Đồng Nai: Mập mờ vụ chuyển ngôi trường trăm tỷ thành tư thục

(PLO) - “Nếu chuyển sang loại hình tư thục thì hàng trăm tỷ đồng là tài sản và đất đai thuộc sở hữu nhà nước sẽ “biến” thành của tư, trong khi thị xã Long Khánh chỉ có khoảng 30% học sinh được học trường công lập. Do đó, việc chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang loại hình công lập là phù hợp”, là ý kiến của người dân và chính quyền thị xã Long Khánh.
Người dân và chính quyền thị xã Long Khánh đang mong muốn chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang trường công lập
Người dân và chính quyền thị xã Long Khánh đang mong muốn chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang trường công lập

Chủ trương không hợp lòng dân

Tháng 4/2014, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang loại hình tư thục và Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã có ý kiến bằng văn bản về chủ trương chuyển đổi sau khi Sở GD&ĐT tỉnh này có Báo cáo số 5580/BC-UBND ngày 1/7/2016 về kết quả rà soát hồ sơ chuyển đổi. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh này tổ chức thực hiện việc kiểm soát trước khi thực hiện chuyển đổi để xác định rõ nguồn gốc tài sản hình thành của nhà trường. Các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung làm rõ những căn cứ làm cơ sở cho việc chuyển đổi đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và căn cứ pháp lý…

Tuy nhiên, chủ trương chuyển đổi Trường THPT dân lập Văn Hiến một lần nữa vấp phải sự phản đối, bức xúc của người dân địa phương vì trước đó người dân và chính quyền thị xã Long Khánh đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai hủy bỏ hoặc chuyển đổi loại hình khác, nhưng chưa được chấp nhận. 

Một số cán bộ hưu trí phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến sang loại hình tư thục là không đúng với tình hình thực tế, vì toàn bộ cơ sở vật chất như: đất hơn 5.000m2 giá trị hàng trăm tỷ đồng; phòng học, phòng làm việc được hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, nhà hảo tâm và quá trình hoạt động tích lũy từ nguồn học phí của học sinh, trường đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. 

“Trường thuộc sở hữu của Nhà nước và nhân dân, không phải trường của cá nhân nào. Thế nhưng khi chuyển sang hình thực tư thục thì toàn bộ tài sản và cơ sở vật chất, đất đai sẽ biến thành của riêng của gia đình ông Nguyễn Thanh Ngạn - Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra hiện nay thị xã Long Khánh chỉ có khoảng 30% học sinh được học trường công lập, còn lại toàn bộ học sinh phải học trường tư thục và với học phí cao trong điều kiện người dân địa phương kinh tế còn khó khăn là không hợp lý”, ông Đậu Bá Tạo, cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng phường Xuân Hòa nói.

Gọi dân lập nhưng thực chất là bán công

Theo Thị ủy và UBND thị xã Long Khánh, Trường THPT dân lập Văn Hiến được thành lập từ năm 1989 (gọi là Trường cấp II, III dân lập Văn Hiến) trên cơ sở được UBND huyện Xuân Lộc cũ bố trí toàn bộ cơ sở vật chất của Phòng Giáo dục gồm đất, hệ thống phòng làm việc, phòng học, cùng với sự hỗ trợ về vật chất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

Ông Nguyễn Thanh Ngạn - lúc đó là cán bộ Văn phòng UBND huyện Xuân Lộc (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc - Phó Giám đốc Công ty Nông trường Sông Ray) đứng đơn đề nghị thành lập để phù hợp với mô hình xã hội hóa giáo dục nhằm đảm bảo các thủ tục theo quy định. Do đó, Huyện ủy và UBND huyện Xuân Lộc đã đồng ý vì theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai mỗi huyện chỉ được một Trường cấp III công lập và chưa có mô hình trường bán công. 

Trước áp lực về số lượng học sinh cấp II, III của một huyện đông dân lúc bấy giờ nên Huyện ủy, UBND huyện Xuân Lộc đã mạnh dạn đề nghị tỉnh Đồng Nai cho thành lập Trường cấp II, III dân lập Văn Hiến. Ông Ngạn được cử làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thiệp - Trưởng phòng Giáo dục kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.

Năm 1991, khi chia tách thành lập hai huyện Long Khánh và Xuân Lộc, ông Nguyễn Thiệp đã được điều động về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Lộc. Do đó, UBND huyện Long Khánh đề nghị Sở Giáo dục bổ nhiệm ông Bùi Công Thuấn, giáo viên  Trường THPT Xuân Lộc sang làm Hiệu trưởng. Sau này bà Lương Thị Hạnh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng cho đến nay.

Suốt thời gian từ năm 1989 đến năm 2000, ông Ngạn kiêm nhiệm ở Trường phổ thông cấp II, III dân lập Văn Hiến vẫn hưởng lương công chức từ ngân sách nhà nước thì nghỉ hưu.

“Trường THPT dân lập Văn Hiến và bộ máy nhân sự quản lý được gọi  “dân lập”, nhưng thực chất là trường bán công. Do vậy, việc chuyển  sang loại hình trường công lập là phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương vì hiện nay thị xã Long Khánh chỉ có khoảng 30% học sinh được học trường công lập”, ông Nguyễn Đức Thạnh, Phó Bí thư thị xã Long Khánh cho biết.

Theo Thị ủy Long Khánh, toàn bộ đất đai, tài sản của Trường THPT dân lập Văn Hiến hiện nay thuộc sở hữu nhà nước và của người dân - đại diện là UBND thị xã Long Khánh và tất cả phụ huynh học sinh có con em học tập tại trường. Nếu chuyển đổi thì sẽ thành tài sản cá nhân?

“Do đó, việc chuyển Trường THPT dân lập Văn Hiến thành trường tư thục là hoàn toàn không có cơ sở vì chủ thể thực tế về đất đai, tài sản 56 phòng học hiện nay của trường không thể thuộc về bất kỳ cá nhân nào mà là của Nhà nước, nhân dân Long Khánh và phụ huynh các thế hệ học sinh của trường”, ông Thạnh cho biết.

Cũng theo ông Thạnh, nguyện vọng của nhân dân, phụ huynh học sinh, nhất là cán bộ hưu trí qua các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cũng như quan điểm và chủ trương của Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thị xã đều mong muốn Trường THPT dân lập Văn Hiến chuyển sang loại hình công lập là phù hợp, đó cũng là thể hiện “ý Đảng, lòng dân” trong sự nghiệp giáo dục của thị xã Long Khánh vươn lên trở thành đô thị loại III trong những năm tới.

Đọc thêm