DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không phải đăng ký lại?

Trình bày Tờ tình của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN)...

Trình bày Tờ tình của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp (DN), sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đề xuất bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN)...

 

Hơn 2.000 DN có vốn ĐTNN chưa đăng ký lại

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/05/2013, có 2.916 DN trong tổng số 6.000 DN có vốn ĐTNN được thành lập theo Luật ĐTNN trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật DN năm 2005. Trong đó, có 41 DN sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các DN chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Trong các năm 2014-2015, số lượng DN hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 DN và đến 31/12/2015 là 269 DN). Tổng vốn đăng ký của các DN nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các DN này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc DN không thực hiện thủ tục đăng ký lại là một số DN muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, các DN này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định. Một số DN không đạt được nhất trí giữa các bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo điều lệ DN, việc gia hạn hoặc tổ chức lại DN phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí phù hợp với quy định tại Luật ĐTNN trước đây.

Bên cạnh đó, do việc đăng ký lại hoặc không đăng ký lại đều là quyền của DN theo quy định tại Điều 170 Luật DN nên các cơ quan quản lý ở địa phương khó nắm được thông tin cụ thể về các DN không có nhu cầu đăng ký lại để có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện thủ tục này.

Theo Chính phủ, việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của DN có vốn ĐTNN đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của DN cũng như công tác quản lý nhà nước nên việc sửa đổi Điều 170 Luật DN là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những DN đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để DN chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Mang lại hiệu quả thu hút đầu tư

Trong bối cảnh các DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện thì việc xem xét sửa đổi Điều 170 Luật DN là hết sức cần thiết và cấp bách. “Đây cũng chính là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các DN có vốn ĐTNN cũng như hoạt động thu hút đầu tư” – Chính phủ nhận định.

Chính phủ đã đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật DN theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của DN có vốn ĐTNN để cho phép các DN được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với DN nhằm đảm bảo quyền tự chủ của DN trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh và cho phép DN không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ DN. Đối với những nội dung không được quy định tại giấy phép đầu tư, điều lệ DN, DN thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung giấy phép đầu tư, điều lệ  DN, DN thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật DN, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành về nội dung sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế...), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam.

H.Giang

Đọc thêm