“Tiêu cực hóa vấn đề”, “thiếu trách nhiệm”, “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty”… là những cụm từ đầy bức xúc mà Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định (Công ty) đã dồn vào trong lá thư gửi lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để “tố” PMU2 sau khi cán bộ Ban này có một số cuộc kiểm tra chớp nhoáng tại Dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định, Phú Yên vào cuối tháng 4/2014.
Bảy ngày “nện” 3 văn bản
Theo tường trình, trong quá trình triển khai Gói thầu số 8 thuộc dự án nêu trên, PMU2 với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT đã thường xuyên lui tới kiểm tra, giám sát. Quan hệ giữa hai bên trước đó vẫn diễn ra bình thường và không có gì mắc mớ. Nhưng cách đây hơn một tuần, sau khi Trưởng phòng Triển khai dự án 9 (PMU2) Bùi Nhật Hiển có chuyến kiểm tra chớp nhoáng trên công trường trở về thì Công ty liên tiếp bị PMU2 “nã” tới tấp ba văn bản phê bình, cảnh cáo chỉ trong vòng một tuần lễ.
Nặng nhất là công văn ngày 2/5/2014, trong đó PMU2 tuyên bố cảnh cáo Công ty vì cho rằng nhà đầu tư này không chịu chỉ đạo các nhà thầu thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật cũng như công tác chuẩn bị thảm bê tông mặt đường mà Ban đã đề cập trong hai văn bản trước đó…
“Nhà thầu vẫn sử dụng máy san để thi công lớp cấp phối đá dăm không đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn của ngành… dẫn đến hiện tượng cấp phối bị phân tầng, không đảm bảo độ chặt, một số vị trí bị sình lầy… PMU2 đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng không chuyển biến.” - Phó Tổng Giám đốc PMU2 Lê Minh Nam vạch rõ sai phạm của nhà đầu tư.
Bất ngờ vì kết luận trên, Công ty đáp trả những “cáo buộc” này bằng những lời lẽ hết sức mạnh bạo: “Một số nhận xét, đánh giá và yêu cầu chưa thỏa đáng của PMU2, Công ty chúng tôi đề nghị PMU2 cần xem xét trước khi phát hành, đặc biệt các ý kiến mang tính chủ quan áp đặt của một số cá nhân… làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty”.
Đã khắc phục nghiêm chỉnh, vẫn bị phê
Trả lời PLVN về việc này, ông Nguyễn Vũ Nam, Tư vấn trưởng quản lý dự án BOT cho hay, ngay sau khi PMU2 có văn bản đầu tiên (25/4/2014), bốn ngày sau, Tổng Giám đốc Công ty đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra gói thầu mà PMU 2 đã lưu ý, đồng thời ra Thông báo số 27/TB-BOT yêu cầu các đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn giao thông và sửa chữa ngay nhưng đoạn thi công cấp phối đá dăm chưa đạt, điều chỉnh công tác ủ và phối trộn vật liệu để tránh hiện tượng phân tầng đúng như khuyến cáo của Bộ GTVT.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phê bình Tư vấn giám sát và khẩn trương chuẩn bị cho công đoạn thảm bê tông nhựa như chỉ lệnh của PMU2… nhưng trên thực tế PMU2 không chịu ghi nhận sự cầu thị, khắc phục của nhà đầu tư mà sau đó bất ngờ ra văn bản cảnh cáo.
Vấn đề ở đây là các văn bản cảnh cáo này không chỉ là chuyện nói qua nói lại đơn thuần mà có ý nghĩa, giá trị pháp lý. Theo quy định quản lý hiện hành, văn bản này giống như tấm thẻ vàng trên sân cỏ và nó thực sự tối kỵ đối với bất kỳ nhà thầu nào, bởi nếu bị cảnh cáo nhiều lần đồng nghĩa với việc “anh” phải nhận thẻ đỏ - bị thay hoặc thu hồi dự án.
Làm tốt lại bị cảnh cáo?
Điều đáng nói là người bị cảnh cáo đã cho rằng: “Các văn bản mà PMU2 phát hành từ 25/4 - 2/5/2014, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định nhận thấy có một số nội dung khiển trách về chất lượng đã bị “tiêu cực hóa” và khuếch đại lên quá mức”.
Cụ thể, trong công văn cảnh cáo ký ngày 2/5/2014, Phó Tổng Giám đốc PMU2 Lê Minh Nam bắt lỗi hạng mục ở lý trình Km1264, nhà thầu đắp đất không đúng chỉ dẫn kỹ thuật (quá dày)… Thế nhưng, nhà đầu tư dự án này thì cho rằng một số nội dung PMU2 bắt bẻ là vô lý và không hiểu để nhằm mục đích gì? “Thông thường, kỹ sư tư vấn hoặc chủ đầu tư chỉ thắc mắc nếu phát hiện việc đắp bị thiếu, còn việc các nhà thầu làm quá hoặc tốt hơn so với thiết kế thường phải được hoan nghênh.” - Tư vấn trưởng quản lý dự án Nguyễn Vũ Nam cật vấn Bộ GTVT.
Theo quy định, trong quá trình kiểm tra hiện trường, nếu phát hiện nhà thầu thi công có sai phạm, PMU2 có quyền nhắc nhở và phải lập biên bản ngay tại hiện trường để các bên liên quan cùng ký xác nhận nếu thực sự có vi phạm. Tuy nhiên, theo ông Nam: “Khi kiểm tra, đại diện PMU2 không có bất kỳ ý kiến gì trong suốt quá trình kiểm tra. Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Ban điều hành dự án có hỏi “có điều gì cần nhắc nhở để nhà thầu rút kinh nghiệm không?” thì ông Bùi Nhật Hiển, Trưởng phòng Dự án 9 đều trả lời không có vấn đề gì và không lập một biên bản kiểm tra hiện trường nào”. Thế nhưng, sau khi rời khỏi hiện trường, ông Hiển đã tham mưu cho PMU2 ra văn bản “nện” nhà đầu tư?
Bức xúc chồng bức xúc, trong văn bản phản hồi gửi PMU2 và Bộ GTVT mới đây, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định cũng “tố” Ban này không quan tâm và thiếu trách nhiệm trong phối hợp cùng nhà đầu tư triển khai công tác giải phóng mặt bằng nên dự án bị ảnh hưởng tiến độ…?
Chuyện này có lẽ là “giọt nước tràn ly” và thực sự là điều bất đắc dĩ đối với một nhà đầu tư. Vì xưa nay hiếm có khi nào nhà đầu tư hay nhà thầu dám đứng lên “tuyên chiến” với chủ đầu tư hay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định các dự án, bởi “quyền sinh, quyền sát” đối với doanh nghiệp luôn nằm trong tay họ.
Theo nguồn tin của PLVN, trong một vài ngày tới, Bộ GTVT sẽ đứng ra làm trọng tài phân xử. Dù chưa biết bên nào thắng, bên nào thua nhưng câu chuyện nói trên chắc chắn sẽ làm thay đổi hình ảnh của các nhà thầu, nhà đầu tư trong mắt của những cơ quan vốn có quyền quản lý, ban phát.