Theo trình bày của các CN, từ ngày 01/01/2015, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó sẽ tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu cao nhất là vùng I, với 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng). Cty CariMax đóng trên địa bàn huyện Củ Chi thuộc vùng I nên sẽ có mức điều chỉnh tăng 400.000 đồng; các công ty lân cận đều đã điều chỉnh tăng cho CN. Tuy nhiên, lãnh đạo Cty CariMax chỉ điều chỉnh cho một số CN mới vào có mức tối thiểu dưới 3.100.000 đồng.
Cụ thể, ngày 27/12/2014, Ban Giám đốc Cty Carimax ra thông báo về tăng lương, phép năm và thưởng tháng lương thứ 13 cho CN. Việc tăng lương được áp dụng dựa trên đánh giá về sự chuyên cần, kỹ năng, trình độ, năng suất, hiệu quả, thái độ làm việc của mỗi CN. Lương tháng thứ 13 được được tính bằng 90% trên mức lương cơ bản của mỗi lao động và được trả 2 đợt: đợt 1 sẽ được trả 60% vào kỳ lương tháng 1/2015; đợt 2 trả 30% vào kỳ lương tháng 3/2015. Tuy nhiên, Cty cũng “dọa” nếu có bất kỳ cuộc lãn công nào xảy ra hoặc người lao động cố tình làm việc dưới năng suất, Ban Giám đốc sẽ không chi trả tiền thưởng lương tháng thứ 13 cho bất kỳ lao động nào.
Bức xúc, ngày 03/01 CN bắt đầu ngừng việc, yêu cầu Ban Giám đốc phải có phương án tăng lương theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng. Ngay sau đó, Cty ra thông báo quyết định: Không đặt phần cơm trưa ngày 3/1, tiến hành cúp điện ở tất cả những khu vực sản xuất có người lao động đình công. Không chi trả tiền lương ngày 03/01/2015, không chi trả tiền lương tháng thứ 13 như nội dung đã thông báo.
Không chấp thuận, CN tiếp tục ngừng việc, đến ngày 06/01, Cty tiếp tục ra thông báo phương án điều chỉnh lương theo bậc A, B, C, D. Theo đó, nếu CN làm sản lượng đạt từ 75% trở lên, Ban Giám đốc sẽ điều chỉnh lương theo bảng xếp hạng A (300.00 – 400.000 đồng), B (200.000 – 300.000 đồng), C (100.00 – 200.000 đồng) và D (0 đồng). Đồng thời, người lao động phải đảm bảo mức tăng thêm 3% sản lượng cho mỗi tháng tiếp theo. Kể từ ngày 01/01/2015, tất cả người lao động có lương cơ bản dưới 3.317.000 đồng sẽ được điều chỉnh thành 3.317.000 đồng (ngoại trừ những người phụ việc sẽ được điều chỉnh thành 3,1 triệu đồng). Nếu người lao động không đồng ý với nội dung trong thông báo này có thể nộp đơn xin nghỉ việc…
Nữ CN tên M bức xúc nói: “Em làm ở đây đã hơn 8 năm, lương cơ bản 1 tháng mới chỉ 3,5 triệu đồng, nếu tăng ca cật lực thì tổng thu nhập cũng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Công ty “ứng phó” bằng cách chỉ điều chỉnh lương cho những người mới vào để đạt mức đúng vừa bằng lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định thì thiệt thòi cho CN cũ quá. Hóa ra những nguời mới vào thì lương cao, còn những người cống hiến lâu năm cho công ty, có thâm niên, tay nghề thì lương không thay đổi. Mức sản lượng mà Ban Giám đốc đưa ra, chúng tôi biết chắc là không thể nào đạt được. Như vậy, chẳng khác nào là không tăng cho chúng tôi”.
Làm việc với chúng tôi về các vấn đề của CN, ông C.K.Hwang – Giám đốc Cty cho biết, do Cty làm ăn bị thua lỗ nên gặp khó khăn. “Ban Giám đốc chúng tôi rất muốn tránh tình trạng CN đình công, vì thế những ngày qua chúng tôi đã có tới 15 cuộc thảo luận với CN để tìm giải pháp. Để xảy ra tình trạng này có thể là do sự hiểu lầm giữa Ban Giám đốc và CN”. Ông C.K.Hwang cho biết, Cty đã trao đổi, bàn bạc với phía Liên đoàn Lao động, đã có sự điều chỉnh, phương án. Nhưng điều chỉnh như thế nào thì Cty chưa thể thông báo cho báo chí được.
Đến sáng 12/1, Cty tiếp tục đưa ra thông báo: Nếu CN đồng ý trở lại làm việc sẽ được thanh toán 60% tiền thưởng trước Tết Âm lịch, 30% còn lại Cty “nợ” trả sau Tết Âm lịch. Về tiền lương năm 2015, Cty phân thành 4 loại (A, B, C, D), mức tăng thấp nhất 0 đồng và cao nhất là 350.000 đồng. Tuy nhiên, CN phải đảm bảo điều kiện là phải đạt 70% chỉ tiêu và mỗi tháng điều chỉnh tăng 2,5% (không vượt quá 85%).
Đáng nói, tại nội dung thông báo đưa ra, không hiểu do yếu kém về trình độ pháp luật hay cố tình mà phía Cty lại “dọa” CN là: Trước khi Cty gửi đơn… “khởi tố” lên Tòa án, phía Ban Giám đốc đã nhất trí sẽ “giúp đỡ” cho các nhân viên nếu họ đồng ý với những điều kiện về lương, thưởng tết do Cty đưa ra; đồng thời “cam kết” sẽ bảo vệ CN tránh khỏi vụ “khởi tố” và tái tổ chức làm việc trở lại để CN không gặp bất lợi gì (!?).
Theo LS Nguyễn Giang Nam (Văn phòng Luật Slaw, TP.HCM), “khởi tố” là thuật ngữ pháp lý chỉ được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật hình sự, hoặc vụ án hình sự, còn đây là quan hệ lao động, dân sự thì phải áp dụng Bộ luật Lao động và dân sự để xử lý.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh Thu – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi cho biết, phía tổ chức công đoàn vẫn đang cố gắng thương lượng để giải quyết vấn đề./.