Đóng góp của pháp luật

(PLVN) - Có lẽ nhiều người còn nhớ, một “Tư lệnh ngành” vừa nhậm chức chưa lâu đã bị “vấp” khi ban hành một Thông tư, sau đó văn bản bị “hủy” với lý do “lỗi đánh máy”.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Sẽ ra sao nếu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thường xuyên phải sửa đổi? Chắc chắn, nếu không muốn nói đến cản trở quá trình phát triển thì cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhắc lại câu chuyện này để thấy “hành lang pháp lý” là vô cùng quan trọng.

Các kỳ Đại hội Đảng, gần đây nhất là Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định vai trò của của việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hay nói cách khác, hệ thống pháp luật ngày càng thể hiện vai trò trong quản lý nhà nước về các mặt, trong đó có kinh tế. Điều này giải thích vì sao trong chương trình nghị sự các các kỳ họp, nhiệm vụ xây dựng luật pháp luôn chiếm thời lượng đáng kể.

“Hệ thống pháp luật đã có đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào bức tranh kinh tế xã hội tươi sáng những năm qua, đặc biệt là năm 2019”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội chiều 30/10 vừa qua.

Đánh giá chung, chúng ta có nhiều thành tựu trong việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL: Đường lối, quan điểm kinh tế cơ bản đã được thể chế hóa đầy đủ trong chính sách, pháp luật của Nhà nước; Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; Tính tối thượng của Hiến pháp và các đạo luật, nguyên tắc nhà nước quản lý bằng pháp luật đã được quán triệt trong thực tiễn thể chế hóa; Pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các nguồn lực kinh tế đang được sử dụng như công cụ chủ yếu để quản lý nhà nước về kinh tế: Hệ thống pháp luật về kinh tế đã được xây dựng tương đối đồng bộ, cơ bản phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN và đáp ứng ở mức độ nhất định yêu cầu hội nhập quốc tế...

Nhiều “điểm sáng” đã xuất hiện trong quá trình ban hành VBQPPL. Ví dụ: Việc ban hành kịp thời Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã góp phần xử lý nợ xấu; Một số nghị quyết cho các địa phương như Nghị quyết về chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh đã và đang phát huy tác dụng, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn.

Không phải ngẫu nhiên, năm 2019 theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng Thế giới chỉ số bình ổn tức chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc, trong khi đầu năm Chính phủ đặt ra kỳ vọng tăng 3 bậc so với 2018.

Có thể thấy, có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, công tác làm luật cần phải được tập trung đầu tư hơn nữa, có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển mang tính bền vững, lâu dài.

Đọc thêm