Doanh nghiệp “vượt mặt” cổ đông nhỏ

(PLO) - Bằng việc gạt cổ đông sang một bên trong quá trình tăng vốn điều lệ, đồng thời “vượt mặt” trong các quyết định sau đó, doanh nghiệp đã khiến cổ đông bị thiệt thòi.
Cổ đông cho rằng Cty Xi măng Thăng Long đã xâm phạm quyền lợi của cổ đông nhỏ.Ảnh minh họa
Cổ đông cho rằng Cty Xi măng Thăng Long đã xâm phạm quyền lợi của cổ đông nhỏ.Ảnh minh họa
Từ cổ đông nhỏ thành cổ đông… “bé tí”
Ông Nguyễn Thành Tô là cổ đông nhỏ, nắm giữ 2% cổ phần trong số 40% vốn điều lệ của GELEXIMCO có tại  Cty Xi măng Thăng Long (TLCC), theo hợp đồng ký giữa GELEXIMCO và ông Tô từ 9/4/2002. Cụ thể, Hợp đồng này ghi rõ, ông Tô sẽ sở hữu 16.000 cổ phần phổ thông và 24.000 cổ phần ưu đãi của TLCC (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần), tương đương 4 tỷ đồng. 
Tính đến tháng 6/2007, ông Tô đã thanh toán cho GELEXIMCO tổng số tiền là 6 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 2% vốn điều lệ của TLCC theo hợp đồng hai bên đã ký và để được mua cổ phần phát hành thêm của TLCC nhằm duy trì tỉ lệ sở hữu cổ phần tại TLCC là 2%. 
Tuy nhiên, mãi đến 30/6/2011, ông Tô lần đầu tiên nhận được Giấy chứng nhận Sở hữu Cổ phần của TLCC (đề ngày 28/6/2011) do ông Vũ Văn Tiền ký , theo đó xác nhận ông Tô sở hữu 400.000 cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương với tổng mệnh giá là 4 tỷ đồng tại TLCC. Như vậy, số tiền 2 tỷ đồng ông chuyển cho GELEXIMCO để mua cổ phần phát hành thêm khi tăng vốn điều lệ năm 2008 đã không được GELEXIMCO thực hiện. 
Chính vì thế, ông Tô đã gửi đơn đến TAND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu GELEXIMCO và TLCC giải trình về việc đã sử dụng số tiền 2 tỷ đồng của ông nộp để mua cổ phần phát hành thêm (nhằm duy trì tỷ lệ nắm giữ 2%) nhưng không được. 
Đồng thời, ông cũng yêu cầu TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên hủy các quyết định của Đại hội đồng cổ đông TLCC từ năm 2007  - thời điểm ông Tô hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền mua cổ phần với GELEXIMCO - đến năm 2014, mà theo ông Tô là trái với pháp luật, vi phạm nghiêm trọng trình tự và thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ); trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định của ĐHĐCĐ, gồm 12 biên bản họp ĐHĐCĐ, các quyết định và nghị quyết của đại hội. 
Bên cạnh đó, ông Tô yêu cầu TLCC phải phát hành cổ phiếu và tăng vốn điều lệ theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Điều lệ TLCC và Luật Doanh nghiệp. Theo ông Tô, TLCC đã sử dụng những bản nghị quyết ĐHĐCĐ có nội dung giả mạo, không trung thực khi điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh, tăng vốn nhiều lần, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông như ông.
Phạm luật, chỉ cần rút kinh nghiệm
Đại diện TLCC và GELEXIMCO cho rằng, ông Tô chỉ trở thành cổ đông của TLCC kể từ năm 2011, không tính thời điểm trước đó do GELEXIMCO không hoàn tất thủ tục đăng ký tên ông Tô vào sổ đăng ký cổ đông của TLCC. Từ năm 2011 đến nay, TLCC đều gửi giấy mời họp tới ông Tô, nhưng thừa nhận do công tác lưu trữ không tốt nên không chứng minh được đã gửi thư mời và tài liệu tới ông. 
TLCC cũng thừa nhận có sai sót trong Biên bản họp ĐHĐCĐ ngày 5/12/2012, ghi ông Tô có tham dự họp và biểu quyết thông qua các nghị quyết tại ĐHĐCĐ là không đúng. TLCC cho rằng, ông Tô là một cổ đông nhỏ, không tham dự họp do không nhận được giấy mời không phải là vi phạm nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến quyền lợi, nay ông muốn mua thêm cổ phần sẽ đáp ứng. 
Việc chậm làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu cổ phần tại TLCC cho ông Tô là do các DN lúc đó đang trong quá trình xây dựng và ổn định cơ cấu tổ chức, dẫn đến việc chậm trễ đối với tất cả các cổ đông, trong đó có ông Tô. 
Trong phiên họp giải quyết vụ việc này tại TAND tỉnh Quảng Ninh, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận quá trình tổ chức ĐHĐCĐ của TLCC còn có những sai sót nhưng tỷ lệ biểu quyết tại các kỳ họp ĐHĐCĐ đạt tỷ lệ rất cao; thêm nữa, hiện công ty đang hoạt động ổn định nên việc hủy bỏ các quyết định của các kỳ ĐHĐCĐ theo đề nghị của ông Tô là không cần thiết. 
Mới đây, TAND  tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 02/2014/QĐ-KDTM giải quyết vụ việc tranh chấp, đòi quyền lợi giữa cổ đông Nguyễn Thành Tô và TLCC, ghi nhận “TLCC đã không thực hiện đúng các quy định của Luật DN và Điều lệ TLCC” trong trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ; về trình tự, thủ tục ra quyết định cũng có những thiếu sót nhất định, nhiều lần ông Tô không dự họp vẫn ghi ông Tô có mặt và tham gia biểu quyết. 
TLCC đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của ông Tô, đó là quyền được tham dự và phát biểu tại ĐHĐCĐ; đặc biệt là quyền được ưu tiên mua cổ phần phát thành thêm khi tăng vốn điều lệ, tương đương với tỷ lệ góp vốn của ông trước đó. Tuy nhiên, việc yêu cầu hủy bỏ các quyết định của ĐHĐCĐ của ông Tô là không cần thiết. Do vậy, không chấp nhận yêu cầu này của ông Tô, dù việc này là vi phạm Luật DN và Điều lệ TLCC.
“Phán quyết” này của Tòa khiến cổ đông nhỏ như ông Tô bất bình, bởi cả Viện và Tòa cùng kết luận TLCC đã vi phạm Điều lệ TLCC và Luật DN - có nghĩa là phạm luật, nhưng vẫn bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tô với lý do “việc hủy bỏ các quyết định của TLCC qua nhiều năm, tổ chức lại tất cả các đại hội cổ đông làm ảnh hưởng đến sự ổn định và hoạt động của doanh nghiệp là không cần thiết” là không thuyết phục. 
“Quyền và lợi ích hợp pháp của tôi bị TLCC xâm phạm nhưng chỉ yêu cầu doanh nghiệp “cần rút kinh nghiệm kịp thời” là một phán quyết rất thiếu sức thuyết phục”, ông Tô nói và quả quyết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc để không làm nản lòng những cổ đông nhỏ khác có hoàn cảnh tương tự.

Đọc thêm