Năm nay, Tết Gà Ma O nhằm ngày 3/3 dương lịch, trong tiết trời còn đượm hơi xuân, đợt rét đậm vừa qua và ánh nắng ấm áp lại chan hòa khắp nơi khiến cho không khí tết nhất, cúng tế lại càng vui vẻ, tưng bừng.
Từ sáng sớm, mỗi gia đình trong thôn chuẩn bị một mâm cơm mang đến sân nhà trưởng thôn hoặc trưởng họ để làm Tết Thiếu nhi. Mỗi mâm cơm gồm các món đặc trưng như thịt gà, lạc rang, đỗ tương, trứng rán, rau cải luộc, bí đỏ luộc, khoai lang luộc, khoai sọ, khoai tây, xôi nếp và rượu trắng. Theo phong tục, chỉ đàn ông có vợ mới được tham gia phần lễ cúng, những nhà có người chết trong vòng 3 năm không được làm và tham dự ngày này. Sở dĩ phần nghi lễ được quy định khá nghiêm ngặt, linh thiêng vì Tết Gà Ma O là tết cầu sức khỏe cho trẻ nhỏ - mầm non tương lai của gia đình, dòng họ, bản làng nên nghi lễ phải được thực hiện thật uy nghi.
Thầy cúng và đại diện các gia đình làm lễ trước mâm thờ, cầu cho trẻ con trong thôn, bản luôn khỏe mạnh, xua tan bệnh tật, học hành tiến bộ. Trong khi thầy cúng làm lễ thần linh, thần rừng, lễ ông bà, tổ tiên, các em nhỏ kiên nhẫn ngồi phía sau hoặc chạy lăng xăng gần đó để chờ thụ lộc. Trên tay lũ trẻ thường cầm một chiếc giỏ đan bằng tre hoặc chiếc túi thổ cẩm đã chuẩn bị sẵn để đựng lộc.
Sau lễ cúng, người lớn sẽ phát lộc cho trẻ em, chúc cho con cháu mình có thể lực khỏe mạnh, có lòng dũng cảm và có trái tim tràn đầy tình yêu thương, bao dung như suối nguồn vô tận của núi rừng. Lộc chia cho lũ trẻ thường chỉ có mấy củ khoai sọ luộc, hoa quả hoặc mấy củ lạc - những món quà quê ngày thường lũ trẻ vẫn có sẵn để ăn; nhưng vì là lộc được phát từ mâm cỗ cúng trong Tết Gà Ma O nên mọi người rất quý, thường ăn bằng hết vì cho rằng nó sẽ tiếp thêm sức mạnh của thần linh cho lũ trẻ.
Sau nghi lễ cúng tế, đại diện các gia đình ngồi tại mâm cơm của mình và đi chúc rượu nhau. Mọi người cùng nhau ngồi ăn cơm, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái, kinh nghiệm lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn trong năm mới.