Festival đờn ca tài tử Bạc Liêu: Tỉnh nghèo chơi sang

(PLO) - Dư âm của Festival đờn ca tài tử Bạc Liêu đã qua, nhưng hậu quả của sự “vung tay quá trán” của Ban tổ chức khi chi bạc tỉ cho những công trình nặng tính hình thức sẽ còn dài. Xót tiền đến mức Thủ tướng cũng phải thốt lên “đồng bào có chấp nhận không trong điều kiện khó khăn quá thế này!”.
Ảnh minh họa của Khánh Tùng
Ảnh minh họa của Khánh Tùng
Đâu mới là điều dân đang bức xúc?
Tại buổi làm việc với Thủ tướng hôm 25/4/2014, Báo cáo số 239-BC/TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu được gửi đến các Bộ, ngành Trung ương và báo đài, đại diện Tỉnh ủy Bạc Liêu khẳng định con đường phát triển của tỉnh này là “đi lên từ văn hóa”, nghĩa là dùng văn hóa để đẩy kinh tế phát triển. 
Cũng theo Báo cáo này, những công trình ngàn tỉ đồng được xây dựng nhằm phục vụ một cách cấp bách cho Festival Đờn ca tài tử thuộc diện “các công trình phục vụ nhu cầu bức xúc của nhân dân”.
Tuy nhiên, nhìn lại hình ảnh và chi phí, thì đây là các công trình gây ra bức xúc, chứ không phải phục vụ nhu cầu bức xúc của nhân dân như lời ông Bí thư Tỉnh ủy. Ba nón lá “đốt” hết hơn 200 tỉ đồng, nhưng không mấy khi dùng tới; còn nhiều công trình trị giá hàng chục tỉ đồng chỉ để “ngắm nhìn một đêm”. 
Người dân chỉ biết tặc lưỡi xót xa cho đồng tiền góp trong ngần ấy năm trời. Cũng may, Ban tổ chức chỉ xây một cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng, chứ nếu làm đủ bộ Ban nhạc của Đờn ca tài tử (bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu) thì chắc tỉnh phải…đi vay! 
Chính Bí thư Bạc Liêu đã thừa nhận Tỉnh này còn quá nhiều khó khăn. Khi bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, bệnh nhi hai, ba cháu nằm chung giường thì tỉnh này lại đổ hàng trăm tỉ đồng xây công trình nhà hát chỉ biết “cho chuột ở”; hoặc giả, nếu không xây Nhà hát ba nón lá thì sẽ có 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc được tiếp cận với ánh sáng điện. Đó là chưa kể những khó khăn về đường sá, hạ tầng… vốn là huyết mạch cho dân phát triển kinh tế vẫn chưa được đáp ứng.
Không hiểu dân thì thôi làm lãnh đạo 
Mới đây, dư luận cũng “nổi lửa” trước kế hoạch Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAD. Giới “chuộng Văn hóa” thì ủng hộ, cho rằng đây là dịp Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình đến bạn bè thế giới. Nhưng nhiều người quan điểm hiện thực cho rằng với sức lực và sự chuẩn bị “chụp giựt” hiện nay, ASIAD sẽ để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế, mà trên hết dân là người lãnh đủ. Hiểu được đâu là nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định không tổ chức ASIAD. 
Nhiều ý kiến phản hồi tích cực: “Cả nước hoan nghênh quyết định đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ. Đất nước còn nhiều việc phải lo. Biết nghe tiếng dân, lòng dân thì đó là cái quý giá để người dân tin vào người đứng đầu Chính phủ. Khi dân tin thì khó vạn lần đất nước cũng sẽ vượt qua”.
Từ câu chuyện ASIAD Việt Nam phải thừa nhận rằng làm lãnh đạo thì phải hiểu lòng dân, thậm chí chấp nhận hy sinh để dân được vẹn tròn mong ước. Chứ không phải tựa vào hai chữ “văn hóa”, hay tự cho rằng “dân cảm thông, dân chia sẻ” để rồi đốt tiền bạc tỉ theo giai thoại “Công Tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng”.  
Ảnh minh họa của Khánh Tùng
 Ảnh minh họa của Khánh Tùng
Dân nghèo thì luật chi cũng phải ngặt nghèo
Trao đổi với báo chí hồi đầu năm 2013, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng về kinh tế chúng ta đang đứng trước chí ít là ba mâu thuẫn lớn. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Chúng ta đang ra sức kiềm chế mức lạm phát, tuy nhiên hệ quả đi kèm là tổng cầu và tốc độ tăng trưởng thuyên giảm. Thứ hai là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển các khu vực tiềm năng để làm động lực kéo toàn bộ nền kinh tế lên và nhu cầu phát triển các vùng còn lại. Nếu đầu tư nhiều vào các khu vực kinh tế phát triển thì khó có khả năng đầu tư ở các khu vực khác, dẫn đến mất cân đối vùng miền. Thứ ba là mâu thuẫn giữa đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập quốc tế với khả năng cạnh tranh và kích thích thị trường nội địa.
Trước những khó khăn như vậy, nguyên Phó Thủ tướng cho biết chúng ta buộc phải chọn lựa trình tự ưu tiên đi đôi với những biện pháp giảm thiểu mâu thuẫn. Trước mắt nguồn thu sẽ giảm, nhưng nhu cầu chi rất lớn. Trong tình huống như vậy thì dù sao đi nữa giảm chi vẫn dễ hơn là tăng thu. Tiếc rằng vẫn còn nhiều biểu hiện tiêu xài phung phí cả trên những dự án lớn chứ không chỉ những chuyện hội hè, đi lại, mua sắm... Tuy nói nhiều về tiết kiệm song trên thực tế xem ra còn xài quá khả năng làm ra. Câu chuyện “Đờn ca tài tử đốt nghìn tỉ đồng” là một minh chứng sống động và xót xa cho nhận định đó. 
Thế nên, cũng theo ông Vũ Khoan, hơn bao giờ hết cần có cơ chế ngặt nghèo, thậm chí trừng phạt cho các hành vi lãng phí. Thậm chí, Quốc hội cần gia tăng việc giảm sát, xử lí các vấn đề liên quan tới chi ngân sách, chính sách và việc phân bố nguồn lực cho các lĩnh vực.
Không có việc chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 Lê Thị Ái Nam tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 7/5 trước việc một số báo đăng thông tin về chi phí tốn kém cho việc tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất của tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 25/4, báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng về những khó khăn của tỉnh hiện nay đã làm “dậy sóng” dư luận khi so sánh với số tiền hơn 2.000 tỷ mà tỉnh đã chi cho Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.
Theo bà Lê Thị Ái Nam, kinh phí chi cho các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử quốc gia chỉ có hai công trình trực tiếp phục vụ hoạt động Festival và cũng phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh, đó là: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tổ chức khánh thành, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng (trong đó chi giải phóng mặt bằng gần 10 tỷ đồng); Trung tâm Triển lãm văn hóa – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng, đã triển khai các gói thầu xây lắp trị giá gần 90 tỷ đồng. Những chi phí còn lại là phục vụ cho chương trình kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh.

Đọc thêm