Doanh nghiệp Game bị trói nhìn Game lậu tung hoành

Chưa bao giờ, các DN trò chơi trực tuyến của Việt Nam, trong đó có các “đại gia” phát hành game nội như VNG, FPT, VTC… lại thấy “tủi lòng” vì bị “bỏ rơi” như lúc này, bởi sau gần 3 năm không được “làm ăn chính danh”.

Chưa bao giờ, các DN trò chơi trực tuyến của Việt Nam, trong đó có các “đại gia” phát hành game nội như VNG, FPT, VTC… lại thấy “tủi lòng” vì bị “bỏ rơi” như lúc này, bởi sau gần 3 năm không được “làm ăn chính danh”.

Game online vẫn hoành hành, trong khi các DN Game trong nước lao đao vì tăng trưởng âm

Doanh nghiệp bị ép …phạm luật?

Việc hơn 3 năm không có trò chơi trực tuyến nào được cấp phép mới, đã đẩy các DN trò chơi trực tuyến vào chân tường, “tiến thoái lưỡng nan”. Họ buộc phải lựa chọn, hoặc chấp nhận phải giải thể, hoặc buộc phải vi phạm quy định, kinh doanh game chưa phép để có thể tiếp tục tồn tại.

Tính đến tháng 7/2013, có tổng số 117 trò chơi trực tuyến được phép phát hành tại Việt Nam, trong đó đã ngừng 44 trò chơi, còn lại 73 trò chơi. Phần lớn trò chơi nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Doanh thu ngành game tại thị trường Việt Nam năm 2012 khoảng 250 triệu USD, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng.

Về lao động, ngành game năm 2012, có 7500 lao động, trong đó các DN phát hành game khoảng 4500 lao động.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Online, cho hay, đơn vị phát hành game online của ông đang lâm vào "khủng hoảng": "Từ cuối 2010 đến nay, chúng tôi liên tục tăng trưởng âm.

FPT Online đang rất bối rối, không biết phải xoay sở thế nào. Chất xám "chảy máu" hoàn toàn, chi phí vận hành thì không ngừng tăng. Nhìn ra chung quanh thì ai cũng có thể làm game lậu. Cứ đà này thì FPT Online cũng chỉ cố duy trì được nửa năm, một năm nữa mà thôi".

Trong 3 năm qua, FPT Online được cấp phép 5 game thì chỉ làm được duy nhất 1 game, 4 game còn lại không ra được thị trường vì nhiều lý do.

Trong khi ấy, hàng loạt nhà phát hành game không phép lại xuất hiện, tăng từ con số 12 lên 40 chỉ sau 3 năm. Số game lậu, game không phép tràn lan, trung bình cứ mỗi tháng lại có 10-20 game mới được phát hành.

"Thành thật mà nói thì kinh doanh game không phép cũng là việc cực chẳng đã của DN nội mà thôi. Chúng tôi rất mong muốn được quản lý" - ông Khoa bày tỏ. “Không doanh nghiệp nào muốn vi phạm pháp luật, bởi đó không phải là cách kinh doanh lâu bền” - Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh khẳng định.

Phạt nhiều lần vẫn phải…vi phạm

Sau thời gian kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông dừng thẩm định nội dung và cấp phép cho các trò chơi trực tuyến mới, đa số các trò chơi đã được cấp phép hoạt động không còn thu hút được nhiều người chơi, do vòng đời của một game rất ngắn. Các sản phẩm mới không được cấp phép dẫn đến việc các DN Việt Nam đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và bế tắc, tồn tại hay không tồn tại.

Từ thực trạng công tác thanh kiểm tra, ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ tình cảnh được ông mô tả là "đứng bên miệng vực" này của DN game nội, khi "tất cả DN đều có nguy cơ bị xử lý hình sự vì kinh doanh trái phép". Thông tin từ hoạt động thanh tra chuyên ngành cho thấy, hầu hết các DN phát hành trò chơi trực tuyến đã được thanh tra, kiểm tra.

Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm và xử phạt vi phạt hành chính hàng tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2011 và 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 14 DN hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến với số tiền 577 triệu đồng. “Tình trạng vi phạm tại thời điểm này là phổ biến. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đơn thuần không mang lại hiệu quả quản lý, có những DN bị phạt nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm” – ông Nguyễn Văn Hùng – Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Tìm hiểu nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nêu trên, Thanh tra Bộ xác định 100% các DN cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đều có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm đinh nội dung, kịch bản, vi phạm quy đinh pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến.

Có một nghịch lý là trong khi doanh thu trực tiếp từ cả thị trường game VN trong năm 2012 đạt tới 6000 tỷ đồng thì đóng góp của các game sản xuất trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn là 10-15%, trong khi đó, đội ngũ nhân lực phát triển game nội được đánh giá là có chất lượng và khả năng sáng tạo thuộc tốp đầu ở khu vực.

HT- HV

Đọc thêm