Bất cập từ chính sách
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Sơn (Giám đốc Ban quản lý các Dự án than Đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) khẳng định, tài nguyên khoáng sản là quà tặng duy nhất một lần của thiên nhiên, không tái tạo và ngày càng khan hiếm. Vì vậy, việc “phân chia quà tặng” phải minh bạch, và việc khai thác (ăn) lãng phí hay khai thác độc quyền (ăn một mình) là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên trên thực tế, việc “phân chia quà tặng” này đang tồn tại nhiều bất cập, nhiều “lỗ hổng” chính sách trong quản lý nguồn thu từ khai thác tài nguyên.
Cùng quan điểm với TS Sơn, PGS.TS Lê Xuân Trường (Trưởng khoa Tại chức, Học viện Tài chính) cho rằng, ngoài nguyên nhân từ quản lý, số thu thuế tài nguyên từ dầu thô còn thấp do thuế suất nhìn chung còn thấp; căn cứ tính thuế tài nguyên còn những điểm chưa rõ ràng, bất cập và mâu thuẫn thể hiện ở giá tính thuế tài nguyên trong những trường hợp cụ thể với giá tính thuế tài nguyên khi quyết toán thuế.
Về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản còn khá thấp, cụ thể như dầu thô 100.000 đồng (đ)/tấn; khí thiên nhiên, khí than: 50đ/m3; khí đồng hành: 35đ/m3; khoáng sản kim loại từ 20.000đ đến 270.000đ/tấn; khoáng sản phi kim loại có thể tính theo tấn hoặc mét khối với mức từ 500 đồng đến 30.000 đồng…
Trong số đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường có mặt hàng than đá với mức từ 10.000 – 50.000đ/tấn. Trong đó, mức hiện hành than antraxit 20.000đ/tấn; các loại than còn lại10.000đ/tấn. Tất cả mức thu hiện hành này còn thấp, chưa tính đủ chi phí xã hội vào giá thành sản phẩm. Mặt khác, một số sản phẩm khác liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên thỏa mãn các tiêu chí đánh thuế bảo vệ môi trường nhưng hiện chưa nằm trong danh mục đánh thuế.
PGS.TS Trường còn viện dẫn về giá tính thuế quy định trong Thông tư 105/2010 (Thông tư 105) và Nghị định 50/2010 (Nghị định 50) còn nhiều mâu thuẫn. Thông tư 105 cho rằng giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị tài nguyên chưa thuế GTGT nhưng không thấp hơn giá do UBND tỉnh quy định. Nghị định 50 lại quy định, trong trường hợp xác định được giá bán thì giá tính thuế là giá bán chưa thuế GTGT…
Thạc sĩ Trần Thanh Thủy (Trưởng phòng Chính sách Trung tâm Con người và Thiên nhiên kiêm Điều phối viên Liên minh Khoáng sản) cũng cho rằng: “Thu ngân sách chưa tương xứng với tổn thất môi trường”. Bà Thủy viện dẫn số liệu từ báo cáo của Cục Thuế tỉnh Lào Cai cho thấy, phân chia nguồn thu một cách rất thiếu công bằng.
Có thể áp dụng “tô mỏ”?
Theo TS Sơn, cần tăng cường hơn nữa quản lý đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải cách hành chính thuế; tăng cường chống trốn thuế và các hành vi vi phạm pháp luật thuế; tích cực áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế.
TS Sơn cho rằng, thuế tài nguyên cần được áp dụng như “tô mỏ”. Theo đó, chính sách của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản cần hoàn thiện, sửa đổi để phù hợp với “sở hữu toàn dân”. TS Sơn cho biết, trên thế giới, việc áp dụng “tô mỏ” (Mine Royalty) có lịch sử hơn 300 năm. Ở Việt Nam, từ năm Minh Mệnh thứ 21 (tức năm Đinh Dậu 1840), “tô mỏ” đã được áp dụng trong khai thác than ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, “tô mỏ” ở nước ta trên thực tế cho đến nay vẫn chưa được áp dụng.
Theo TS Sơn, “tô mỏ” như một dạng “thuế” nhưng không phải “thuế” và phân chia ở 3 cấp: tuyệt đối, tương đối I, tương đối II. “Tô mỏ” tuyệt đối là phần lợi nhuận mà người khai thác mỏ có được nhờ tài nguyên khoáng sản đã có sẵn trong lòng đất, không phụ thuộc vào chất lượng của mỏ. “Tô mỏ” tương đối (vi phân) I được hình thành khi khai thác các mỏ có điều kiện tốt hơn các mỏ trung bình (phụ thuộc vào chất lượng của khoáng sản).
“Tô mỏ” tương đối II hình thành khi DN khai thác đầu tư hoàn thiện công nghệ, nâng cao hiệu quả, phụ thuộc vào chủ đầu tư. TS Sơn cho rằng, để không thất thoát thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, cần thiết phải nghiên cứu các hình thức “tô mỏ” để áp dụng trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, nhằm đảm bảo công bằng quyền lợi các chủ mỏ và tăng thu ngân sách nhà nước.
Cần “vá các lỗ hổng”
Thất thu thuế tài nguyên ở một số địa phương chủ yếu do khai thác lậu. Vai trò của chính quyền địa phương trong chống thất thu từ tài nguyên còn hạn chế. Nợ thuế ở một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản còn dây dưa, kéo dài. PGS.TS Trường đưa ra một số khuyến nghị chính sách và tổ chức đồng bộ hóa chính sách quản lý tài nguyên, trong đó có chính sách thuế, phí; điều chỉnh mức thu thuế, phí cho phù hợp; sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế, ưu đãi thuế; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên; đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và thủ trưởng cơ quan thuế các cấp.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Ban quản lý các Dự án than Đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam