Doanh nghiệp “khóc ròng” vì Hội chợ Tết bất thình lình hủy

(PLVN) - Covid-19 quay trở lại vào cận kề dịp Tết khiến cho nhiều doanh nghiệp, tiểu thương khóc ròng vì nhỡ… ôm hàng trong khi tất cả các hội chợ đều thông báo hủy. Thậm chí, nhiều đại lý đã đặt hàng rồi còn quyết định “bom hàng” vào phút chót. 
Doanh nghiệp “khóc ròng” vì Hội chợ Tết bất thình lình hủy

Xả hàng nhanh còn kịp…

Theo kế hoạch, thời điểm này, Hà Nội dự kiến cho hàng chục hội chợ, rải rác khắp nơi ở các quận nội, ngoại thành nhưng hầu như tất cả các hội chợ đều đã báo hủy. Trong đó có những hội chợ kỳ vọng rất lớn vào sức mua như hội chợ ở khu đô thị Times City; Hội chợ nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu ở khu đô thị An Bình City. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin dịch Covid-19 xuất hiện trở lại, hầu hết các sự kiện lớn bé, hội chợ to nhỏ đều đồng loạt thông báo hủy. 

Cũng chính vì các hội chợ bị hủy nên nhiều doanh nghiệp (DN), chủ hàng nhỡ ôm hàng bán tại các hội chợ méo mặt. Chị Nguyễn Hồng Mai (chủ đại lý lớn trên đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi không biết phải xoay sở như thế nào. Ôm rất nhiều hàng vì đã đến cao điểm mua sắm hàng hóa không ngờ bây giờ thế này. Các hội chợ cũng hủy hết, người dân cũng sẽ chẳng còn mặn mà với Tết nữa, hàng biết bán cho ai mà ôm nguyên đấy thì cũng không biết bao giờ mới có thể đẩy hàng đi”. 

Chị Lê Quỳnh Hương, chủ một siêu thị ở phố Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đã hốt hoảng khi nhiều chủ hàng tạp hóa đều đồng loạt thông báo dừng lấy hàng dù đã đặt trước. Do tất cả đều là chỗ làm ăn uy tín, lâu năm nên chị Hương không yêu cầu họ “cọc” (đặt trước tiền hàng) dù đã cận Tết. 

“Bây giờ tôi không biết phải làm gì với kho hàng này vì đều là hàng có hạn sử dụng ngắn. Nói khó với các đại lý cũng không được vì họ cũng không muốn gặp rủi ro. Trước mắt, tôi đã huy động tất cả các mối quan hệ để nhờ… xả hàng gấp với giá bằng giá mua vào, chấp nhận lỗ tiền vận chuyển để thu hồi vốn. Hy vọng trời thương thì còn tâm trạng mà sắm sửa Tết nhất cho gia đình…” - chị Hương buồn nản tâm sự. 

Tương tự, trên nhiều trang bán hàng online cũng đã xuất hiện các lời rao liên quan đến Covid-19 và chuyện xả hàng ở khắp các nơi chỉ với mong muốn “gỡ gạc được một phần vốn liếng”. 

Xoay các kênh để bán hàng 

Tuy nhiều hội chợ bị hủy nhưng Phiên chợ Xuân Tân Sửu vẫn diễn ra ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội). Các gian hàng đặc sản vùng miền vẫn tụ hội về đây để tranh thủ lượng khách hàng vốn khá lớn của các phố đi bộ. Nhưng 2 ngày cuối tuần vừa rồi vắng hoe, chỉ lác đác vài người. Thậm chí một số gian hàng đã đóng quầy ngay trong đêm thứ 7, dù thứ 2 mới kết thúc phiên chợ. 

Bà Bùi Thị Minh Hằng, Giám đốc truyền thông Công ty CP LTT Miền xanh thẳm cho biết, xác định nhu cầu những sản phẩm sạch an toàn là xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay nên từ những ngày đầu tháng 11, DN đã chuẩn bị một số lượng khá lớn các sản phẩm, các đặc sản vùng miền như nấm hương Mẫu Sơn, măng giang rừng (Lạng Sơn), mộc nhĩ rừng, trâu sấy, lợn sấy, lạp xưởng với tiêu chí sạch và an toàn để phục vụ bà con nhân dân dịp này qua hệ thống các cửa hàng Cộng Đồng tại Hà Nội cũng như các gian hàng Cộng Đồng tại các phiên chợ Xuân.

“Chúng tôi kỳ vọng vào Phiên chợ Xuân Tân Sửu 2021 trên phố Trịnh Công Sơn và Hội chợ hàng hoá nông sản thực phẩm tết Tân Sửu năm 2021 tại khu chung cư An Bình nhưng tình hình này thì khéo… vỡ trận mất. Hội chợ ở An Bình bị hủy, Phiên chợ Xuân ở Trịnh Công Sơn thì vắng người. Gian hàng của chúng tôi còn có người ra người vào chứ nhiều gian khác ngồi cả ngày chỉ bán được vài trăm nghìn” - bà Hằng chia sẻ.  

Bà Hằng cũng cho biết thêm, những ngày đầu tiên, hàng hoá của Miền xanh thẳm được người dân ủng hộ rất tích cực nên đã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh việc đưa hàng hoá ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ 2-3 hôm công bố dịch xuất hiện trở lại, người dân đi lại ít hơn khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Chỉ thị của UBND TP Hà Nội yêu cầu đóng cửa các hội chợ Xuân, dẫn đến việc tiếp thị và quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền trên thị trường bị chững lại. 

Đồng tình và sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, theo bà Hằng, việc hủy các Hội chợ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các DN, nhất là các DN đã có cả kế hoạch tham gia thêm các gian hàng hội chợ. Đặc biệt, các DN thực phẩm cũng có thêm những khó khăn nhất định về hạn sử dụng, bảo quản... đối với lượng hàng lớn và trong thời gian dài hơn dự tính. 

Bà Hằng cho biết, DN cũng đã tính ngay đến các phương án “không hội chợ” như đẩy mạnh kênh bán hàng online qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, đặt hàng qua số hotline. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng sàn thương mại điện tử để giúp người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc mua sắm cũng như đảm bảo an toàn trong đợt dịch.

Đọc thêm