Microsoft Việt Nam trong gần 3 năm qua đã liên tục có những hoạt động “đình đám” với các cơ quan Bộ, ngành, chính phủ và doanh nghiệp.. Xin ông chia sẻ về chiến lược tiếp cận mới này của Microsoft!
Microsoft đã có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với khách hàng nội địa thông qua độ phổ cập của sản phẩm với chính phủ và người dân ở đây. Hầu hết các cơ quan nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đều đã và tiếp tục sử dụng một vài sản phẩm hoặc dịch vụ của Microsoft như Window, Office, Windows Phone, Sharepoint, Skype, Email, OneDrive…
Theo tôi, sự khác biệt lớn nhất gần đây là sự chuyển mình của Microsoft với định hướng rõ ràng là nâng tính hiệu quả, năng suất lên một tầm cao mới với các sản phẩm và dịch vụ “Ưu tiên di động, Ưu tiên đám mây” (Mobile First, Cloud First). Định hướng này giúp Microsoft dẫn đầu trong việc đưa ra những công nghệ đáp ứng 4 xu hướng công nghệ lớn đang diễn ra trên toàn cầu là Di Động, Điện toán Đám Mây, Mạng Xã hội và Dữ liệu lớn.
Việc theo kịp và tận dụng 4 xu thế này để phát triển và tạo lợi thế cạnh tranh cho đất nước và các doanh nghiệp là điều cực kỳ quan trọng và cấp bách. Nếu chúng ta chậm chân trong giai đoạn này, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau rất xa.
Microsoft Việt Nam chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình là đẩy mạnh việc ứng dụng những công nghệ dẫn đầu này, giúp xây dựng một hạ tầng CNTT vững mạnh cho Chính phủ và các Doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao được năng lực cạnh tranh để sẵn sàng với các thách thức và cơ hội lớn hơn, đồng thời giúp đào tạo và xây dựng một đội ngũ nhân lực mạnh mẽ về CNTT để phát triển đất nước. Đó có thể là lí do mà các bạn thấy Microsoft có nhiều hoạt động hơn trong thời gian gần đây.
Xin ông chia sẻ kỹ hơn về quan hệ hợp tác giữa Microsoft và Chính phủ Việt Nam, cụ thể hơn là các bộ ngành, tiêu biểu như Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) và Bộ Tài chính trong năm vừa qua?
Cam kết của Microsoft khi vào Việt Nam là sẽ chung tay cùng chính phủ và người dân xây dựng nền kinh tế ổn định phát triển nhờ CNTT. Như đã chia sẻ, để hòa nhập với xu hướng mới về CNTT của toàn cầu là “Ưu tiên di động, Ưu tiên đám mây”, chúng ta cần phải có một hạ tầng CNTT vững mạnh, an toàn; một lực lượng nhân sự trình độ cao để triển khai và vận hành tốt guồng máy, hỗ trợ đất nước phát triển.
Để củng cố cam kết này, Microsoft đã ký các hợp tác cùng Bộ TT&TT, Bộ Tài chính và một số các cơ quan hữu quan khác. Theo hợp tác, Microsoft sẽ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành cùng thực hiện các mục tiêu trọng tâm bao gồm: thúc đẩy quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cao công tác bảo mật và tăng cường an ninh mạng, tập trung phát triển ứng dụng điện toán đám mây và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho Việt Nam (bao gồm kiến thức làm việc về cơ sở hạ tầng, an ninh và phát triển các ứng dụng phần mềm).
Được biết, Microsoft cũng đã tiếp cận với UBND các tỉnh, thành phố trong việc triển khai giải pháp Chính phủ điện tử tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh. Ông có thể nói rõ hơn về lợi ích cho phía chính quyền, công dân khi triển khai giải pháp Microsoft?
Chúng ta nói nhiều đến Chính phủ điện tử và hiểu rõ về những lợi ích có được từ cả phía chính phủ lẫn công dân khi hệ thống này được triển khai. mục tiêu quan trọng nhất là làm sao có thể đưa những công nghệ dẫn đầu của Microsoft vào ứng dụng và triển khai tại khối cơ quan chính phủ nhà nước và khối doanh nghiệp để xây dựng được một hạ tầng Điện toán Đám mây liên thông, linh hoạt, mạnh mẽ và an toàn. Hạ tầng vững mạnh này sẽ là nền tảng cho những cải cách về dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Khi triển khai, người dân sẽ được tận hưởng những dịch vụ tốt hơn, tính minh bạch cao hơn, tiết kiệm được thời gian và gia tăng sự hài lòng với hệ thống dịch vụ công, với chính phủ. Sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp cũng sẽ có chất lượng tốt hơn rất nhiều. Đó chính là những giá trị mà công nghệ mang lại cho người dân.
VNISA hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực An toàn CNTT tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực di động và Điện toán Đám Mây.
Việc đầu tư hạ tầng Điện toán Đám mây sẽ giảm đáng kể chi tiêu công, sử dụng vào đầu tư CNTT, tăng hiệu quả đầu tư và tránh được lãng phí. Đối với người dân, điều này đồng nghĩa với việc tiền thuế đóng cho ngân sách Nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn. Một hạ tầng CNTT liên thông cũng giúp kết nối những dữ liệu quan trọng với nhau, giúp các lãnh đạo có được những thông tin tổng hợp và kịp thời để đưa ra các quyết định đúng đắn và kịp thời nhất.
Những ứng dụng CityNext của Microsoft và các đối tác tại Việt Nam chạy trên hạ tầng này sẽ giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ công dễ dàng tiện lợi hơn từ các thiết bị cá nhân của mình đặc biệt là các thiết bị di động. Điều này sẽ giúp gia tăng tương tác 2 chiều và tính minh bạch giữa người dân và chính phủ, nhờ đó, gia tăng mức độ hài lòng của người dân. Nền tảng công nghệ này cũng cho phép các doanh nghiệp và người dân tham gia cung cấp các dịch vụ cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Điện toán đám mây (ĐTĐM) là một công nghệ không mới, nhưng ứng dụng tại Việt Nam còn gặp rất nhiều rào cản. Theo ông, việc chậm ứng dụng ĐTĐM có làm DN Việt chậm chân so với thế giới và giảm sức cạnh tranh? Microsoft có giải pháp nào giúp DN Việt Nam triển khai các ứng dụng này?
Chính xác là làn sóng Big Data, Internet of Things và Mobility đang tạo ra những nguồn dữ liệu và khả năng kết nối thiết bị khổng lồ, tạo ra những thách thức đồng thời cũng là cơ hội hết sức lớn cho DN. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có được những giải pháp đám mây hiệu quả, DN sẽ thành công.
Microsoft đang đưa ra những giải pháp đám mây ưu việt, cụ thể là biến Azure trở thành nền tảng dẫn đầu cho các dịch vụ Big Data cũng như sẵn sàng giải quyết mọi thông tin, dữ liệu từ thế giới Internet.
Đầu tháng 8/2014, Microsoft đã bổ sung 3 dịch vụ “dữ liệu lớn” (Big Data Service) là Stream Analytics, Azure Event Hub và Azure Data Factory vào nền tảng ĐTĐM Azure.
Hai dịch vụ Stream Analytics và Azure Event Hub được thiết kế nhằm giúp khách hàng xử lý dữ liệu từ các thiết bị cũng như nhiều nguồn thông tin khác từ thế giới Internet. Trong khi đó, dịch vụ Azure Data Factory giúp phân tích thông tin năng suất qua việc điều phối và quản lý đa dạng dữ liệu, đặc biệt trong môi trường lai, nơi mà nguồn dữ liệu được lưu trữ trên các dịch vụ đám mây và một số nơi khác, thuộc các DN.
Song song với việc phát triển các dịch vụ đám mây và công nghệ di động, việc bảo đảm an ninh mạng đối với việc phát triển CNTT hiện nay có vai trò thế nào?
Xu thế tấn công của tội phạm mạng hiện thời là làm gián điệp kinh tế và đánh cắp thông tin của các cơ quan chính phủ. Nguy hiểm hơn, mục tiêu nhắm đến của các cuộc tấn công ngày càng có xu hướng chính trị, và đối tượng trực tiếp bị tấn công là các Cơ quan Quản lý Nhà nước, các DN trọng yếu hàng đầu của nền kinh tế... Điều này cho thấy mức độ tinh vi của loại hình tội phạm công nghệ ngày càng cao và thực sự là một thách thức đối với chính phủ, tổ chức có nhiệm vụ chức năng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền số - bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin quốc gia.
Giữa tháng 10 đã có cuộc tấn công quy mô lớn vào một loạt các website của VCCorp gây tê liệt hệ thống và thiệt hại hàng tỷ đồng. Không lâu trước đó, trong khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2014, đã có 745 website tại Việt Nam bị tấn công bởi các nhóm tin tặc nước ngoài. Gần đây nhất là vụ tin tặc tấn công vào Sony Pictures và cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
Những vấn đề này chỉ ra nhu cầu cấp thiết về việc triển khai những giải pháp an ninh mạng và bảo mật hệ thống thông tin tối ưu cho các tổ chức chính phủ và các DN.
Riêng với người sử dụng cá nhân, theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu tội phạm mạng Microsoft, người dùng Internet Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mã độc đứng ở Top 2 toàn cầu. Nguyên nhân chính là do người dùng chưa nhận thức rõ ràng về hiểm họa, thường bất cẩn, cài đặt các phần mềm và ứng dụng từ nguồn thiếu tin cậy dẫn đến bị lây nhiễm mã độc dễ dàng.
Làm thế nào để các DN - đặc biệt là DN vừa và nhỏ - có thể tiếp cận và triển khai các công nghệ này trong thực tế?
Để hạn chế những tổn thất do mã độc và tội phạm mạng gây ra, các doanh nghiệp nên sử dụng các phiên bản mới nhất của phần mềm và sử dụng đĩa cài chính hãng. Các phiên bản mới thường được cập nhật những tính năng mới nhất, chống lại các kỹ năng và thủ thuật tinh vi của tội phạm mạng.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ từ những cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, Microsoft đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền Thông (VNCERT), VNISA hay Bộ Công An… , triển khai những giải pháp mới nhất để có thể bảo vệ chủ quyền số của Việt Nam trước các cuộc tấn công liên tục của hacker và những đội ngũ xâm lăng hiếu chiến nước ngoài. Không chỉ vậy, Microsoft cũng làm việc chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành tổ chức các khóa đào tạo, nhằm cập nhật kỹ năng CNTT mới nhất… Những khóa đào tạo và chia sẻ thông tin về An toàn, an ninh mạng, những kiến thức và giải pháp cụ thể để xây dựng hệ thống CNTT bảo mật cho doanh nghiệp và các đơn vị liên tục được tổ chức định kỳ. Đặc biệt, trong thỏa thuận kí kết với VNISA, Microsoft sẽ liên kết với VNISA hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực An toàn CNTT tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Di động và ĐTĐM.
Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!