tục rượt tôi chém…”.

Tuy nhiên, lời tố cáo trên có sự mâu thuẫn với trả lời trước đây của anh Hoàng với PV. Anh Hoàng nói rằng bị ông Đông từ sau đâm tới, phản xạ quay mặt lại thì trúng má. Anh Hoàng ôm mặt, té xuống. Và nói rằng không biết bị đâm bằng vật gì, chỉ nghi là dao bấm.

Phóng viên đặt câu hỏi vì sao sắp bị đâm mà nạn nhân còn có trí nhớ “phi thường” mô tả rõ từ màu sắc, kích thước, mũi nhọn như thế? Vì sao bị tấn công từ phía sau và phản xạ quay mặt lại trúng dao mà vẫn kịp nhận biết rõ như thế? Cơ chế hình thành vết thương như thế nào? Thượng tá Thành trả lời: “Những tình tiết đó, cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, trách nhiệm là phải làm rõ những tình tiết này. Lời khai của bị can và lời khai của bị hại phải được điều tra cho chính xác”.

Phóng viên cũng đặt vấn đề việc quy kết ông Đông gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân cũng cần phải xem xét lại. Nạn nhân thi hành công vụ gì? Được ai phân công? Bằng miệng hay bằng văn bản? Nạn nhân nói rằng được Chủ tịch xã yêu cầu tháo biển số xe tải người khác, như vậy có trái luật? Có phải hành vi trái luật này gây nên sự bức xúc và xảy ra xô xát?  

Đọc thêm