Doanh nghiệp bội tín, chính chuyền thờ ơ?

(PLO) - Trong quá trình thi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây do Công ty POSCO.E&C đảm nhiệm đã gây lún nứt nhà dân hai bên đường nhưng nhà thầu này thản nhiên phớt lờ…
Tường nhà bà Hồ Thị Hai nứt chân đều khắp
Tường nhà bà Hồ Thị Hai nứt chân đều khắp
Nhà lún nứt, nhà thầu chối trách nhiệm
Năm 2013, khi POSCO thi công quốc lộ 51B, cầu vượt và đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây thì đồng loạt hàng trăm căn nhà hai bên đường ở khu vực Cầu Xéo (thị trấn Long Thành, Đồng Nai) xuất hiện lún nền, nứt tường. Người dân thông báo đến chính quyền địa phương và đơn vị chịu trách nhiệm chính là Cty POSCO.E&C. 
Sau đó, POSCO.E&C thuê Cty CP Giám định Năng lượng Việt Nam (EIC) cùng đại diện UBND thị trấn (TT). Long Thành, các hộ dân bị ảnh hưởng khảo sát và lập biên bản giám định hiện trường để có căn cứ khắc phục và chi phí sửa chữa, bồi thường. Biên bản giám định lập ngày 16/07/2013 phân tích nguyên nhân gây lún sụt, xác định phạm vi bị ảnh hưởng và lập dự toán sửa chữa.
Tuy nhiên, sau khi giám định POSCO.E&C không công bố kết quả mà chỉ hỗ trợ 2 – 5 triệu đồng cho một số hộ dân bị thiệt hại. Theo “Danh sách các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh  – Long Thành – Dầu Giây” do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai lập ngày 02/12/2013, có 117 hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng POSSCO.E&C chỉ đồng ý hỗ trợ cho vài chục hộ. 
Một số hộ dân với tâm lý “vớt vát” đã nhận tiền, số đông còn lại không đồng tình. Những người dân không đồng tình đến nay vẫn sống trong lo âu, không biết nhà sập lúc nào, như nhà của bà Hồ Thị Hai, là mẹ liệt sĩ  tường bị nứt, nền bị sụt lún, cửa chính đóng – mở khó khăn. Những người dân đã nhận hỗ trợ với mức bèo bọt của POSCO.E&C cảm thấy bức xúc sau khi tiếp cận được nội dung kết quả kiểm định của EIC, theo đó, mức bồi thường đưa ra cao hơn rất nhiều lần so với mức POSCO.E&C đã hỗ trợ họ.
Chính quyền bảo dân ra tòa
Sau những lần khiếu nại quyết liệt, ngày 18/04/2014 UBND TT  Long Thành tổ chức đối thoại giữa POSCO.E&C và 7 hộ dân trong số các hộ dân gửi đơn yêu cầu, có sự tham dự của Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (EPMU HLD) và lãnh đạo UBND huyện Long Thành. Tại đây, đại diện POSCO.E&C và EPMU HLD không công nhận sự tồn tại của các hồ sơ liên quan đến bản dự toán của EIC, thậm chí còn đề nghị xem xét trách nhiệm của cá nhân hoặc tổ chức phát tán tài liệu trên. 
Đại diện UBND huyện Long Thành đề nghị POSCO E&C và EPMU HLD xem lại quyển dự toán từ đâu mà có, ai thuê thực hiện, cần làm rõ cho các hộ dân hiểu; còn theo UBND TT.Long Thành thì “các hộ dân có quyền khởi kiện nếu không đồng tình với POSCO.E&C”.
Luật sư Đào Kim Lân, Cty Luật TNHH An Thuận Phát (TP.Hồ Chí Minh) phân tích về vai trò của UBND TT. Long Thành: “Tại sao chỉ mời 7 hộ dân trong số hàng trăm hộ có đơn yêu cầu xem xét? Đặc biệt, thành phần tham dự lại không có mặt Cty EIC, trong khi đơn vị này là một trong các đơn vị liên quan trực tiếp đến bản dự toán (cùng với UBND TT. Long Thành và POSCO.E&C). Liệu có vấn đề gian dối trong các bản dự toán hay có ai đó muốn ém nhẹm các chứng cứ pháp lý làm cơ sở cho việc bồi thường?”.
Luật sư Lân phân tích thêm, khởi kiện là một biện pháp cuối cùng vì với hàng trăm vụ kiện dân sự, chắc chắn sẽ phát sinh tốn kém về chi phí cũng như thời gian cho Nhà nước và người dân, trong khi cơ sở để giải quyết vẫn là kết quả giám định thiệt hại. Trường hợp này chỉ cần yêu cầu một đơn vị giám định khác (hoặc xác định lại kết quả giám định của EIC), từ đó tổ chức cho các bên ngồi lại thương lượng để giải quyết.
Mấu chốt là tính hợp pháp của các bản dự toán do EIC lập, UBND huyện Long Thành đã có chỉ đạo làm rõ nhưng đến nay các bên hữu trách vẫn phớt lờ, bỏ mặc người dân bị ảnh hưởng sống trong lo lắng, bức xúc.

Đọc thêm