Người Sín Thầu dẫu hôm nay chưa hết khó khăn nhưng đã học được ở nhau nết ăn, nết ở… đùm bọc, yêu thương nhau, cùng với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) xây dựng quê hương, bản làng, bảo vệ đường biên, mốc giới.
Những đổi thay ở vùng đất nơi cột mốc số 0
Đồn Biên phòng (BP) A Pa Chải, BĐBP Điện Biên đứng chân trên địa bàn Sín Thầu, một xã vùng sâu biên giới đặc biệt khó khăn, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 2 tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung dài 35,5km. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Pa Chải đã đồng cam cộng khổ, giúp đồng bào Hà Nhì trong “cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Dọc tuyến biên giới đất liền suốt chiều dài đất nước chỉ có 2 cột mốc ngã ba biên giới. Một cột mốc ở Ngã ba Đông Dương tại cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum và cột mốc số 0 tại A Pa Chải. A Pa Chải là điểm cực Tây của Việt Nam, thuộc xã Sín Thầu. Nơi đây là ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Cột mốc số 0, hay cột mốc A Pa Chải được hoàn thành vào 27/6/2005. Toàn bộ cột mốc được xây dựng bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng. Mặt mốc hướng về nước nào được khắc quốc huy quốc gia đó cùng hàng chữ tên nước… Hành trình của mặt trời đi từ Đông sang Tây với quần đảo Trường Sa - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất Việt thì A Pa Chải là nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ.
Tại buổi nói chuyện trực tuyến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Đồn BP A Pa Chải ngày 13/12/2017, Trung tá Phạm Hồng Giang - Đồn trưởng Đồn BP A Pa Chải báo cáo với Chủ tịch nước: “Xã Sín Thầu là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, với tổng số 298 hộ, 1.340 nhân khẩu (đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm đến 95%). Số hộ nghèo trước đây chiếm hơn 80%, nay giảm xuống còn 37%. Đến nay, Sín Thầu đã có trên 230 hộ dân ở 6 bản đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm. Đặc biệt, gần 100 hộ ở 3 bản giáp biên giới là Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ và Tả Kô Ky đã ký kết và thực hiện tốt phong trào tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Những hiện tượng xâm canh, xâm cư, đốt phá rừng, di cư tự do đã được ngăn chặn có hiệu quả. Tạm biệt nỗi buồn xã “bốn không” (không điện, đường, trường, trạm) trước kia, Sín Thầu nay có thêm “bốn không” mới rất đáng tự hào: xã duy nhất trong huyện không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép”.
Trong những thành tích đó, có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều của Đồn BP. Chia sẻ với khó khăn của địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Pa Chải đã thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) để bám dân, bám bản, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn đồng bào trồng giống ngô lai cho năng suất cao, chuyển đổi nuôi cá truyền thống sang nuôi các loại cá trê, phi, chim trắng. Bà con đã trồng giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò, trồng khoai tây vụ đông trên diện tích cấy lúa một vụ, trồng chuối tiêu hồng, trồng cây keo và sa mu... Ở Sín Thầu, đất canh tác lúa nước ít, vì vậy, các chiến sĩ quân hàm xanh đã cùng đồng bào khai hoang được 45ha ruộng nước, nạo vét 17km kênh mương phục vụ tưới tiêu.
Bằng những việc làm cụ thể, các chiến sĩ BP đã giúp đồng bào dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống. Từ mô hình trong sản xuất, chăn nuôi giỏi đã thuyết phục nhân dân làm theo. Đến nay, toàn xã có 25 hộ làm kinh tế giỏi thu nhập cao. Điển hình là các gia đình: Cháng Vảng Sinh, Lý Xuyến Phù, Sừng Sùng Khai, Pờ Dần Sinh, Pờ Tùng Cấu... mỗi hộ có từ 2 đến 4 ao cá, trâu bò từ 30 đến hàng trăm con, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài việc giúp dân phát triển kinh tế, đơn vị còn chăm lo công tác an sinh xã hội, giúp địa phương làm 4 điểm trường mầm non, xây dựng 9 nhà Đại đoàn kết trị giá gần 500 triệu đồng.
Dòng họ Pờ nổi danh ở ngã ba biên giới
Ở xã Sín Thầu, không ai là không biết đến ông Pờ Dần Sinh - nguyên Chủ tịch, Bí thư xã Sín Thầu, nay là Bí thư Chi bộ bản Tả Kố Kừ. Ông Sinh là người đi học cái chữ sớm nhất, làm kinh tế giỏi nhất, am hiểu văn hóa Hà Nhì nhất và có công lớn nhất trong việc giúp người dân nơi đây cai nghiện thành công…Thật ra thì cả dòng họ Pờ nổi danh vùng ngã ba biên giới. Con cháu họ Pờ là những người đầu tiên mang lại những đổi thay cho vùng đất này.
Ông Pờ Pố Chừ (bố ông Sinh) là lớp đảng viên đầu tiên của vùng ngã ba biên giới. Ông Pờ Pố Chừ có gần 20 năm làm cán bộ xã Sín Thầu. Ông Chừ có 11 người con thì 7 người là đảng viên. Các con ông Chừ đều được học hết cấp III và được coi là những người có học vấn cao nhất dân tộc Hà Nhì trên đất Mường Nhé trước những năm 80 của thế kỷ trước. Do sự quyết liệt của người cha, dù phải đi bộ 10 ngày mới tới được nơi học, mỗi năm 2 lần đi về, các con ông Chừ đều kiên trì 10 năm ròng rã lên tỉnh học văn hóa. Nhờ việc học đó, người con cả Pờ Sì Tài từng làm Huyện ủy viên, Trưởng ban Công an xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu 18 năm. Năm 1973, Sín Thầu là xã đầu tiên có Ban Công an được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Mấy người con của ông Tài nay đều phương trưởng. Người con cả là Trung tá Pờ Chí Lìn - Chính trị viên phó Huyện đội Mường Nhé. Pờ Pờ San là Thượng úy Công an huyện, Pờ Trinh Phạ là Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu... Người con thứ hai là Pờ Gia Tự trước khi về hưu là Phó Chánh án TAND huyện Mường Tè. Người con thứ ba là Pờ A Sinh có con gái đang là Chủ tịch HĐND xã. Người con thứ tư là Pờ Mì Đu có 5 người con là sĩ quan lực lượng vũ trang. Người con thứ năm là Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Pờ Diệp Sàng. Ông Sinh là con thứ 6.
Năm 1994, ông Pờ Dần Sinh mang bán 4 con trâu đổi lấy 2 cái máy dập ngói bằng xi măng, tậu 4 con ngựa thồ về bản. Cả bản kéo nhau đến xem 2 cục sắt gỉ ông Sinh mang về. Sau mấy lần thất bại, ngói của ông Sinh sản xuất thành công, nhà đầu tiên lợp ngói này là gia đình ông.
Sau đó thì ông Sinh bán ngói khắp vùng Sín Thầu và các xã khác như: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé... Nhà nào cũng có nhà lợp ngói. Sau thành công này, nhà ông Sinh nuôi cả trang trại trâu, bò hàng trăm con; đào ao thả cá. Học kinh nghiệm nuôi cá từ ông Sinh, hiện toàn xã Sín Thầu có gần 10.000m2 ao thả cá, trâu bò nhà nào cũng có một vài con, thậm chí có hộ học ông nuôi cả bầy.
Nghệ nhân ưu tú giúp dân cai nghiện thuốc phiện
Trước năm 1990, nhà nào ở Sín Thầu cũng có nương thuốc phiện. Cả xã hơn 1.300 người thì đã có tới 120 người nghiện. Trước tình cảnh nương rẫy bỏ hoang, nhà nào cũng mất gà lợn, nghèo đói bủa vây khắp bản làng, Pờ Dần Sinh lấy cương vị người đứng đầu xã đăng ký với cán bộ Đồn BP A Pa Chải và lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh đưa toàn bộ người nghiện đi cai. Ban đầu ai cũng thấy lo cho ông, cai nghiện đâu phải dễ…
Trước chủ trương của tỉnh tách bản mới Tả Ló Sang, cách trung tâm UBND xã Sín Thầu đi bộ 2 ngày đường, Pờ Dần Sinh lập kế hoạch đưa toàn bộ gần 100 người nghiện có tuổi đời từ 45 trở xuống có sức đề kháng tốt hơn lên bản mới, vừa là tạo điều kiện để dân khai hoang, dựng nhà, làm lán, làm đường…, vừa để cai nghiện ma túy. Đồn Biên phòng hỗ trợ cán bộ quản lý quân số, cán bộ quân y và thuốc men. Số đối tượng mắc nghiện là người cao tuổi, sức yếu thì đưa về trung tâm xã tổ chức cai tập trung.
Để bà con nghe theo những lời mình nói, ông Pờ Dần Sinh đã vận động, thuyết phục mẹ vợ là bà Pờ Lồng Sừ (ở bản A Pa Chải)- người đã hút thuốc phiện 37 năm và người em vợ Sừng Khai thực hiện cai nghiện. Do sức khỏe yếu, tuổi đã cao nên bà Pờ Lồng Sừ phải cai đến 3 lần mới thành công. Sau 3 tháng kiên trì cai, dưới sự giám sát của lãnh đạo xã, những người có uy tín, hầu hết bà con ở Sín Thầu đã từ bỏ được thuốc phiện.
Ông Pờ Dần Sinh kể: “Ngày đấy, có mỗi xã tôi là làm được thôi nhá! Vì bọn này đưa đi bản xa, đi bộ 2 ngày đường, 2 năm liền ở đấy, lấy thuốc phiện ở đâu mà ăn? Những nơi khác cai cũng không được. Năm 1999 xã mình được UBND tỉnh (Lai Châu cũ) nay là Điện Biên tặng Bằng khen về mô hình cai nghiện tại cơ sở thành công. Từ đấy đến nay toàn bộ xã Sín Thầu không thêm người nghiện nào”.
Khi thấy bản sắc văn hóa của người Hà Nhì đang dần bị mai một, ông Pờ Dần Sinh đã bắt tay vào việc sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của người Hà Nhì, những phong tục tập quán tốt đẹp, những câu hát, điệu lý Hà Nhì cổ... Nghe nói bản nào có người am hiểu sâu sắc một nét văn hóa nào của người Hà Nhì là ông lặn lội tìm đến để nghe, rồi ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ nhỏ.
Vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, năm 2016, ông Sinh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian...