Biến đất vườn hàng xóm thành lối đi riêng
Năm 2004, hộ ông Bùi Văn Bình được UBND huyện Thống Nhất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) 9.464m2 tại thửa số 69, tờ bản đồ số 15 xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, còn hộ ông Nguyễn Văn Lộc được cấp GCN 6.334m2 thuộc thửa số 59, tờ bản đồ số 15 xã Gia Tân 2.
Thửa đất hộ ông Lộc đang sử dụng hoàn toàn không nằm liền kề thửa đất hộ ông Bình và đã có một lối đi khác để ra vào. Nhưng kể từ khi xây chuồng trại, nuôi heo và để thuận lợi cho việc chăn nuôi của mình, gia đình ông Lộc đã tự ý và thường xuyên chạy xe máy đi qua đất của hộ ông Bình.
Việc hộ ông Lộc tự ý biến đất vườn của hộ ông Bình thành lối đi riêng đã xâm hại đến cây trồng, đồ đạc, thiết bị điện nước trong vườn và quyền sử dụng đất của hộ ông Bình. Do đó, ông Bình buộc phải rào lại.
Cho rằng hộ ông Bình ngăn cản lối đi của “chủ bất động sản liền kề”, ông Lộc khởi kiện vợ chồng ông Bình ra TAND huyện Thống Nhất yêu cầu phải có nghĩa vụ mở lối đi có diện tích 210m2 (chiều ngang 3,5m, chiều dài 60m) thuộc một phần thửa đất số 69. Ngày 29/2/2016, TAND huyện Thống Nhất đã thụ lý vụ án dân sự số 09/2016/TLVA-DA về việc “tranh chấp về mở lối đi chung qua bất động sản liền kề” giữa các đương sự nói trên. Vụ án do Thẩm phán Đặng Quang Phúc giải quyết.
Theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 26/7/2016, Thẩm phán Đặng Quang Phúc đã ký ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2016/QĐ-BPKCTT buộc vợ chồng ông Bình tháo dỡ cổng rào để duy trì lối đi vào thửa đất số 59 cho gia đình ông Lộc. Cùng ngày, Chi cục THADS huyện Thống Nhất ban hành Quyết định số 01/QĐ-CCTHADS áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đến ngày 12/8/2016, thực hiện cưỡng chế cổng rào tại rẫy nhà ông Bình.
Cách giải quyết chưa thấu tình đạt lý?
Ðiều 275 Bộ luật Dân sự quy định quyền về lối đi qua bất động sản liền kề như sau: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác”.
Trong trường hợp này, theo Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Văn phòng Luật sư TRILAW, TP.HCM) thì, trong trường hợp gia đình ông Lộc không phải là chủ bất động sản liền kề với gia đình ông Bình và họ đã có lối đi khác thì ông Lộc không thể kiện hộ ông Bình, bởi như vậy là bất hợp lý và khả năng tòa án sẽ tuyên không chấp nhận yêu cầu của ông Lộc là rất cao.
Khi xem xét đến việc mở lối đi, tòa án sẽ xem xét lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Luật pháp cho phép ông Lộc có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện một vấn đề nào đó, người khởi kiện cần tính đến tính hợp lý cũng như khả năng chấp nhận của tòa án, tránh lạm dụng quyền khởi kiện để gây phiền hà cũng như thiệt hại cho người khác.
“Hộ ông Lộc muốn đi lại vào rẫy của họ được thuận lợi hơn thì nên có sự thống nhất, bàn bạc cụ thể với hộ ông Bình để sang nhượng một diện tích đất để mở lối đi thuận tiện sao cho hợp tình, hợp lý với cách đối nhân xử thế với nhau thì sẽ tốt hơn”, Luật sư Tư nói.
Giải quyết khiếu nại của vợ chồng ông Bình về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Lâm Văn Giả, Chánh án TAND huyện Thống Nhất ký Quyết định 78/QĐ-GQKN ngày 01/8/2016, cho rằng: “… Trên thực tế, ngoài lối đi qua thửa 69 tờ bản đồ số 15 tại xã Gia Tân 2 còn có lối đi khác. Tuy nhiên, lối đi này có nhiều đoạn hẹp, lầy lội, không thuận tiện và hợp lý”.
Theo Luật sư Nguyễn Đăng Tư, lập luận của ông Chánh án không thuyết phục. Bởi nếu có lối đi khác mà không thuận tiện, lầy lội thì hộ ông Lộc phải đầu tư cải tạo để sử dụng lâu dài, việc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không nêu rõ thời hạn áp dụng, trong khi vụ án kéo dài có thể gây thiệt hại cho hộ ông Bình.
Trong trường hợp thấy việc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi thì ông Bình có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định này của tòa án để yêu cầu bồi thường.
“Đây là vụ kiện mà chủ bất động sản không liền kề khởi kiện, có thể nói là hy hữu trong lịch sử tố tụng dân sự ở nước ta. Tòa án cần xem xét căn cứ phù hợp mới thụ lý vụ án để giải quyết, tránh gây thiệt hại cho các bên”, Luật sư Tư nhận xét.