Đổi mới chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

 

Thủ tướng Chính phủ vừa  đồng ý về nguyên tắc đổi mới chính sách bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất; khi thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước,  người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
 

Thủ tướng Chính phủ vừa  đồng ý về nguyên tắc đổi mới chính sách bồi thường cho nông dân khi Nhà nước hoặc doanh nghiệp thu hồi đất; khi thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước,  người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp

Về chính sách đất đai, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày 28/8/2011, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2012 để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho nhân dân.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cơ chế để nông dân vay vốn không phải nộp GCNiấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, Nhà nước cần có quy hoạch sử dụng đất một cách khoa học, cụ thể cho các nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội; hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp, đất lúa.
Trước đề nghị của Hội Nông dân về việc giao quyền sử dụng đất cho nông dân lâu dài hơn (50 năm hoặc 70 năm); bỏ chính sách hạn điền...Thủ tướng cho biết: Việc sử dụng đất nông nghiệp được tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, bảo đảm ổn định xã hội. Chính phủ sẽ có Báo cáo trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời  hạn sử dụng đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân. 
Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, Thủ tướng giao Bộ TN&MT nghiên cứu đưa vào nội dung sửa đổi Luật đất đai năm 2003 trong thời gian tới
Có chính sách để nông dân được hưởng BHXH
Cũng tại Thông báo số 129/TB-VPCP, Thủ tướng đồng ý về chủ trương Nhà nước có chính sách thu mua nông sản dư thừa cho nông dân. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp để tạm trữ nông sản. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý với đề nghị của Trung ương Hội Nông dân về việc ưu tiên thu mua nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chủ trì đề án mời Hội Nông dân Việt Nam tham gia từ đầu trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, đề nghị Hội Nông dân Việt Nam tích cực và chủ động tham gia việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách này.
Đối với chính sách để nông dân được hưởng BHXH (có lương hưu), Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội xây đựng Đề án thực hiện BHXH cho mọi người lao động, trong đó chú trọng đến việc mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện. Chính phủ cũng đang nghiên cứu việc hỗ  trợ người lao động khu vực phi chính thức có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm tự nguyện; mở rộng diện được hỗ trợ phí mua BHYT cho người có thu nhập dưới mức trung bình chưa tham gia bảo hiểm y tế nhằm mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
Hội Nông dân Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế cấp miễn phí thiết bị thu sóng cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Về vấn đề này, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020” trong đó có quy định về việc hỗ trợ cho các đối tượng trên; đồng thời chuẩn bị thực hiện dự án “Hỗ trợ người dân mua thiết bị thu xem truyền hình số” với kinh phí dự kiến trên 900 tỷ đồng cho giai đoạn 2013-2020, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Thái Chi