Đặc biệt, trường hợp ông Đào Minh Tuấn (Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang bị người dân tố cáo ông “xài bằng giả”(?). Thực hư chuyện này như thế nào và vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa chưa kiên quyết làm rõ để ông Đào Minh Tuấn “chôn chân” làm cán bộ xã đã 27 năm (?!.)
Lật tẩy sự dối trá
Sau khi nhận được đơn thư của dòng họ “Đào”, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về gặp trực tiếp ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung người bị tố cáo đã xử dụng bằng giả để vào cơ quan Nhà nước, rồi tìm cách tiến thân. Để tìm rõ sự thật về tấm bằng mang tên “Đào Văn Tấm” mà ông “Đào Minh Tuấn” hiện là Bí thư Đảng ủy – kiêm Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung đang sử dụng?
Lý giải về vấn đề này, ông Tuấn giải thích: “Bố mẹ tôi chỉ sinh được duy nhất có mình tôi, nhà con hiếm mà. Chính vì gia đình “sợ” và để cho dễ nuôi, nên đặt cho tôi 2 cái tên. Tên thật là Đào Minh Tuấn, còn tên phụ là Đào Văn Tấm. Vì thế, suốt từ khi học cấp I, cấp II và cả cấp III học bạ đều mang tên Đào Văn Tấm”.
Rồi ông Tuấn khẳng định rất nhiều lần trước mặt phóng viên và có mặt cả đồng chí cán bộ Thanh tra của huyện Hoằng Hóa, rằng: “Tôi được kết nạp Đảng từ hồi học cấp II với tên thật Đào Minh Tuấn”.
Bằng Bổ túc VH mang tên Đào Văn Tấm. |
Có những vấn đề thật vô lý: Ông Tuấn khẳng định trong suốt thời kỳ đi học (cấp I, II, III) trong học bạ đều mang tên Đào Văn Tấm. Vậy khi đang học cấp II, ông được kết nạp Đảng (theo như ông Tuấn nói) lại không mang tên Đào Văn Tấm mà lại mang tên Đào Minh Tuấn ghi trong thẻ Đảng viên?.
Vấn đề tiếp nữa, ông Tuấn khẳng định nhiều lần là có 02 cái tên, nhưng trong lý lịch Đảng viên được ghi rõ: Họ tên đang dùng: Đào Minh Tuấn; Họ tên khai sinh cũng là Đào Minh Tuấn; Các bí danh khác ghi là “không”.
Như vậy, phải khẳng định rằng ông Tuấn chỉ có một cái tên là Đào Minh Tuấn và không hề có cái tên Đào Văn Tấm (không có lẽ ông Tuấn dám khai man trong lý lịch Đảng viên ?).
Là Đảng ủy viên trước khi kết nạp Đảng
Trong quá trình làm rõ vụ việc, phóng viên pahst hiện nhiều tình tiết bất thường. Ông Tuấn sinh ngày 18/3/1960, khi lên 6 tuổi ông vào học lớp 1; đến khi học hết lớp 10 (Hệ 10 năm) thì ông Tuấn phải là 16 tuổi (tức đến năm 1976) thì mới học xong.
Trong khi đó, thẻ Đảng viên mang tên Đào Minh Tuấn (SN - 1960); Ngày 10/9/1980 kết nạp Đảng (tức là 20 tuổi ông Tuấn mới được kết nạp Đảng). Chẳng lẽ, ông Tuấn 20 tuổi vẫn đang học cấp II (?) Như vậy, việc ông Tuấn được kết nạp Đảng khi đang là học sinh cấp II như ông Tuấn khẳng định là không đúng sự thật.
Tiếp tục về sự vô lý trong hồ sơ Đảng viên của ông Tuấn: Tháng 9/1980, ông Đào Minh Tuấn được kết nạp Đảng (đến tháng 9/1981 mới trở thành Đảng viên chính thức), thế nhưng tháng 2/1980 ông Tuấn đã khai trong lý lịch là Đảng ủy viên – Bí thư xã đoàn.
Dễ hiểu rằng, những người là Đảng viên ưu tú mới trở thành Đảng ủy viên, trong khi đó ông Đào Minh Tuấn chưa vào Đảng mà là Đảng ủy viên thì quả hết sức vô lý.
Từ đó, con đường tiến thân của ông Tuấn “an toàn” và rộng mở. Quá trình thăng tiến của ông Đào Minh Tuấn: Tháng 2/1983 làm thống kê xã; tháng 5/1987 ông làm phó Chủ tịch xã; đến tháng 1/1988 ông lên làm Chủ tịch UBND xã; tháng 6/2004 làm Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch HĐND xã; Và hiện nay, ông là Bí thư Đảng ủy – kiêm Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung.
Lại thêm một bất ngờ nữa, trong khi thu thập tư liệu lại xuất hiện tấm Bằng tốt nghiệp Trung cấp quản lý Nhà nước (khóa học 1995-1997) tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa mang tên Đào Minh Tuấn. Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao trong hồ sơ, học bạ (từ cấp I đến cấp III), bằng tốt nghiệp Bổ túc văn hóa Trung học của ông Tuấn lại mang tên của người khác (là Đào Văn Tấm)?
Khi phóng viên đề cập đến sự vô lý này, thì ông Tuấn ấp úng phân trần: “Hồi ấy cái tên có quan trọng chi lắm đâu. Bây giờ mới rắc rối, rồi kiện tụng. Việc này tôi đã làm giải trình gửi các ban, ngành của tỉnh để đính chính thống nhất lại cho phù hợp với các loại giấy tờ… tôi làm theo chủ trương của tỉnh mà. Vài hôm nữa tôi sẽ gửi cho các anh. Còn tại sao Học bạ là Tấm và thẻ Đảng viên là Tuấn, vì kết nạp Đảng có phải ở trường đâu mà ở địa phương chứ…”.
Thế nhưng, từ tháng 7/2014 cho đến nay, ông Tuấn không hề gửi lại văn bản nào cho phóng viên, dù chúng tôi liên tục liên lạc.
Huyện có biết, hay làm ngơ?
Để làm sáng tỏ tấm bằng mang tên Đào Văn Tấm mà ông Đào Minh Tuấn đang sử dụng, chúng tôi đến UBND huyện Hoằng Hóa. Buổi làm việc có mặt đồng chí phó Chủ tịch huyện và một cán bộ Thanh tra huyện.
Khi phóng viên đặt vấn đề: Lãnh đạo huyện có biết việc người dân tố cáo ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch xã Hoằng Trung sử dụng bằng giả không thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không hề biết chuyện ông Tuấn bị tố cáo sử dụng bằng giả, mà chỉ có khiếu nại về việc đền bù đất, ruộng của bà con”.
Đại diện huyện Hoằng Hóa hẹn chúng tôi vào một dịp khác sẽ sắp xếp và chuẩn bị hồ sơ cung cấp cho phóng viên, nhưng đến nay (tháng 1/2015) vẫn không có hồi âm.
Xác nhận của cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. |
Phóng viên liên hệ với Phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa để xác minh hồ sơ cán bộ của ông Đào Minh Tuấn thì Trưởng phòng Nội vụ báo bận họp. Tiếp tục tìm đến Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Chuyên viên của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) xác nhận: “Từ năm 1981 đến 1986, Đào Minh Tuấn không có trong danh sách tốt nghiệp”.
Sau đó, Phó chánh Văn phòng của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng ký xác nhận vào văn bản mà ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã xác nhận bằng bút tích.
Như vậy, có thể thấy rằng ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch xã Hoằng Trung thực sự có vấn đề về bằng cấp và lý lịch. Tố cáo của người dân rất có cơ sở.
Phải chăng ông Tuấn đã có “phép mầu” với tấm bằng mang tên người khác vào làm việc cơ quan Nhà nước trong nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ làm cán bộ xã? Người dân Hoằng Trung phải thốt lên rằng: “Ông Tuấn không được học hành đến nơi, đến chốn mà lại làm cán bộ xã suốt 27 năm, phải nói là... quá giỏi"./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com