Đoạn tuyệt với nhà 'lụi'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Sự việc UBND quận Bình Tân (TP HCM) vừa ra quân xử lý, cưỡng chế, buộc tháo dỡ 150 căn nhà không phép, xây trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch công viên cây xanh (còn gọi nôm na nhà “lụi”), thực sự là “lời tuyên chiến không khoan nhượng” với những trường hợp đã và có thể sắp có ý định vi phạm.
Hiện trạng gần 150 căn nhà sai phép bị tháo dỡ ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo hải dương).
Hiện trạng gần 150 căn nhà sai phép bị tháo dỡ ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo hải dương).

Tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trong quá khứ đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt tại TP HCM. Với tâm lý ham giá rẻ, mong được “phạt rồi cho tồn tại”, nhà “lụi” từng có thời điểm “mọc” lên nhiều như “nấm sau mưa”. Cũng có những giai đoạn, chính quyền một số địa phương đã có những lúc khoan nhượng, cho phép hợp thức hóa một số căn nhà “lụi” nếu phù hợp quy hoạch và người dân đã lỡ mua, lỡ xây vào trước một mốc thời gian cụ thể nào đó.

Nhưng không thể khoan nhượng mãi, không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng lộn xộn trong quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai… sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài khó khắc phục. Tháng 7/2019, Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23 chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực xây dựng.

Vụ việc 150 căn nhà “lụi” ở Bình Tân bị cưỡng chế tháo dỡ, chỉ là một sự việc được báo chí đưa tin nhiều, nên nhiều người biết đến. Từ 2019 đến nay, riêng tại TP HCM, ước tính đã có nhiều ngàn căn nhà “lụi” bị buộc phải tháo dỡ, đặc biệt nhiều ở các địa phương như Thủ Đức, Bình Tân… Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, sau gần 4 năm thực hiện Chỉ thị 23, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn gần 2.700, giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số công trình vi phạm là 170, bình quân 0,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 89,2%. Con số vi phạm đã giảm, nhưng thực tế, vẫn có một số người bất chấp quy định pháp luật, vẫn lén xây nhà “lụi”, mua nhà đất bằng giấy tay…

Một trong số những lý do mua bán, xây nhà “lụi” thường được một số người nại ra, là “ít tiền”, “nghèo”. Nhưng đó có thể chỉ là lý do “nói cho có”. Thử xét một trường hợp vừa bị tháo dỡ nhà “lụi” ở quận Bình Tân, chủ nhà này cho hay căn nhà rộng 100m2, từng xây trên đất thuộc quy hoạch công viên cây xanh. Năm 2018, gia đình này bỏ ra 518 triệu đồng mua mảnh đất ruộng dài 20m, rộng 5m, giao dịch giấy tay. Thời điểm đó 1 căn chung cư rộng 45m2 cách đó 100m giá gần 700 triệu đồng. Mua đất xong, gia đình cất tạm căn nhà nhỏ mà không xin phép xây dựng. Một năm sau, năm 2019, gia đình chi ra gần 1 tỷ đồng xây nhà. Như vậy, số tiền bỏ ra hơn 1,5 tỷ không phải là nhỏ, gia đình này không thể nói là “nghèo”.

Theo nhiều ý kiến, để “mọc” lên những căn nhà “lụi”, còn có trách nhiệm từ cán bộ địa phương quản lý thiếu sát sao. Khi một căn nhà xây trái phép nhưng không xử lý nghiêm, dẫn đến nhiều hộ khác làm theo. Nhiều trường hợp mua đất giá rẻ, tâm lý chuộng ở nhà đất, chấp nhận rủi ro mua đất không phù hợp quy hoạch, không thể làm thủ tục xây dựng, chuẩn bị sẵn cách đối phó. Lúc đầu chủ nhà chỉ dựng tôn khu đất, sau đó xây tường bên trong rồi che mái hình thành nhà để ở.

Nhận diện ra các nguyên nhân như trên, để về phía chính quyền địa phương, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra sai phạm ở địa bàn. Về phía người dân, cũng phải xác định dứt khoát đoạn tuyệt với nhà “lụi”, tránh rơi vào cảnh đã mất tiền mua đất, mất nhà, thậm chí lại còn bị xử phạt, buộc trả lại hiện trạng ban đầu với đất nông nghiệp. Đã hết thời “phạt rồi cho tồn tại”, thực tế đã chứng minh rất rõ ràng nhận định trên.

Đọc thêm