Làm gì để “trám” lỗ hổng văn hóa doanh nghiệp?

(PLO) - “Văn hóa doanh nghiệp (DN) không phải là chiếc áo màu mè loè loẹt để tô điểm cho DN thêm sang. Nó cũng không phải dùng để quảng cáo nhất thời cho DN. Thời gian qua, không ít DN, trên tinh thần cầu thị, đã xây dựng văn hóa DN nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở bề nổi, ở phong trào, nghi lễ…” đó là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tại hội thảo “Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững”. 
Cho nhân viên mặc bikini bán hàng phản cảm của một doanh nghiệp
Cho nhân viên mặc bikini bán hàng phản cảm của một doanh nghiệp

Các hành vi phản văn hóa để đánh bóng tên tuổi

Khái niệm “văn hóa DN” khởi nguồn từ nước Mỹ, sau đó được Nhật Bản tiếp thu, xây dựng và phát triển. Dù ở đâu, như thế nào, văn hóa DN phải bám sâu vào nền văn hóa dân tộc, văn hóa bản địa mới đứng vững và phát huy được.

Văn hóa doanh nhân là văn hoá của một số người hay tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế. Nó là văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh; là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong hành vi của mỗi thành viên của DN. Nói một cách đơn giản, văn hóa DN là toàn bộ cách ứng xử phổ biến trong DN với khách hàng và với nhau. 

Văn hóa DN quyết định sự trường tồn của DN, giúp DN có tuổi thọ có thể vượt xa, rất xa cuộc đời của những người sáng lập và góp phần thúc đẩy DN đi lên. Đó là một tài sản hết sức quý báu của DN, cho DN. Việc xây dựng và phát triển văn hóa tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động văn hóa.

Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế còn nặng về tìm lợi ích kinh tế, coi nhẹ nhân tố văn hóa, nhân tố con người và môi trường. Nhiều DN xuất hiện những việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cũng đã chỉ ra vấn đề hiện nay đã và đang lộ diện không ít DN, doanh nhân xem nhẹ chữ tín, xem nhẹ yếu tố bền vững, vi phạm đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Đơn cử như việc Công ty Hưng Nghiệp Forrmosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển miền Trung; là thực phẩm bẩn tràn lan; là kiểu kinh doanh lừa đảo, chụp giật; là thói trọc phú của một số chủ DN...

PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam nhận định, nhiều DN tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vàng bạc; lợi dụng sơ hở trong cơ chế chính sách của Nhà nước để “lách luật” kiếm chác hay lợi dụng các quan hệ cá nhân để “nhờ vả”, “chạy chọt”.

Nhiều DN cạnh tranh bằng đủ thứ “mánh mung”, sử dụng thủ đoạn tàn tệ để triệt hạ lẫn nhau. Khi có đồng ra đồng vào, không ít thương nhân, “đại gia” vung tiền mua giải thưởng, làm mọi hành vi phi văn hóa để đánh bóng tên tuổi..., rồi sắm xe sang trọng, cặp với “chân dài”...

Khái niệm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm DN, đạo đức doanh nhân chưa được quan tâm thấu đáo. Trong khi đó, những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa trong kinh doanh chưa bị xử lý nghiêm khắc, chưa bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.

Trên thị trường, tình trạng cạnh tranh khốc liệt “cá lớn nuốt cá bé”, sản xuất kinh doanh chụp giật, gian lận thương mại, trốn thuế, sản xuất, lưu thông, tàng trữ hàng giả, hàng không nguồn gốc xuất xứ, vi phạm bản quyền sản phẩm sở hữu trí tuệ… quá phổ biến.

Thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại chứa hóa chất ngày càng tràn lan trên thị trường, theo thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày người dân Việt Nam tiêu thụ hàng trăm tấn hoa quả có nguy cơ độc hại từ Trung Quốc.

Phát huy “chất” văn hóa của mỗi doanh nghiệp

Bên cạnh những “lỗ hổng” văn hóa của một số DN, PGS.TS. Từ Thị Loan quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trên thương trường đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nhân thành đạt với những phẩm chất tốt đẹp: khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và đất nước; kết hợp những giá trị văn hóa phương Đông với khoa học kỹ thuật phương Tây; có kiến thức chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến; có trí tuệ, thông minh, chịu khó học hỏi; có bản lĩnh văn hóa vững vàng; trọng tình nghĩa, giữ chữ tín; có ý thức công dân và trách nhiệm xã hội…

Có thể kể tới: Vinamilk, Vingroup, Viettel, May 10, Traphaco, Trung Nguyên, FPT, Vietsoftware…  Một số doanh nhân lãnh đạo DN phát triển xuất sắc, có ảnh hưởng lớn tới xã hội như Mai Kiều Liên, Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Đặng Lê Nguyên Vũ, Trương Gia Bình, Lê Phước Vũ, Phạm Thị Việt Nga…

Hầu hết các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước, các DN đều mong muốn các doanh nhân và DN phải phát huy “chất” văn hóa, nhân tố văn hóa trong mọi hoạt động của cá nhân và DN. Điều đó xuất phát từ ý thức tự thân, lương tâm làm người, đạo đức kinh doanh, độ sâu văn hóa của mỗi doanh nhân. Trên cơ sở đó xây dựng văn hóa DN, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, bảo vệ môi trường, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, các phương tiện truyền thông đại chúng phải vừa là kênh tuyên truyền, cung cấp kinh nghiệm, cảm hứng xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa DN, vừa thực hiện vai trò phản ánh dư luận xã hội, giám sát các hoạt động của DN, hành vi, tư cách của doanh nhân. 

Đọc thêm