Chính quyền: Ông Lung chưa bao giờ sai phạm
Chuyện là, vào tháng 3/1992, ông Lung khai hoang 600m2 đất xây dựng hai căn nhà bên lề đường nội bộ vành đai Khu căn cứ quân sự Long Bình (ông Lung có 3 giấy xác nhận xây dựng năm 1992). Tháng 8/1992, tỉnh Đồng Nai có Quyết định 1036 kèm “Bản quy định tuyến đường” và năm 1993 có Thông báo 219 “Xây dựng khu công nghiệp Suối Chùa” đều có liên quan tới đất của ông Lung.
Năm 1994 phường Long Bình thành lập nhưng chưa có thẩm quyền quản lý đất này. Năm 1995, Thủ tướng có Quyết định 760 “Thu hồi 748,79ha đất Khu căn cứ quân sự Long Bình giao cho tỉnh Đồng Nai” trong đó có đất của ông Lung. Năm 1996, phường Long Bình quản lý hành chính và cấp “Sổ đăng ký tạm trú KT3” cho ông Lung.
Năm 2000, TP.Biên Hòa cấp “Giấy phép kinh doanh bán lẻ bia hơi Đồng Nai” cho ông Lung; tiếp đó, phường Long Bình cùng Nhà máy nước Thiện Tân lắp đặt ống nước ngầm qua khu đất của ông Lung, có bồi thường tài sản gắn liền trên đất.
Năm 2004 tỉnh Đồng Nai có Quyết định 3272 “Ban hành quy định đường đỏ” có liên quan tới đất của ông Lung và năm 2005 xa lộ Hà Nội được làm mới (bên ngoài đường nội bộ, trước đất của ông Lung), nhưng chính quyền cũng không hề có ý kiến gì đến đất ông Lung.
Thực tế, tính đến năm 2007, ông Lung đã sử dụng nhà đất sinh sống ổn định được 15 năm với biết bao “sự kiện” diễn ra. Chính quyền không hề có bất cứ một động thái thông báo hay triển khai vấn đề gì tới ông Lung; cũng không đặt vấn đề “Giấy tờ đất”, “Giấy phép xây dựng” hay vi phạm quy định pháp luật nào, thửa đất của ông Lung cũng không bị cắm mốc lộ giới “Hành lang đường bộ”.
Đến ngày 16/10/2007, phường Long Bình có “Biên bản hòa giải” về việc Công ty CP Bia Sài Gòn - Đồng Nai tranh chấp nhà, đất với ông Lung xác định là của “Công ty Bia cho ông Lung thuê”. Đây là tài liệu đầu tiên của chính quyền đối với nhà đất của ông Lung sau 15 năm sử dụng.
Tòa không xét mà chỉ “xử”!?
Liên quan đến vấn đề này, ông Tống Thanh Đa, Chủ tịch UBND phường nói: “Ông Lung nên đề xuất hỗ trợ bao nhiêu để Ban hòa giải xem xét vận động việc hỗ trợ sao cho hợp tình, đạt lý. Công ty có hợp đồng giữa Công đoàn với ông Lung, nhưng không quản lý, không tái hợp đồng, thiếu tập trung dẫn đến việc thu hồi mặt bằng gặp khó khăn. Đối với ông Lung, kết hợp với chính quyền địa phương, ban lãnh đạo Công ty tập trung giải quyết”.
Còn Chánh Văn phòng UBND TP. Biên Hòa có Văn bản 3191 ngày 1/11/2007 và ông Đa có Thông báo 78 ngày 13/11/2007 khẳng định: “Công ty thông báo thu hồi mặt bằng, đây là tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng, hòa giải không thành, chuyển đến Tòa án TP.Biên Hòa giải quyết theo thẩm quyền”. Nhưng không hiểu sao Thông báo số 78 lại kèm tình tiết: “Các hộ đang kinh doanh và ông Lung, ông Quang phải tháo dỡ công trình trên phần đất công do Nhà nước quản lý để trả lại hiện trạng ban đầu”.
Tuy nhiên, tại Văn bản số 117 ngày 13/12/2007, ông Đa lại nói: Ông Lung“đến thuê mặt bằng của Công ty Bia”. Vậy ở đây là đất công hay đất của Công ty bia ?! Ông Đa “nhiệt tình” bảo vệ cho Công ty Bia nhằm mục đích gì? Chưa hết, năm 2009 chính ông Đa ra quyết định cưỡng chế đối với ông Lung nhưng phải thu hồi hủy bỏ do ông Lung khởi kiện. Thế là mọi chuyện dừng lại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bất ngờ, sau đó Công ty Bia có Công văn 37 ngày 15/4/2009: “Đề nghị TP. Biên Hòa giải tỏa thu hồi mặt bằng của ông Lung” và Công văn 47 ngày 23/7/2010 nêu: “Công ty Bia đề nghị UBND và Công an P. Long Bình hỗ trợ thực hiện ngay việc giải tỏa mặt tiền Công ty đối với các hộ dân để Công ty sớm mở được cổng. Toàn bộ chi phí giải tỏa Công ty sẽ chi trả”.
Đến tháng 10/2010, ông Đa thực hiện theo yêu cầu của Công ty Bia, tiến hành cưỡng chế 4 hộ dân để Công ty Bia lấy đất và “mở được cổng” cho Công ty TNHH Thép Nguyễn Minh tiến hành thuê đất phía bên trong khu đất. Riêng ông Lung, chính quyền không có ý kiến gì nữa. Đến năm 2010, TP. Biên Hòa nâng cấp đường nội bộ dài 1km liền kề trước đất ông Lung, nhưng chính quyền cũng không có ý kiến gì tới nhà đất của ông Lung.
Ngày 14/6/2012, P. Long Bình lại lập “Biên bản 135” với nội dung: “Ông Lung xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng (nhà tiền chế) trên đất hành lang đường bộ. Việc lập Biên bản “Hoạt động xây dựng không có giấy phép” sau 20 nhà “đã mục” cũng như áp dụng Nghị định 23 là trái Nghị định và Pháp lệnh 44/2002 đều không hồi tố xử lý 20 năm trước. Mặt khác, cơ sở nào nói ông Lung vi phạm “hành lang đường bộ” khi chính P. Long Bình năm 2007 khẳng định rằng “đất là do địa phương quản lý nhưng địa phương không quản lý, do vậy Công ty Bia quản lý”...
Tại phiên tòa, Tòa thừa nhận đất của ông Lung là đất quốc phòng, năm 1995 mới giao cho tỉnh Đồng Nai. Còn ông Lung tự khai hoang đất quốc phòng năm 1992 mà Tòa yêu cầu phải “có giấy tờ hợp lệ về đất” chính quyền cấp năm 1992 là phi lý. Đây là vụ án hành chính về “hoạt động xây dựng”, không phải tranh chấp đất mà Tòa án lại đề cập tới “giấy tờ hợp lệ về đất” là sai thẩm quyền và xác định sai tính chất, nội dung vụ án.
Về “Biên bản 135” chỉ nói “Hành lang giao thông đường bộ” chung chung, nhưng Tòa lại nói rất cụ thể “Thuộc hành lang giao thông đường bộ - đường xa lộ Hà Nội” khẳng định tính pháp lý cụ thể thay cho chính quyền là trái tính chất, nội dung Quyết định bị kiện. Tòa không xem xét tới tài liệu của ông Lung, cũng không xác minh thực tế đất có “thuộc hành lang giao thông đường bộ” hay không là phiến diện, một chiều, thiếu cơ sở, vi phạm Luật Tố tụng Hành chính.
Hàng loạt nhà hàng liền kề đất của ông Lung |
Ngoài ra, trong vụ án này, Tòa áp dụng Điều 97 Luật Đất đai 2003 về “Đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn” là phi lý, trái thực tế. Vì đất của ông Lung không có cơ quan nào“công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình”, không “nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình”, không “gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình” nào theo Khoản 3, 4 Điều 97 Luật Đất đai 2003.
Thực tế, ông Lung sử dụng đất từ tháng 3/1992, trước ngày 15/10/1993, ổn định đến nay, phù hợp mọi yếu tố theo Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003. Đó là chưa nói ông Lung cung cấp nhiều tài liệu và yêu cầu hoãn phiên tòa, triệu tập ông Đa (vắng mặt cả hai phiên tòa) để “xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai người làm chứng, xem xét thẩm định tại chỗ nhà đất ông Lung và đối thoại, đối chất với ông Đa” là rất quan trọng trong xét xử, nhưng Tòa không làm gì theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính ?
Cũng cần nói rằng, từ năm 2010, Công ty Thép Nguyễn Minh và nhiều nhà hàng tư nhân xây dựng mới ra sát đường nội bộ hoạt động sầm uất cách trụ sở P. Long Bình vài trăm mét nhưng chính quyền không hề lập biên bản xử lý gì? Riêng đất ông Lung sử dụng ổn định 20 năm, cách đường nội bộ 3m, không liên quan gì tới xa lộ Hà Nội hay ảnh hưởng gì tới giao thông nội bộ thì lại bị cưỡng chế lấy đất.
Ngoài ra, xa lộ Hà Nội (khu vực gần trụ sở P.Long Bình) có hàng trăm nhà dân sát xa lộ thì chính quyền cũng im lặng đến khó hiểu... Chính quyền lấy đất của ông Lung để làm gì khi không triển khai thực hiện bất cứ dự án quy hoạch nào ở cái “góc đất cỏn con” của ông Lung thì lại càng khó hiểu hơn?
Đâu là sự thật?
Được biết, đất ông Lung án ngữ trước 1/3 mặt tiền bên trái của Công ty Thép Nguyễn Minh. Vấn đề là sau khi cưỡng chế đối với ông Lung, khu đất này sẽ được bỏ trống, Công ty Thép có thể có mặt tiền mở rộng thêm ra 26m với tổng diện tích là 600m2. Mặt bằng đất ông Lung rất giá trị nên trở thành “tầm ngắm” của nhiều người. Riêng về nhà hàng Hải Yến của ông Quang cũng án ngữ trước 1/3 mặt tiền bên phải của Công ty Thép nhưng “tuyệt đối an toàn” vì P.Long Bình có “thỏa thuận đặc biệt” tại Thông báo 91 ngày 14/8/2009 và Hợp đồng thuê mặt bằng số 04 ngày 6/8/2009 giữa Công ty Bia và ông Quang – một việc làm khó hiểu.