Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè: “Lùm xùm” việc chọn nhà thầu?

(PLVN) - Đã bước sang năm thứ 5 kể từ thời điểm mời sơ tuyển mà Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM vẫn chưa thể chọn được nhà thầu đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè khiến cho nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của TP HCM có thể lại rơi vào bế tắc.
Cá chết trắng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào năm 2016
Cá chết trắng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào năm 2016

2 năm chọn không xong

Gói thầu Thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Nhà máy NLTN) là gói thầu lớn thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đầu năm 2015, Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (IMA) thông báo mời sơ tuyển nhưng phải đến đầu tháng 8/2017 mới chính thức mở thầu.

Được biết, tổng ngân sách cho việc xây dựng Nhà máy NLTN tương đương khoảng 261 triệu USD. Có 5 nhà thầu chào giá nhưng kết quả chỉ có 3 liên danh nhà thầu nước ngoài có giá thấp hơn giá chào thầu được cân nhắc lựa chọn là: Liên danh Samsung - Kolon - TSK; Liên danh ACCIONA – VINCI và Liên danh SUEZ – POSCO. Giá dự thầu lần lượt của các nhà thầu là 186,8 triệu USD; 205,8 triệu USD và 215,4 triệu USD.

Các hồ sơ dự thầu đã không được đánh giá dựa trên các yếu tố kỹ thuật mà hoàn toàn dựa trên giá nên sau đó liên danh Samsung - Kolon – TSK được chấm trúng thầu. Tuy nhiên, kết quả này sau khi trình lên WB xem xét thì bị cơ quan này phản đối. Nguyên nhân nhà thầu này bị từ chối được cho là không đủ năng lực và vi phạm luật đấu thầu.

Những tưởng quyết định không chấp thuận của WB sẽ giúp bên mời thầu có cái nhìn đúng đắn về bản chất của quy định cũng như năng lực, điều kiện của các nhà thầu còn lại. Tuy nhiên, sau khi Samsung - Kolon – TSK bị WB phản đối, nhà thầu VINCI ACCIONA tiếp tục được IMA mời làm việc để xem xét trúng thầu. Ngày 13/3/2019, gói thầu Nhà máy NLTN đã được IMA thông tin là đã trao cho bên trúng thầu là nhà thầu VINCI ACCIONA. Điều gây ngạc nhiên là lần lựa chọn này, yếu tố giá vẫn được đặt lên hàng đầu, trong khi yếu tố kỹ thuật tiếp tục bị bên mời thầu xem nhẹ đã khiến cho các nhà thầu bỏ giá còn lại khó hiểu và bức xúc có đơn thư phản đối.

Bất thường tiêu chí lựa chọn?

Việc IMA lựa chọn liên danh nhà thầu ACCIONA – VINCI đang bị tố là không phù hợp với pháp luật đấu thầu Việt Nam và hồ sơ mời thầu do IMA phát hành; đồng thời việc lựa chọn nhà thầu đã không được đánh giá dựa trên các yếu tố kỹ thuật và kinh tế sẽ dẫn đến những hậu quả không lường đối với dự án này.

Trong đơn thư phản đối gửi một số cơ quan chức năng mới đây, liên danh SUEZ – POSCO cho rằng: Việc đánh giá của IMA mới chỉ dựa trên giá trúng thầu, trong khi tại thời điểm mở thầu chênh lệnh về giá giữa liên danh ACCIONA – VINCI và liên danh SUEZ – POSCO khoảng 10 triệu USD (khoảng 4%), liên danh này cho rằng đây là sự chênh lệnh không đáng kể đối với một dự án đầu tư với nguồn kinh phí lớn và vòng đời trên 30 năm. Đặc biệt, giá mở thầu vào ngày 08/12/2017.

Theo liên danh SUEZ – POSCO, thông thường với những dự án tấm cỡ như thế này từ khi khởi công cho đến khi hoàn thành thì giá quyết toán vượt trên dưới 10% với giá trúng thầu ban đầu là phổ biến, cá biệt có những dự án cũng đấu thầu quốc tế nhưng vượt gấp 1.5 hoặc cao hơn so với giá trúng thầu ban đầu (như đường sắt trên cao Hà Nội, đường tàu điện ngầm TP Hồ Chí Minh…). Đối với dự án hợp đồng điều chỉnh giá việc chênh lệnh 4%  là con số không lớn do đó, việc chọn giá để lựa chọn nhà thầu không còn ý nghĩa.

Liên quan tới vấn đề công nghệ, cũng theo liên danh này, nội dung hồ sơ mời thầu tháng 6/2017 (phần 1 mục III trang 36) chỉ có 3 công nghệ được chấp nhận áp dụng cho công trình này gồm: CAS (bùn hoạt tính truyền thống); SBR (phản ứng sinh học theo mẻ); BF (lọc sinh học). Trong hồ sơ dự thầu liên danh ACCIONA – VINCI đã sử dụng công nghệ MBBR nhưng vẫn được Ban quản lý dự án lựa chọn và giải thích rằng “vì MBBR thuộc nhóm công nghệ CAS nên MBBR là công nghệ được cho phép”. Việc tuyên bố này là không chính xác bởi theo các nghiên cứu của các chuyên gia độc lập trên thế giới thì công nghệ MBBR không thuộc nhóm công nghệ CAS?

Mặt khác so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì: Công nghệ MBBR là công nghệ không được chấp nhận trong hồ sơ mời thầu. Công nghệ MBBR không có công thức cụ thể sẵn vì mỗi nhà máy xử lý nước thải, theo công nghệ này phụ thuộc vào vật liệu, điều kiện thời tiết khí hậu, phương tiện được sử dụng. Trong trường hợp khác nếu công nghệ này được chấp nhận thì phải có nhà máy xử lý có công suất tương tự và đã hoạt động trong 3 năm.

Trên thực tế liên danh ACCIONA – VINCI chưa từng xây dựng và quản lý nhà máy tương tự như yêu cầu của hồ sơ là nhà máy có lưu lượng lớn hơn hoặc bằng 240.000m3/ngày/đêm. Các nguồn tham chiếu về MBBR hiện tại trên thế giới chỉ có ở Virginia & Rhode Island, Hoa Kỳ và đó là các nguồn tham chiếu của VEOLIA. Những nguồn tham chiếu này không đáp ứng được yêu cầu về kích thước tương tự hoặc với tiêu chuẩn xử lý tương tự.

Ngoài việc mời thầu và lựa chọn nhà thầu bị kéo dài IMA còn có nhiều vấn đề gây khó hiểu. Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu, gía bỏ thầu tuy là một nội dung quan trọng để xem xét nhưng đó chỉ là điều kiện “đủ”; còn đáp ứng tiêu chí của hồ sơ mời thầu mới là điều kiện “cần”. Và điều kiện “cần” phải được xem xét trước điều kiện “đủ”. Thực tế cho thấy, việc không đáp ứng về tiêu chí của HSMT của 2 liên danh Samsung - Kolon – TSK và ACCIONA – VINCI, IMA  cũng đã có thể xem xét để loại bỏ 2 liên danh này ra khỏi danh sách để xem xét tiếp theo. Vậy nhưng không hiểu vì sao mà IMA vẫn đưa vào xem xét và lựa chọn để trình WB?

Chưa biết việc chọn nhà thầu cho dự án của IMA liệu có “đầu xuôi đuôi lọt”? Nhưng rõ ràng đã bước sang năm thứ 5 kể từ thời điểm mời sơ tuyển mà IMA vẫn chưa thể chọn được nhà thầu đúng nghĩa để thực hiện Gói thầu, khiến cho Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 rơi vào bế tắc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường của TP.HCM. Chưa kể, việc chậm chạp trong tổ chức lựa chọn nhà thầu còn tác động làm tăng chi phí, khiến công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sắp xếp kinh phí cho dự án mà WB đã ưu tiên cho TP.HCM.      

Đọc thêm