Đoạn tuyệt “bột trắng”, trở thành “bác sỹ đường phố” cứu giúp người nghiện

(PLO) -Hà Quang Hiệp (SN 1978, ngụ phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) từng là con nghiện nặng và mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nhờ quyết tâm làm lại cuộc đời, anh trở thành tấm gương, được vinh danh là “hiệp sỹ”, “bác sỹ đường phố”… vì giúp đưa nhiều người “cùng cảnh ngộ” hòa nhập với cuộc sống đời thường.
 

 

“Với tôi cuộc sống mới bắt đầu từ nơi tôi từng đánh mất”
“Với tôi cuộc sống mới bắt đầu từ nơi tôi từng đánh mất”

Anh Hiệp tìm thấy niềm vui làm lại cuộc đời bằng việc tham gia nhóm cộng đồng chuyên giúp đỡ những người nghiện ngập. Thay vì biệt danh Hiệp “xì ke”, Hiệp “Hiv” khi thấy việc làm ý nghĩa của anh, nhiều người đã thay đổi quan điểm. Đặc biệt, cuộc đời đã thực sự “nở hoa” khi anh tìm được hạnh phúc trăm năm của mình. 

Hút thử nghiện thật

Chia sẻ về quá khứ, anh Hiệp cho biết bản thân nghiện ma túy khi còn đang học phổ thông. Đó là kết quả của những lần tụ tập lêu lổng cùng đám bạn bè hư hỏng thâu đêm, suốt sáng.  

Anh Hiệp nhớ lại, lúc đó vừa “nứt mắt” nên nhận thức còn hạn chế, không biết ma túy là gì? tác hại như thế nào? chỉ biết bạn bè “mồi”, thử hút vài lần rồi nghiện lúc nào không hay. 

“Ngày đó, bạn cùng trang lứa chơi với nhau ở xóm đến chục đứa đều nghiện. Tính đến giờ, 8 đứa chết vì ma túy, còn một đứa vẫn nghiện nặng. Mỗi mình tôi vượt qua cám dỗ của ma túy nhưng lại đối diện với “án tử” lơ lửng vì mang căn bệnh thế kỷ”, anh Hiệp kể.

Dấn thân vào vào ma túy, cuộc sống của Hiệp bắt đầu xuống dốc không phanh, suốt ngày chìm trong làn khói. Tài sản của gia đình tích cóp lần lượt “đội nón ra đi” chỉ để  Hiệp “hầu cô tiên nâu”.  

Khi nhận ra tác hại của ma túy, Hiệp đã nhiều lần tự cai nghiện nhưng đều bất thành. Thậm chí, có lần, để hạ quyết tâm Hiệp đã liều chặt đi một ngón tay nhưng cuối cùng “mèo vẫn hoàn mèo”.

Sau nhiều năm sống chung với ma túy, năm 2002, Hiệp phát hiện mình nhiễm HIV. Vài năm sau khi bệnh phát tác, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu trầm trọng về sức khỏe, chỉ khi lay lắt đợi nằm chờ chết, Hiệp mới thực sự có thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ về cuộc đời.

Nhìn nước mắt mẹ rơi khi người cha qua đời, 4 anh em trong nhà ly tán, tài sản trong nhà không còn thứ gì đáng giá, lúc này Hiệp mới thực sự bừng tỉnh. Vậy là ý chí muốn được sống để làm lại cuộc đời đã thôi thúc Hiệp vượt qua được ngưỡng của “tử thần”. Sau một thời gian tự cai, kết hợp với sự trợ giúp của gia đình, sức khoẻ của anh dần bình phục. 

Người nghiện trực tiếp được anh Hiệp cứu.
Người nghiện trực tiếp được anh Hiệp cứu.

Bước ngoặt cuộc đời

Trước kia, ở khu xóm người ta gọi Hiệp với biệt danh Hiệp “nghiện”, Hiệp “xì ke”, Hiệp “HIV”, giờ đây, cũng vẫn tấm thân, gương mặt, con người ấy nhưng người ta gọi anh với cái tên trìu mến hơn là “hiệp sỹ”, hay “bác sỹ” đường phố bất đắc dĩ bởi thành tích nhiều lần cứu người nghiện thoát chết do sốc thuốc, và kéo họ giác ngộ thoát khỏi ma túy để làm lại cuộc đời.

Anh Hiệp bảo: “Mình từng nghiện mới thấu hiểu cảnh sốc thuốc nên phải hành động giúp người. Tôi tâm niệm, cứu người xuất phát từ cái tâm, không đòi hỏi phải cảm ơn dù với bất cứ bằng hình thức nào. Có lần tôi đang đi đường, có người gọi tôi, đứng lại nói chuyện mới biết người đó bị sốc thuốc được mình cứu. Đối với tôi, chỉ cần người ta nhận ra tôi với một lời chào thân mật, cũng là một niềm vui lớn rồi”.

Anh Hiệp kể nguồn cơ khiến anh làm công việc này vì có lần đi qua đường bắt gặp một người từng “cùng cảnh ngộ” vật lộn trong cơn đói thuốc. Nhìn cảnh bi đát người đàn ông đó, anh như thấy được mình năm xưa nó sao thật đáng thương và khổ sở. Nghĩ vậy, anh Hiệp đã nghĩ đến quyết định phải làm gì đó để giúp đỡ những “người cùng cảnh ngộ” thoát được ma túy. 

“Hạnh phúc bắt đầu từ nơi đánh mất”

Sau đó, anh Hiệp làm đơn xin gia nhập nhóm cộng đồng “Vòng tay bè bạn” với mục đích tốt đẹp như trên. Sinh hoạt tại nhóm “Vòng tay bè bạn”, công việc của anh Hiệp là đến những điểm mà con nghiện thường xuyên tụ tập, bến tàu, bến xe… để nhận thông tin về những người nghiện đang có biểu hiện sốc thuốc nhằm cấp cứu kịp thời. 

Thời kỳ cao điểm, có ngày tới cả hơn chục ca cấp cứu sốc thuốc, chưa xong ca này có khi đã nhận được điện thoại từ một địa điểm khác gọi tới. Cũng từ ngày tự nguyện làm công việc ấy, cứ có điện thoại gọi tới là anh Hiệp lên đường dù ở bất cứ thời điểm, thời tiết, địa hình nào.

Trải qua một thời gian dài cứu người, anh Hiệp cười chia sẻ, khi có thông tin báo, anh và mọi người trong nhóm lại đến để xác định, đánh giá xem họ có phải bị sốc hay không thông qua việc bắt mạch cổ và bẹn, kiểm tra trên tay và cơ thể xem có vết chích, hay bên cạnh có kim tiêm thì mới bắt đầu các biện pháp sơ cứu ban đầu.

Người nghiện trực tiếp được anh Hiệp cứu.
Người nghiện trực tiếp được anh Hiệp cứu.

Tất cả kỹ năng này anh Hiệp học được từ trung tâm sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng SCDI- Trung tâm hỗ trợ tập huấn kỹ năng cứu sốc và hỗ trợ cả thuốc Naloxone chống sốc cho người nghiện.

Những lần đi cứu người bị sốc thuốc Hiệp càng thấm thía sự kỳ thị, khinh miệt của mọi người dành cho người nghiện.Nó đạt đến độ, thậm chí, có người coi con nghiện chẳng khác “con ghẻ” của gia đình. Anh Hiệp kể, có lần anh cứu sốc xong cho một con nghiện, điện cho người thân đến đưa về, họ nói như té tát: “Cái loại vô dụng đó thì cứu nó làm gì”. 

Gặp những trường hợp như thế anh lại phải bỏ tiền túi ra thuê xe ôm đưa họ về. Cũng có lần, người thân của con nghiện nghĩ anh là bạn nghiện nên xông vào đấm anh thâm tím mặt mày, chảy cả máu miệng.

Niềm vui lớn nhất trong bước đường làm lại cuộc đời của anh Hiệp chính là đã làm được cho mẹ vui và tin tưởng vào anh nên ủng hộ hết mình trong công việc. Không những thế, hạnh phúc thực sự mỉm cười khi gần đây, anh Hiệp còn được một cô gái cùng cảnh ngộ mà anh gọi là vợ chưa cưới luôn đồng hành, chia sẻ, sát cánh với anh làm việc cứu người.

“Mỗi lần giúp được một người nghiện từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời, vợ chồng tôi thấy hạnh phúc lắm.Vì vướng vào con đường đó không những khổ mình mà còn khổ người thân của mình nữa.

Mong xã hội không còn ai nghiện ma túy nữa. Tôi đang cố gắng dành dụm để tổ chức đám cưới thật ý nghĩa, với tôi cuộc sống mới bắt đầu từ nơi tôi từng đánh mất, hạnh phúc đôi khi thật giản đơn là mỗi ngày thấy mẹ, thấy vợ cười trong trẻo” anh Hiệp bày tỏ.

Đọc thêm