Cô giáo học Luật để giải oan cho chồng

(PLO) - Những ngày tháng 11 ấm áp tình thầy trò, tôi gặp chị, một cô giáo nhỏ nhắn nhưng nổi tiếng với vụ án 45 lần kêu oan cho chồng 17 năm trước. Nhắc tới những ngày tháng chị không thể cam tâm với việc trái ngang, chị cười mà nước mắt rưng rưng… Đó là cô giáo Nguyễn Thị Tạo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hòa - Hà Nội.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ngày định mệnh
Chị Tạo trẻ hơn nhiều so với tuổi con ngựa (1966) của mình. Chồng chị là bạn học cùng trường cấp ba, hơn chị hai tuổi. Họ là bạn, là người yêu cho tới khi cưới vừa tròn 11 năm. Hồi đó, chị học năm thứ ba ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, trước khi nhận học bổng sang Nga học tiếp năm cuối, anh mới ngỏ lời với chị. Chị từ chối, nhưng anh vẫn cố… nhắn nhủ: “Ừ, bạn không yêu tớ nhưng bạn không được nhận lời với ai đâu đấy”. 
Khi chị về nước thì anh lại đi lao động ở Bungari, thế nên tới tận năm 1991 họ mới làm đám cưới. Và cũng chính bởi tình cảm bền chặt ấy mà chị như con ruột của mẹ chồng. Sau này, khi đi kêu oan, hai mẹ con chị luôn sát cánh bên nhau. Thậm chí những ngày bão lũ, nước ngập tới yên xe, hai người phụ nữ ấy vẫn lặn lội đi tìm công lý.
Chuyện đã qua lâu rồi, chị không muốn nói nhiều tới nữa nhưng tôi vẫn quá đỗi ngạc nhiên về những tháng ngày bĩ cực mà chị đã vượt qua. Chị nói, có lẽ vì một điều đơn giản, chị không thể bị khuất phục khi danh dự và nhân phẩm bị chà đạp bởi một chuyện trời ơi, không đáng có, nhưng chồng chị thì bị khép tội đánh người, cướp của với 4 năm tù giam. 
Hôm đó, vào khoảng 19h tối 16/12/1997, anh Nguyễn Công La, chồng chị Tạo trên đường đi sang nhà hàng xóm chơi. Khi đi qua bờ mương xóm Tre (Trung Hòa), anh thấy cảnh chướng mắt khi hai người trẻ là Bình và Thủy đang có những hành vi đáng lẽ chỉ có ở nơi riêng tư. Anh bày tỏ sự khó chịu thì xảy ra xô xát. Bình vốn là học viên của Trường Cảnh sát đã vu cho anh La đánh người, cướp của. 
Công an phường Yên Hòa bắt anh La, dọa nạt, ép nhận tội. Chứng cứ buộc tội chồng chị khi đó chỉ là lời khai duy nhất từ phía người bị hại, ngoài ra cơ quan điều tra không thu thêm được bất cứ bằng chứng nào để buộc tội anh La. Sau đó, Bình còn tới gặp chị Tạo tống tiền 4 triệu đồng (số tiền lúc đó cũng khá lớn với chị).
Những ngày tháng quay cuồng đó, từ một cô giáo “i tờ” về luật pháp, chị lao vào tự đọc các bộ luật để đội đơn kêu oan. Không những thế, hàng ngày chị bị đe dọa, khủng bố về tinh thần, nên chị quyết định bỏ tiền túi thi văn bằng hai ĐH Luật. 
Hồi đó, lớp luật của chị rất đông, tới gần 200 người nhưng chị vẫn để lại ấn tượng khá lớn với mọi người khi cứ tối đến chị tất tả tới lớp, học nghiêm túc, say mê, hết giờ lại tất tả ra về. Bởi một ngày của chị vừa làm mẹ, vừa làm con dâu, sáng làm cô giáo, chiều đi kêu oan, tối đi học nên chị không còn một chút thời gian nào tham gia các hoạt động cùng lớp nữa. Cho mãi tới sau này, khi vụ án oan của chồng chị đã được nhắc tới trên báo chí, cả lớp mới biết về chị.
Đơn thư chị gửi đi các cấp, các nơi nhưng chị không dừng lại ở đó. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp chị hai lần hóa trang trốn vào gặp Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an thành phố để gửi đơn kêu oan tận tay hai vị lãnh đạo này. Chính vì thế, một năm sau đó, Bình bị kỉ luật ra khỏi ngành. Còn anh La, sau gần 2 năm bị giam giữ, chờ xét xử cùng với sự vào cuộc của truyền thông, anh đã được xóa án, trở về đoàn tụ với gia đình…
Cô giáo như chưa hề qua những tháng ngày bão giông
Cô giáo như chưa hề qua những tháng ngày bão giông 
“Con xin cô cho con lấy vợ”
Anh trở về, chị có thêm một công chúa và tiếp tục học Luật, lấy bằng Khá năm 2003. Năm 2005 chị vào Hội Luật gia. Năm 2008 chị được chọn tham gia dự án về Quyền trẻ em và Quản lý giáo dục, sang học tại Thụy Điển và Giooc Đa Ni do tổ chức Sida (Trung tâm hợp tác và giáo dục Quốc tế tại Thụy Điển)  tài trợ. Năm 2011 chị được bầu làm Phó trưởng đoàn hội thẩm nhân dân quận Cầu Giấy, chuyên phụ trách về trẻ vị thành niên.
Trong những năm còn dạy ở Trường Xuân La - Tây Hồ, chị Tạo vừa là giáo viên Tiếng Anh dạy giỏi cấp thành phố vừa là giáo viên chủ nhiệm của khá nhiều học sinh cá biệt. Năm đó, chị nhận lớp 9, phải mất hai tháng chị mới tiếp cận được với Nam (tên học sinh đã được thay đổi - PV). Nam khi đó đã ở lại lớp 2 năm và có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ Nam đi lấy chồng ở Đức, hai anh em ở với bố và đều nghiện hêrôin.
Chị thấy thương quá và nghĩ rằng nếu con mình rơi vào hoàn cảnh nàymình sẽ làm gì? Với chị, không có sức mạnh nào lớn hơn tình yêu của người mẹ và chị quyết tâm vực Nam đứng dậy. Chị nhớ, hôm đó sinh nhật Nam vào đúng mùng 2 Tết. 
Mặc dù chồng chị muốn ngày Tết chị ở nhà để đi thăm hỏi gia đình, bạn bè nhưng chị cảm thấy quá nóng ruột nên đã quyết định cùng lớp tới nhà tổ chức sinh nhật cho Nam. Hôm đó, chị và những người bạn của Nam đã ở bên Nam tới tận 10h đêm để Nam bớt đơn độc trong ngày Tết và ngày sinh của mình.
Mãi về sau này chị mới biết, nếu hôm đó chị không tới, có lẽ Nam đã quay trở lại với con đường chìm trong bóng tối. Cùng năm đó, từ một học sinh có học lực yếu kém, hạnh kiểm trung bình, năm đó Nam đã đạt học sinh tiên tiến, hạnh kiểm tốt và Nam đã thi tốt nghiệp thừa 9 điểm. Sau này, Nam tốt nghiệp cấp ba và vài năm sau lấy vợ.
Chị cònnhớ, hôm đó, 12h đêm Nam đột ngột gọi điện làm chị hốt hoảng. Té ra cậu ngập ngừng: “Con xin cô cho con lấy vợ”… Thật may mắn, vợ Nam cũng là con một thầy giáo và là học trò cũ của chị ở Trường Xuân Đỉnh. Giờ hai nhóc nhà Nam đã lớn và học giỏi...
Và bà Hội thẩm nhân dân
Tôi hỏi chị, từ một cô giáo, một công dân kêu oan, giờ chị đã là bà hội thẩm nhân dân cũng ngay tại nơi mà trước đây chị đã quyết liệt lấy lại danh dự cho chồng mình, cảm giác của chị ra sao? Chị nói chị luôn tin vào lẽ phải, chịkhông thể chấp nhận được khi người ngay sợ người gian và xã hội phải có sự công bằng…
Và cũng từ nơi này cuộc đời đã cho chị những ngã rẽ thú vị như công việc tham gia dự án hợp tác với Tổ chức Si đa, vai trò hội thẩm  bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên. Nhưng luật pháp là luật pháp, nhiều khi đứng trước những đứa trẻ ngơ ngác vô tình phạm tôi chị thực sự nhói lòng.

Có cô bé 13 tuổi bị xâm hại tình dục không hề biết gì về sức khỏe và cuộc đời mình sẽ ra sao, khi thấy tòa xử 36 tháng tù giam lại ra sức bênh vực cho “người yêu”: “ Bà ơi, nó đòi cháu thì cháu cho, sao lại bị đi tù hả bà?”… 

Có trường hợp là một sinh viên năm thứ hai, trong lúc quẫn bách vì mẹ ốm (bố đã mất), chiều đó trên đường đi làm thêm, thấy một cô gái phía trước để tiền hớ hênh trong túi, cậu đã rút trộm nhưng bị phát hiện. Cô gái ngã bị thương, cậu bỏ chạy và số tiền cậu rút được thực ra chỉ có 20 ngàn đồng. Khi xét xử, cậu bị khép tội cướp giật nguy hiểm và phải chịu án ba năm tù giam… Trước trường hợp như vậy, với vai trò thẩm phán chị thường xin chủ tọa phiên tòa giảm án bởi đây là sự bột phát trong lúc cùng quẫn…
Thường với đa số các trường hợp học sinh, sinh viên do không có tiền đi học làm liều, khi xử xong chị khuyên giải họ nên về tìm một công việc gì đó phù hợp như sửa xe, làm thợ, miễn sao không làm điều xấu để tích lũy lấy tiền đi học. Có nhiều trường hợp thương quá có khi chị vét sạch tiền trong túi để cho các em tiền đi lại…
Chị nói, giờ chị có nhiều ngã rẽ để có thể làm một công việc khác nhiều tiền hơn nhưng với chị, người thầy vẫn là duyên nghiệp và niềm say mê nhất của chị. Nhìn nụ cười lạc quan của chị, tôi tin hạnh phúc là những điều giản dị khi ta đi tới tận cùng với  nó bằng tất cả trái tim bởi những điều tốt đẹp luôn ẩn chứa trong cuộc đời, dẫu bão có nổi, gió có thổi thì bình minh sẽ luôn trở lại… 

Đọc thêm