Không có bằng chứng “ao khoán thầu”
Diện tích ao cá của gia đình ông Lương Bá Hùng (SN 1943, thôn Liên Minh, xã Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình) sử dụng ổn định trong 30 năm thuộc thửa đất số 30, tờ bản đồ số 12 thôn Liên Minh (xã Minh Tân).
Ông Hùng khẳng định, ao cá này được gia đình ông sử dụng từ năm 1985. Quá trình sử dụng đến nay không có tranh chấp với những hộ dân xung quanh và gia đình ông Hùng hàng năm đóng thuế đầy đủ, hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hóa đơn chứng từ.
Vài năm trước, người dân thôn Liên Minh họp bàn xây lại nhà văn hóa thôn tại vị trí ao nhà ông Hùng. Cho rằng việc lựa chọn này phù hợp với quy hoạch đất đai của địa phương nên chủ ao vui vẻ đồng ý và nghĩ rằng sẽ được đền bù theo quy định của Nhà nước.
Thế nhưng, bất ngờ UBND xã Minh Tân và UBND huyện Đông Hưng lại đưa ra những quyết định khó hiểu, nhằm lấy không diện tích ao của gia đình ông Hùng mà không “tốn một xu”, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, UBND xã Liên Minh và UBND huyện Đông Hưng cho rằng diện tích ao của gia đình ông Hùng thuộc diện “ao khoán thầu” nên không được bồi thường diện tích sử dụng, chỉ được đền bù tài sản trên đất. Điều này khiến gia đình ông bức xúc, khiếu kiện nhiều lần lên chính quyền địa phương và một số cơ quan trung ương để đòi quyền lợi chính đáng.
Tài liệu được làm giả?
Điều đáng nói, chính quyền cho rằng ao nhà ông Hùng là “ao khoán thầu” nhưng lại không đưa ra được bằng chứng mà chỉ căn cứ trên sự đánh giá chủ quan, thiếu cơ sở. Trước áp lực cần phải chứng minh đất ao thuộc diện “khoán thầu”, cuối năm 2015, ông Nguyễn Đăng Duyên, Chủ tịch UBND xã Minh Tân đưa ra “Biên bản giải quyết mốc giới diện tích thổ cư về ao cá” để chứng minh.
Tài liệu hai nét bút có dấu hiệu được làm giả này không đủ chứng minh ao ông Hùng là “khoán thầu” |
Tuy nhiên, quan sát bằng mắt thường thì thấy đây là văn bản không có giá trị pháp lý khi bị tẩy xóa lem nhem, nhiều đoạn quan trọng được thêm bớt bởi nét bút và màu mực khác nhau. Đặc biệt, chủ ao khẳng định chữ ký trong văn bản trên không phải của ông mà do người khác giả mạo. Ông Hùng yêu cầu đưa tài liệu quan trọng này đi giám định.
Ban đầu, đại diện UBND xã Minh Tân và UBND huyện Đông Hưng cùng gia đình ông Hùng thống nhất sẽ đem tài liệu trên đi giám định. Thế nhưng, đến thời điểm này công việc trên vẫn chưa được tiến hành. Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, cả xã và huyện chưa chứng minh được đất ao ông Hùng là “khoán thầu” thì chính quyền hai cấp này lại đơn phương thực hiện những quyết định vội vàng, khó hiểu như nhiều lần cưỡng chế kiểm đếm tài sản, hoa màu thuộc diện tích ao (trong khi không có mặt chủ ao).
Đặc biệt, ngày 31/03/2016, UBND huyện Đông Hưng ban hành Quyết định số 1641/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Quy hoạch hội trường thôn và Sân vận động. Điều lạ là quyết định này được ban hành trong khi chưa ban hành quyết định thu hồi đất; trái với trình tự, thủ tục của pháp luật.
Làm việc với Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 8/4/2016, ông Phạm Văn Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hưng thừa nhận, hồ sơ quản lý đất đai tại xã Minh Tân còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài; không đủ tài liệu chứng minh được đất ao nhà ông Hùng là “khoán thầu”; đồng thời cho rằng việc huyện ra quyết định bồi thường tài sản trên đất như vậy là do sức ép từ thôn (?). Phó Chủ tịch huyện cho biết sẽ kiến nghị cấp ủy, chính quyền huyện và xã họp bàn. “Nếu diện tích ao nhà ông Hùng thuộc diện thu hồi được đền bù thì chúng tôi sẽ phải thực hiện”, ông Hằng nói.
Dư luận đang chờ đợi quyết định đúng đắn của UBND huyện Đông Hưng để quyền lợi người dân được bảo đảm, pháp luật được thực thi, ổn định dư luận địa phương trước thềm bầu cử sắp diễn ra.
Được biết, vụ việc trên đã được UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo giải quyết bằng Văn bản số 31/UBND-TCD yêu cầu UBND huyện Đông Hưng chỉ đạo, kiểm tra, xem xét giải quyết theo quy định, trả lời công dân, báo cáo kết quả về UBND tỉnh và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng nhưng UBND huyện Đông Hưng chưa có báo cáo trả lời theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.