Campenon (37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) là một bên liên doanh với Tập đoàn VINCI CONSTRUCTION GRANDS PTROJETS (Cộng hòa Pháp).
Bốn năm “hành” và… hứa
Theo tìm hiểu, năm 2006 Tổng Cty Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy khí điện đạm Cà Mau 1và 2. Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là nhà thầu chính của dự án và Campenon là nhà thầu gói thầu số 4 của dự án trên.
Ngày 15/8/2006, Cty TNHH Nhà thép PEB (viết tắt: PEB) có trụ sở tại TP.Vũng Tàu và Campenon ký Hợp đồng số 2007/06 và ngày 6/1/2007 ký Phụ lục số 1 để PEB trở thành nhà thầu thứ cấp của Gói thầu số 4 Dự án Cà Mau, với các hạng mục công việc: Hoàn thành thiết kế kiến trúc và phối hợp kiểm tra tất cả các nguyên phụ kiện của bulông móng, cung cấp giám sát chuyên môn đối với việc lắp ghép các công trình sắt thép của dự án này. Giao dịch tạm tính trong bản thỏa thuận là 945.573 USD không phải là giá thanh toán một lần mà sẽ thay đổi căn cứ vào khối lượng vật liệu xây dựng phát sinh khi thực hiện công việc.
Ngày 31/7/2008, PEB hoàn thành công việc của Gói thầu số 4 Dự án Cà Mau 1 và ngày 27/12/2008 hoàn thành công việc ở Dự án Cà Mau 2. Ngày 21/10/2008 và ngày 19/11/2008, Campenon gửi văn bản xác nhận cho PEB về khối lượng vật liệu xây dựng cuối cùng. Theo đó, Campenon tính toán tổng số tiền phải trả cho PEB là 1.472.124,50 USD (trong đó của Dự án Cà Mau 1 là 1.125.980 USD và Dự án Cà Mau 2 là 246.144,50 USD).
Theo bản thỏa thuận, 5% số tiền được giữ lại Campenon sẽ thanh toán cho PEB trong thời hạn 30 ngày khi nhà đầu tư nhận được giấy chứng nhận nghiệm thu tương ứng với chủ đầu tư. Số tiền bảo hành Campenon phải hoàn trả cho PEB là 73.606.23 USD.
Ngày 27/5/2008, Campenon yêu cầu PEB phải cung cấp 2 chứng từ bảo lãnh cho Dự án Cà Mau 1 và 2 thì mới thanh toán khoản tiền trên. Mặc dù yêu cầu của Campenon là “trái khoáy” so với bản thỏa thuận giữa 2 bên nhưng do thiện chí nên Cty PEB vẫn đáp ứng. Sau đó, Campenon hứa trong vòng 45 ngày sẽ thanh toán cho PEB.
Ngày 31/7/2008 và ngày 27/12/2008, Lilama ký giấy chứng nhận nghiệm thu Dự án Cà Mau 1 và 2 để Campenon có cơ sở thanh toán cho PEB nhưng phía Campenon không thanh toán như đã cam kết. Vì vậy, PEB đã khởi kiện yêu cầu Campenon thanh toán số tiền còn lại là 138.932,31 USD, lãi chậm thanh toán là 29.689,64 USD, cả khoản tiền bù trượt giá do thép tăng.
Trong quá trình làm việc giữa 2 bên, PEB cũng đã có văn bản đề nghị Campenon điều chỉnh lại đơn giá nhưng Campenon không đồng ý với lý do chưa được bù giá bởi nhà thầu chính Lilama. Nhưng theo PEB thì vào các năm 2009, 2010 và 2011, Camenon đã được nhà thầu chính thanh toán số tiền vượt trội tương ứng do biến động giá khoảng 8.000.000 USD.
Ngày 5/5/2010, PEB có văn bản yêu cầu Campenon thanh toán tiền trượt giá là 381.761 USD, ngày 21/05/2010 Campenon có văn bản từ chối thanh toán với lý do là chỉ có nhà thầu chính mới được hưởng phần bù đắp trượt giá từ chủ đầu tư, không dành cho nhà thầu phụ tham gia dự án.
Coi thường luật pháp Việt Nam?
Tại Bản án sơ thẩm số 33/11/2012 ngày 20/11/2012, TAND quận 1 TP.HCM tuyên Campenon phải thanh toán cho PEB 13.268.351.041 đồng. Sau khi Campenon có đơn kháng cáo, ngày 15/8/2013 TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm và ban hành Quyết định số 1022/2013/KDTM-PT tuyên: “Sửa Bản án sơ thẩm số 33 của TAND quận 1, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; không chấp nhận phản tố của bị đơn; buộc Campenon Sài Gòn thanh toán cho PEB tổng số tiền là 12.229. 973.833 đồng. Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn không trả số tiền trên thì hàng tháng bị đơn phải trả tiền lãi cho nguyên đơn theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chưa thi hành án”.
Thế nhưng, đã hơn một năm qua, Campenon không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật mà chây ỳ trách nhiệm trả nợ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và đời sống của người lao động ở PEB…
Được biết, ngày 13/11/2013, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1 đã ra quyết định thi hành bản án phúc thẩm nói trên nhưng tổng số tiền thu được từ Campenon chỉ là… 129.095.039 đồng.
Sự chây ỳ của Campenon không chỉ làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nội mà còn thể hiện rõ sự “đùa giỡn” đối với luật pháp Việt Nam của một nhà đầu tư nước ngoài ngay trên chính mảnh đất mà họ đang đầu tư kinh doanh là điều không thể chấp nhận được.