Đông Anh (Hà Nội): Đất chung của dòng tộc “hóa”… đất riêng

(PLO) - Theo gia phả, dòng họ Hoàng Văn (xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) có mặt tại địa điểm này từ khoảng 600 năm trước, trải qua 14 đời. Nhà thờ họ Hoàng Văn gồm từ đường, tiền đường khoảng 300 năm tuổi, nằm trên 1.432m2 đất do cụ tổ của họ Hoàng lập nghiệp tạo dựng lên.
Đất và nhà thờ chung của dòng họ bỗng “biến hóa” thành tài sản cá nhân
Đất và nhà thờ chung của dòng họ bỗng “biến hóa” thành tài sản cá nhân
Từ nhiều đời, nhà thờ này chỉ được giao cho trưởng họ trông nom, chủ trì việc thờ cúng.  Đến ông Hoàng Văn Phát mới đại diện đứng tên kê khai nguồn gốc đất. 
Nhập nhằng chung - riêng
Năm 2004, bà Hoàng Thị Hồng (con gái lớn của ông Phát, công tác tại UBND huyện Đông Anh) xin được làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giúp dòng họ. Theo cam kết của bà Hồng và các em ruột, thửa đất sẽ được chia làm 2 phần: Phần có nhà từ đường, tiền đường cùng khuôn viên khoảng 400m2 sẽ được giao cho họ, phần còn lại đứng tên bà Hồng. 
Năm 2011, dòng họ Hoàng phát hiện phần đất nhà thờ đã được cấp GCNQSDĐ nhưng không đúng như cam kết nên nhiều lần yêu cầu bà Hồng trả giấy. Bà Hồng  không trả vì cho rằng đây là tài sản hợp pháp của gia đình bà vì đã được Nhà nước cấp… sổ đỏ.
Đơn thư qua lại, UBND xã Uy Nỗ hòa giải bằng việc hợp thức hóa thành hợp đồng mua bán (bà Hồng bán lại phần đất có nhà thờ cho dòng họ Hoàng). Đến đây lại phát hiện ra diện tích đất trên đã thuộc sở hữu của cả gia đình bà Hồng (gồm cả bố, mẹ chồng, chồng và các con bà Hồng - các cá nhân trên không phải họ Hoàng Văn mà là họ Đào) qua văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế mà người nhận là ông Đào Ngọc Hà - chồng bà Hồng nhận lại di sản (mảnh đất nhà thờ họ Hoàng Văn) từ bố đẻ là ông Đào Ngọc Tước cùng mẹ và các anh em ruột của mình, quê tận… huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Nghĩa là, từ người ở rể, bố con ông Đào Ngọc Hà thành chủ sở hữu đất và nhà thờ họ Hoàng Văn có tuổi đời nhiều trăm năm bằng sổ đỏ do UBND huyện Đông Anh cấp.
Sai từ cấp xã
Dòng họ Hoàng Văn khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh năm 2011 nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Xem lại vụ việc thì thấy, sổ đỏ số 199939 chỉ thể hiện hình dạng thửa đất, không vẽ hiện trạng công trình trên đất (là nhà tiền đường, nhà thờ họ Hoàng Văn); trong hồ sơ cấp sổ đỏ không kê khai phần này. 
Ông Đặng Bá Sướng, Phó Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (nguyên là cán bộ địa chính xã, người trực tiếp làm thủ tục trình UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ cho hộ bà Hồng) thừa nhận: Chưa xem xét kỹ nên mới xảy ra cơ sự này. Lãnh đạo xã Uy Nỗ khẳng định bà Hồng đã kê khai không trung thực khi làm đăng ký để cấp sổ đỏ.
Xã thừa nhận sai nhưng UBND huyện Đông Anh lại “phớt lờ”, còn Tòa án thì chậm giải quyết. Dòng họ Hoàng buộc “xuống nước”, mua lại phần đất có nhà thờ họ vì về lý, UBND huyện Đông Anh đã cấp sổ đỏ cho bà Hồng rồi. 
Nhưng khi làm thủ tục qua Văn phòng công chứng, họ Hoàng không thể chịu được nữa khi phải chấp nhận nội dung đất này có nguồn gốc của ông cháu rể Đào Ngọc Hà (chồng bà Hồng, ở rể tại nhà, đất này) được thừa kế từ bố đẻ Đào Ngọc Tước (được con trai đón từ quê ở Hưng Yên lên Đông Anh ở cùng) vì hoàn toàn không đúng bản chất lịch sử. 
Tháng 6/2009, xã Uy Nỗ xuống xác minh và cho kết quả: Diện tích đất ở và đất vườn liền kề mang tên hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng đương nhiên có: Nhà thờ họ Hoàng Văn (từ đường), nhà tiền đường đồng thời là nhà ở, các công trình xây dựng khác và tài sản trên đất của hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng và các em gái. 
Ngày 18/3/2015, UBND xã Uy Nỗ mời lãnh đạo xóm Thượng và 3 cá nhân (không phải họ Hoàng) lên để xác định nguồn gốc thửa đất và sở hữu nhà thờ thuộc về ai thì các ý kiến đều khẳng định đất, nhà thờ (tiền đường, từ đường) có từ lâu đời, của dòng họ Hoàng Văn.
Bất tuân thượng lệnh?
Theo Thông báo số 133/TB-UBND ngày 18/11/2015 của UBND TP Hà Nội, việc UBND huyện Đông Anh cấp GCNQSDĐ số S199939 cho hộ bà Hồng không đúng với hồ sơ xin cấp và không đúng quy định tại Thông tư 346 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận. 
Trong quy trình triển khai các bước cấp giấy chứng nhận cũng chưa đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 65 của UBND TP Hà Nội về cấp GCNQSDĐ ở, đất ao và vườn liền kề khu dân cư nông thôn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thu hồi sổ đỏ cấp sai kể trên; rút kinh nghiệm trong việc chậm xử lý đơn thư và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc cấp sổ đỏ cho hộ bà Hồng.
Ngày 01/12/2015, UBND huyện Đông Anh có Kế hoạch số 221 tổ chức triển khai thực hiện Thông báo 133, thu hồi sổ đỏ cấp sai và rút kinh nghiệm trong việc thẩm định hồ sơ dẫn đến việc cấp sổ đỏ sai, báo cáo UBND huyện trước 31/12/2015. Nhưng đến thời điểm này, các nội dung trên chưa thấy được thực hiện.
Vì sao có sự chậm trễ khắc phục dù cái sai đã được UBND TP Hà Nội kết luận? UBND huyện Đông Anh có “lý do riêng” gì không khi chậm sửa sai theo yêu cầu của chính quyền cấp trên, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật? 

Đọc thêm