Hà Nội cần vào cuộc vụ dấu hiệu “giả mạo chữ ký” ở quận Đống Đa

(PLO) - Liên quan đến vụ việc ở quận Đống Đa có dấu hiệu giả mạo chữ ký trong hồ sơ giải phóng mặt bằng, sau đó rút tiền ngân sách khỏi Kho bạc Nhà nước đang xôn xao dư luận. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được làm rõ, chưa xác định được người phải chịu trách nhiệm cao nhất…
Hà Nội cần vào cuộc vụ dấu hiệu “giả mạo chữ ký” ở quận Đống Đa

Ngày 04/9/2008, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 573/QĐ-UBND về việc thu hồi 12.347m2 đất tại phường Nam Đồng, Trung Tự (quận Đống Đa) để giao cho UBND quận Đống Đa thực hiện dự án “Cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chèm đến Sông Lừ”.

Đến ngày 01/12/2011, ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (TP. Hà Nội) ký Quyết định số 6189/QĐ-UBND  về việc thu hồi 19,7m2 đất của gia đình ông Đỗ Đức Sơn, tại địa chỉ số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2 (nay là 163 Xã Đàn), phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội (nay là 163 phố Xã Đàn) để giao cho Ban quản lý Dự án quận Đống Đa thực hiện Dự án “Cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ Cống Chẹm đến Sông Lừ”. Tuy nhiên, thực tế ông Đỗ Đức Sơn không phải là chủ sử dụng đất tại 163 Xã Đàn.

Sau khi có quyết định thu hồi đất hộ ông Đỗ Đức Sơn, UBND quận Đống Đa ban hành loạt thủ tục như: Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, Thông báo hợp khối… tất cả đều mang tên chủ sử dụng đất là ông Đỗ Đức Sơn.

Điều đáng nói, cả ông Đỗ Đức Sơn (không phải chủ sử dụng đất nhưng có tên trong quyết định) và bà Lê Thị Thanh Hằng (chủ sử dụng đất) lại không hề hay biết có dự án và không ký vào bất cứ văn bản nào trong hồ sơ giải phóng mặt bằng của UBND quận Đống Đa.

Tuy nhiên, không biết bằng cách “nào đó”, các cơ quan ở UBND quận Đống Đa vẫn hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, rút tiền ngân sách khỏi Kho bạc.

Tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi được biết, ngay trong Quyết định số 6189/QĐ-UBND ngày 01/12/2011 của UBND quận Đống Đa đã xác nhận có chữ ký của “chủ sử dụng đất”.

Vậy ai đã đứng ra “giả mạo” chữ ký của chủ sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và rút tiền ngân sách trong Kho bạc?

Ngày 18/12/2015, trong buổi họp báo với đại diện nhiều cơ quan báo chí, một cán bộ ở ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Đống Đa cho biết: "Chúng tôi chỉ biết là có người ký hộ nhưng không thể biết là ai ký vì lúc đó đông người". 

Cách giải thích của vị cán bộ này không những thừa nhận có người giả chữ ký, mà còn thể hiện sự "vô lý" khi có hàng chục phòng, ban của quận cùng tham gia, thẩm định, giám sát và chịu trách nhiệm về dự án. Trong hồ sơ thửa đất không phải "chủ sử dụng đất" bị giả chữ ký 1 lần mà có nhiều lần phải ký, vì thế không thể có chuyện không biết ai là người giả chữ ký.

Phương án bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất

Phương án bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất

Đến ngày 02/3/2016, UBND quận Đống Đa tiếp tục họp báo với đại diện nhiều cơ quan báo chí, thêm một cán bộ của UBND quận Đống Đa tiếp khẳng định một lần nữa là có người đã ký vào chủ sử dụng đất.

Như vậy, rõ ràng sự việc “mạo danh” chữ ký trong hồ sơ giải phóng mặt bằng tại thửa đất 163 Xã Đàn là câu chuyện có thật, không còn bàn cãi.

Tuy nhiên, trước đó, khi cung cấp hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra– Công an quận Đống Đa, Ban quản lý Dự án quận Đống Đa lại cung cấp những tài liệu không có chữ ký của chủ sử dụng đất (?!).

Bằng chứng là trong Thông báo số 2719/CSĐT-CSKT của Cơ quan CSĐT- Công an quận Đống Đa ghi rõ: “Hồ sơ, tài liệu do Ban Quản lý Dự án quận Đống Đa cung cấp không có chữ ký của ông Đỗ Đức Sơn và bà Nguyễn Thị Mền trong hồ sơ đền bù, hỗ trợ GPMB…”.

Từ căn cứ trên, Cơ quan CSĐT đã không khởi tố vụ án “làm giả chữ ký, làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tài sản”.

Như vậy, rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm ở quận Đống Đa đã chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra dẫn đến việc đi lệch hướng điều tra của vụ án. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Cơ quan Công an đã không đủ căn cứ để khởi tố để làm rõ vụ án.

Phân tích về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Tú, đoàn Luật sư TP. Bắc Giang cho rằng:  Điều 307, Bộ luật Hình sự quy định về Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật như sau:

1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Gây hậu quả nghiêm trọng. 

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đối với chủ thể là người làm chứng khai sai hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, tài liệu không phản ánh đúng thực tế khách quan của vụ án. Hành vi khai hoặc cung cấp tài liệu của người làm chứng có thể do họ tự nguyện hoặc theo yêu cầu của cơ quan tư pháp.

Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết giữa những người cùng thực tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Khi xác định khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật có tổ chức cần chú ý trường hợp người có hành vi khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật là hành vi giúp sức của tội phạm làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nếu người có khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật là hành vi giúp sức thì họ là đồng phạm với người phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức có thể không phải là người làm chứng, người phiên dịch, người giám định, nhưng người thực hành nhất thiết phải là người làm chứng, người phiên dịch, người giám định.

Đọc thêm