Trăm nhà ăn chung một bếp
Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng dường như con người, cảnh vật và những phong tục tập quán tốt đẹp của cư dân sinh sống dưới chân núi Nứa vẫn không hề thay đổi.
Ngày thường, người dân sống nương tựa đùm bọc lẫn nhau, đến các dịp lễ lớn như lễ vía Ông, lễ Trùng Cửu hay Tết Nguyên Đán, toàn bộ già trẻ, lớn bé tại đây lại quây quần thành một đại gia đình, cùng lo chuẩn bị cho ngày hội chung.
Điểm đặc biệt của người dân sống tại xã đảo Long Sơn là tất cả đều theo chung một đạo được hình thành từ thuở sơ khai lập ấp: Đạo Ông Trần. Ông Trần hay Ông Nhà Lớn, tên thật là Lê Văn Mưu (1855 – 1935) là người sáng lập xã đảo và khai sáng Đạo Ông Trần. Các bậc cao niên cho biết: Đạo Ông Trần chỉ là đạo làm người; dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu...và cứ thế mà truyền đời.
Cũng giống như phong tục đón Tết ở nhiều nơi khác trong cả nước, Tết của người theo đạo Ông Trần ở Long Sơn có các thủ tục chính như: tiễn Táo Quân về trời, tảo mộ, cúng bái tổ tiên, nhưng theo một “phong cách” rất riêng.
Xã đảo được biển bao bọc, cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, nuôi trồng hải sản và làm muối. Công việc hầu như quanh năm. Nhưng dù bận rộn cỡ nào hoặc dang dở chuyến hải trình xa đến đâu, họ đều sắp xếp dừng mọi hoạt động ngư nghiệp để trở về nhà Lớn đúng vào ngày 25 tháng Chạp làm lễ cúng ông Táo. Tết được tính bắt đầu từ ngày này kéo dài đến hết mùng 10 tháng Giêng.
Sáng sớm, mỗi gia đình đều lo làm lễ tiễn ông Táo lên trời tại gia trước, sau đó cả nhà kéo nhau đến bếp ăn chung của nhà Lớn để chuẩn bị cúng Táo quân chung của cả làng.
Với tinh thần hiếu khách, không khu nào bếp ăn ở nhà Lớn tắt lửa. Trong thời gian nửa tháng Tết, bất kể mưa hay nắng, ngày nào cũng có một nhóm người được cắt cử gọi là “Hầu phiên”, “Vô phiên”, chuyên chăm lo việc cúng cơm thường nhật và tiếp đón du khách đến tham quan.
Mỗi ngày có hai buổi cúng cơm chính vào đúng giờ Ngọ (11- 12h), và 18h đều được người dân tự cắt cử, thay phiên nhau thực hiện đều đặn. Thức ăn dâng lên thường là sản vật tự có của địa phương, giản dị, đơn sơ, đôi khi chỉ là bó rau của nhà hay con cá, con tôm được dân đảo đánh bắt từ biển lên.
Đồ ăn thức uống sau khi cúng Ông xong sẽ được hạ xuống mời tất cả quan khách cùng thụ lộc. Chính vì đóng vai trò quan trọng, chuyên lo việc giữ hồn, giữ lửa của nhà Lớn nên lễ cúng tiễn ông Táo diễn ra rất long trọng. Những người đứng đầu nhà Lớn, các vị bô lão cùng các đinh (người nam) trong vùng sẽ thay mặt người dân tiến hành lễ tiễn ông Táo lên trời.
Tết sum vầy |
Sau đấy, tất cả theo chân một vị cao niên có uy tín, cùng đến tảo mộ tại khu vực nghĩa địa nhà Lớn. Bắt nguồn từ phương châm “sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”, người chết thường được mai táng chung cùng một mảnh đất, không phân biệt giàu nghèo, tất cả chỉ là những gò đất nhỏ, không bia, không lăng tẩm rực rỡ. Con cháu khi ra tảo mộ cùng cung kính thành tâm với các bậc đã khuất, không riêng gì mộ phần nhà mình.
Tết “trù bị” từ bốn tháng trước
Ông Huỳnh Văn Tro, một Hương chức trông coi nhà Lớn chia sẻ, tuy Tết được tổ chức trọng thể từ ngày 25 tháng Chạp, nhưng trước đấy vào ngày 8/9 và 9/9 âm lịch, đạo Ông Trần đã có một buổi lễ lớn không kém, diễn ra tại khu nhà chung, gọi là lễ Trùng Cửu. Buổi lễ này nhằm cầu mong “quốc thái dân an”, người dân no ấm, bình yên, chuẩn bị đón một cái Tết đủ đầy và hạnh phúc sắp tới.
Được xem như ngày hội chuẩn bị cho Tết truyền thống, nên lễ Trùng Cửu được xếp vào một trong những ngày lễ lớn nhất ở đây, thu hút hàng ngàn khách tham quan mỗi năm. Du khách sẽ có cảm tưởng như đang lạc vào không khí nhộn nhịp những ngày giáp Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ thế kỷ trước. Đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh dân làng trong bộ quần áo bà ba đen truyền thống, tóc búi củ hành ra vào tấp nập.
Ngay từ mùng 5/9 âm lịch, già trẻ, trai gái đều tụ tập đầy đủ ở gian nhà Hậu, mỗi người một việc, thanh niên lo rọc giấy, phụ nữ mải mê mài mực, trẻ con hối hả xếp giấy, chia khuôn để chuẩn bị cho các bậc cha chú ngồi nghiên cẩn, khoan thai viết các câu liễn dán lên hơn 400 cột trụ tại Nhà Lớn.
Nét độc đáo, thấm đậm tính chất cộng đồng, “tre già măng mọc” tại đây là bất kể trẻ già, trai gái, sang hèn, đều được tham gia vào tất cả các khâu chuẩn bị cho buổi lễ chung. Ngoài các bậc trưởng bối với nét chữ rồng bay phượng múa, bất kỳ con trẻ muốn tự tay mình viết nên những câu liễn dâng lên tổ tiên đều có thể sao chép theo nguyên mẫu các câu đối có sẵn trong sách được lưu truyền lại.
Vào buổi lễ Trùng Cửu, bếp lửa của Nhà Lớn luôn đỏ lửa, mỗi ngày chuẩn bị hàng trăm mâm cơm đãi khách thập phương và dân làng. Hai ngày lễ chính mồng 8 lễ Tiên thường cúng chay, mồng 9 lễ mặn dâng lên Ông Trần và tổ tiên cũng chỉ là thức ăn, vật phẩm thường ngày dễ kiếm như xôi chè, bánh trái hoa quả, do chính người dân dâng lên.
Một trong những nét đặc sắc nhất trong lễ Trùng Cửu là tập tục “kỉnh bánh”, do phụ nữ khéo tay nhất trong vùng đảm nhiệm. Sau khi chuẩn bị nếp, ngâm đậu, vò nhân; bột sẽ được các bà, các chị bỏ gọn trong khuôn bao bọc bên trong là nhân đậu xanh ngào đường, bề mặt bánh luôn phải nổi bật chữ “quy”.
Bánh làm đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo sao khi hấp phải còn nguyên vẹn, không bị bục, cân xứng nổi rõ chữ. Kế tiếp bánh sẽ được những thanh niên khỏe mạnh thay phiên nhau canh chừng nướng để bánh đạt độ phồng, chín đều. Mẻ bánh đầu tiên luôn luôn được dành riêng cho thần bếp trước, để thể hiện sự biết ơn vị thần quanh năm lam lũ chia ngọt sẻ bùi cùng người dân nơi góc bếp.
Bất chấp cuộc sống xô bồ bên ngoài, người dân Long Sơn vẫn giữ được lối sống mộc mạc, chân chất, làm cho đời sống văn hóa trở nên thuần khiết, hấp dẫn. Không chỉ cư dân sinh sống nơi đây mà bất kỳ du khách nào một lần đến tham gia vào lễ hội truyền thống đón Tết ở xã đảo Long Sơn đều cảm nhận rõ nét không khí Tết cổ truyền miền Đông Nam Bộ ấm áp, gần gũi, trong đó dấu ấn của người dân Nam Bộ thế kỷ trước gần như vẫn không hề phai mờ.