Thanh Hóa: Phó Chánh án “ỉm” tiền của đương sự

(PLO) - Ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó Chánh án TAND huyện Vĩnh Lộc (Thanh  Hóa) nhiều lần thu tiền của đương sự nhưng không viết biên lai. Chưa hết, tiền đương sự nộp để giám định chứng cứ còn thừa nhưng ông Hiền lại “lờ lớ lơ” và chỉ chịu “thối” lui khi đương sự tố cáo.
Vợ chồng ông Đước phản ánh việc thu tiền của cán bộ TAND huyện Vĩnh Lộc với phóng viên.
Vợ chồng ông Đước phản ánh việc thu tiền của cán bộ TAND huyện Vĩnh Lộc với phóng viên.
Trước đó, ông Nguyễn Trọng Hiền yêu cầu gia đình ông Nguyễn Văn Đước (trú thôn Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) - đương sự trong vụ án tranh chấp đất đai với bà Nguyễn Thị Đoạt (cùng địa phương) phải nộp 5 triệu đồng để đi giám định chữ ký phục vụ việc tố tụng.
Tiền trao tay
Theo đơn tố cáo của gia đình ông Đước gửi PLVN, tháng 8/2012, bà Đoạt khởi kiện gia đình ông ra TAND huyện Vĩnh Lộc. Tòa án mời hai bên đến hòa giải nhưng bất thành. Được biết, mỗi lần cán bộ Tòa án gọi lên làm việc và yêu cầu nộp các giấy tờ liên quan, ông Đước luôn yêu cầu lấy biên lai để chứng minh ông đã chấp hành nghiêm yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng Thư ký tòa đều nói “không cần”.
“Tháng 12/2012, tôi đưa 1 triệu đồng theo yêu cầu của ông Hiền, Phó Chánh án để đến xã Thành Thọ xin chữ ký trong sổ đăng ký kết hôn của bố tôi. Sau đó, Tòa gọi hai bên gia đình lên và họ yêu cầu tôi đưa cho ông Hiền 5 triệu đồng ngay tại trụ sở Tòa án để ông ta đi giám định 2 chữ ký (một chữ ký trong sổ đăng ký kết hôn, một chữ ký trong di chúc). Cả hai lần đưa tiền cho ông Hiền, tôi đều yêu cầu biên lai nhưng ông Hiền và cô Thư ký đều bảo không cần.” - ông Đước nói.
Đầu năm 2014, gia đình ông Đước nhận được kết quả giám định.  Nhưng 2,2 triệu đồng tiền thừa sau khi giám định thì cán bộ Tòa án không trả lại. Gia đình ông Đước nhiều lần hỏi nhưng Phó Chánh án Hiền vẫn cố tình “lờ lớ lơ”. 
Gợi ý khéo…
Không chỉ “ỉm” tiền của đương sự, bà Đinh Thị Đới - vợ ông Đước cho biết: “Có lần tôi xuống Tòa án nộp giấy tờ cho ông Hiền thì được ông này gợi ý: “Vài hôm nữa Tòa về định giá khu nhà này, bà có cho tôi đồng nào thì cho đi, tôi sẽ để lại cho bà một phần để làm nơi thờ cúng, nếu không là tôi chia cả”.
Xung quanh nội dung tố cáo trên, bà Nguyễn Thanh Hương, Chánh án TAND huyện Vĩnh Lộc xác nhận: “Vụ án này tôi phân công cho đồng chí Hiền thụ lý. Tôi cũng biết đồng chí Hiền có thu một số tiền của gia đình ông Đước, bà Đới để đi giám định chữ ký, còn thu bao nhiêu thì tôi chưa rõ”. 
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh án Nguyễn Trọng Hiền thừa nhận: “Đúng là chúng tôi có thu của gia đình ông Đước, bà Đới 5 triệu để đi giám định chữ ký, nhưng đó chỉ là tạm thu. Trong quy định của pháp luật không có chỗ nào quy định thu tiền đi giám định phải ghi biên lai, chúng tôi chỉ thu và thông báo lại với gia đình thôi. Trong quá trình giám định 2 chữ ký hết 2,8 triệu đồng, còn lại 2,2 triệu đồng thì gia đình nói “Không đồng ý với kết quả giám định” nên số tiền 2,2 triệu đồng đó để sau này đi Hà Nội giám định lại lần nữa. Trước đó, chúng tôi cũng thu 1 triệu đồng để thuê xe ô tô lên huyện Thạch Thành xác minh chữ ký trong sổ đăng ký kết hôn của bố ông Đước.”.
Trước những giải thích nói trên, ông Đước rất bức xúc: “Sau khi chúng tôi làm đơn gửi cơ quan báo chí thì đến ngày 5/12/2014, ông Hiền mới gọi tôi đến trả lại 2,2 triệu đồng còn thừa. Nếu chúng tôi không làm đơn, liệu ông ta có trả không? Hơn nữa, chúng tôi không am hiểu pháp luật nên cũng không biết việc cán bộ Tòa án thu tiền như vậy mà không ghi biên lai liệu có đúng pháp luật?”.
Một vụ án dân sự đang trong quá trình thụ lý, giải quyết mà “quan” tòa đã có những biểu hiện nhập nhèm chuyện tiền bạc thì liệu khi ra phán quyết, bản án này có còn khách quan, đúng pháp luật? 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com