Cty có viết giấy nhận nợ. Cty ANCO đã ngừng hoạt động, vẫn không thanh toán nợ khiến bà con nông dân có nguy cơ mất trắng…
Từ một lá đơn kêu cứu…
Theo đơn trình bày của ông Bàng, hợp đồng kinh tế giữa Cty ANCO với các hộ nông dân nuôi bò ở 9 xã gồm: Phú Trâu, Tiên Phong, Vân Hòa, Tòng Bạt, Phong Vân, Cổ Đô, Phú Cường, Vạn Thắng có nội dung Cty phải thanh toán tiền 2 lần một tháng cho người dân. Nhưng tính đến nay, đã 4 năm kể từ ngày làm biên bản xác nhận nợ, Cty không thanh toán bất kỳ một khoản nào cho bà con.
Ngày 15/10/2011 tại nhà máy sữa Cty ANCO, đại diện là Giám đốc Nguyễn Đức Hiệp đã hứa sẽ trả hết tiền sữa của kỳ 1, tháng 8/2011 vào ngày 31/10/2011, ngày 30/11/2011 sẽ trả hết tiền tháng 8 và tháng 9, hết tháng 12 sẽ thanh toán nốt số tiền nợ tháng 10 cho bà con.
Nội dung này được ghi trong biên bản cuộc họp, có chữ ký và con dấu của Cty ANCO. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đã hứa vài tháng, bà con liên tục gọi điện cho Giám đốc Cty để đòi khoản nợ thì được trả lời “Cty đang khó khăn, khi nào bán được nhà máy sẽ trả nợ”.
Không bằng lòng với câu trả lời từ Giám đốc Cty ANCO, các hộ dân đã gửi đơn đến UBND huyện Ba Vì nhờ can thiệp. Tại trụ sở UBND huyện, Cty ANCO cũng đã chính thức làm các biên bản xác nhận nợ với từng trạm thu mua, theo đó, tính từ tháng 8-10/2011 Cty còn nợ của 9 trạm thu mua sữa ở Ba Vì tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày chính thức làm biên bản xác nhận nợ, Giám đốc Nguyễn Đức Hiệp cùng Cty ANCO đã không xuất hiện trở lại.
Ông Bàng cho biết, khi gọi điện cho Giám đốc Hiệp không được, ông cùng các hộ dân đã làm đơn cầu cứu khắp các cơ quan, ban ngành của tỉnh nhưng đều không được giải quyết. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó phòng Lao động Việc làm huyện Ba Vì cho biết, ông cũng đã nhiều lần liên lạc với Cty ANCO để tiến hành kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm của các DN nhưng không có kết quả.
Ông Hứa Bá Trình, cán bộ Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cũng cho biết, trước đây các hộ dân bán sữa cho các Cty khác nhưng Cty ANCO “nhảy vào” thu mua với giá cao hơn nên các hộ dân quay sang bán cho Cty ANCO. Nhưng chưa được bao lâu thì ANCO phá sản, đóng cửa nhà máy. Bà con nông dân sau khi không đòi được nợ cũng kéo lên huyện nhờ giải quyết. Huyện đã mời Cty, mời các hộ dân và chủ bồn ra họp.
Trong buổi họp đó Cty ANCO có hứa sẽ chi trả cho dân vào từng thời điểm nhất định nhưng sau đó không thực hiện lời hứa. Bản thân cán bộ huyện cũng đã nhiều lần liên lạc với Cty và Giám đốc nhưng không có cách nào gặp được. Huyện đã hướng dẫn bà con khởi kiện ra tòa với mong muốn ANCO có tài sản để chi trả cho bà con.
Những thông tin về việc ngừng hoạt động của ANCO |
Doanh nghiệp biến mất, người dân "cơ khổ"
Ngay sau khi nhận được đơn của bà con nông dân huyện Ba Vì, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu từ nhiều nguồn và có được khá nhiều thông tin bất ngờ về Cty ANCO. Đây là một Cty thực phẩm và đồ uống của tư nhân nhưng ra mắt khá rầm rộ vào năm 2007 và còn công bố mua lại Nhà máy sữa của Nestlé tại Ba Vì, Hà Tây.
Theo đánh giá tại thời điểm ấy, đây là một phần trong chiến lược đầy tham vọng của tập đoàn mới khai sinh này, nhằm nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường như là một trong những nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống cao cấp hàng đầu. ANCO sẽ thừa hưởng thương hiệu Nestlé cho hai sản phẩm sữa tươi thanh trùng và sữa chua ăn liền trong vòng một năm.
Sau đó, một thương hiệu mới sẽ ra đời, được sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền công nghệ của Nestlé. Nestlé sẽ vẫn duy trì bộ máy quản lý cho ANCO trong giai đoạn quá độ này và cam kết giúp đỡ ANCO đảm bảo tuyệt đối chất lượng sản phẩm cũng như duy trì hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm như hiện có.
Tuy nhiên, trong thỏa thuận ANCO sẽ chỉ được sử dụng thương hiệu sữa Nestle trong vòng một năm, sau đó sẽ phát triển thành thương hiệu ANCO milk thay thế. Cùng với việc công bố thông tin này, ông Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam cũng khẳng định, việc chuyển giao nhà máy sữa cho ANCO dựa trên quá trình nghiên cứu thăm dò lâu dài. Ông còn cho biết “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp, tính năng động sắc sảo và uy tín của các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo ANCO”.
Bất ngờ thứ hai, chỉ sau chưa đầy 5 năm ra mắt, tất cả những sự kỳ vọng này đã gần như bị dội một gáo nước lạnh. Nestle mất đi sản phẩm sữa chua được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích và lựa chọn. Một tập đoàn tư nhân Việt Nam với những bước đi táo bạo đã… chết yểu. Lần lượt, Cty con ngừng hoạt động từ 28/10/2014 và Cty mẹ ngừng hoạt động từ 20/4/2015. Và hậu quả nặng nề hơn là các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì đã bị Cty nợ tổng cộng hơn 1,3 tỉ đồng không có có khả năng đòi lại.
Luật sư Đào Thị Liên (Cty TNHH Luật Tiên Phong, Hà Nội) phân tích, lẽ ra ngay sau khi xảy ra sự việc, người nông dân phải khởi kiện Cty ANCO ra Tòa án để pháp luật có biện pháp kịp thời phong tỏa tài khoản của Cty, để đảm bảo việc trả nợ cho người dân. Còn, thời điểm này, sau 4 năm xảy ra sự việc, có thể khối tài sản của Cty đã được… “giải cứu” nên khó buộc các cá nhân của Cty đứng ra chịu trách nhiệm này, sau khi Cty đã ngừng hoạt động. Đây cũng là bài học cho những người nông dân khi tham gia vào thị trường trong thời kỳ hội nhập.
Trước thông tin, trước khi bán sữa cho Cty ANCO, bà con nông dân Ba Vì đã bán sữa cho một Cty khác nhưng ANCO… đột nhiên “nhảy vào” và trả giá cao hơn nên bà con đổ xô sang bán sữa cho ANCO, một chuyên gia thương hiệu nhận xét: Với cung cách làm ăn kiểu “chộp giật” này và việc mua lại nhãn hiệu của một thương hiệu lớn cho thấy ANCO đã sai lầm ngay từ khi bắt đầu thành lập.
Bởi một Cty muốn phát triển ổn định thì phải có nền tảng bền vững với những con người giỏi việc chuyên môn và quản lý. Đáng tiếc, ANCO quá nóng vội, muốn khẳng định mình quá sớm nên gây ra những hậu quả không mong muốn.