Đồng Nai: Núp danh nghĩa 'tỉa thưa' để tàn sát 182 ha rừng phòng hộ

(PLVN) - Dự án tỉa thưa hệ sinh thái rừng phòng hộ Long Thành được phê duyệt nhằm tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng nhằm mở rộng không gian dinh dưỡng, vệ sinh rừng, bảo đảm hệ sinh thái trong rừng sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phòng hộ. Thế nhưng chỉ mới kiểm tra 183 hécta, phát hiện đơn vị thi công đã khai thác vượt khối lượng cho phép hơn 2.434m3. Sự việc có dấu hiệu hình sự, nhưng đơn vị sai phạm chỉ “tổ chức kiểm điểm trách nhiệm”.
Rừng đước bị “tỉa thưa” tan hoang.
Rừng đước bị “tỉa thưa” tan hoang.

Những vạt rừng trơ gốc đước

Rừng phòng hộ (RPH) Long Thành (rừng ngập mặn) có tổng diện tích tự nhiên gần 8.000 ha nằm trên địa bàn các xã Long Phước (huyện Long Thành) và Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, cùng tỉnh Đồng Nai). Khu vực này thuộc hạ nguồn sông Đồng Nai, có địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy, thấp hơn mực nước biển từ 1 - 2m, thường xuyên ngập nước.

Hệ sinh thái ở đây rất đa dạng và có giá trị kinh tế cao, với các loại cá dứa, cá đối, cá ngát, cá mú đen... Vùng ngập mặn có các loại cây điển hình như nấm, đước, dà... Khu rừng này cũng liên quan mật thiết đến sức sống của hai con sông Thị Vải và Đồng Tranh. 

Theo chân một người dân bản địa, vào những ngày cuối tháng 3/2019, PLVN đã thâm nhập rừng phòng hộ Long Thành để tìm hiểu sự việc rừng phòng hộ bị tàn sát chặt phá.

Trên chiếc ghe danh nghĩa chở khách đi thăm quan, nam thanh niên 34 tuổi đưa chúng tôi đi từ bến ghe Phước An men theo con nước vào sâu trong rừng xã Long Thọ và Phước An (Nhơn Trạch), nơi khu vực rừng phòng hộ bị chặt phá.

Ngồi trên ghe, phóng tầm mắt thấy bạt ngàn màu xanh rừng ngập mặn. Tuy nhiên người chèo ghe giải thích: “Khu này là rừng phòng hộ, dân sống ở đây chủ yếu làm nghề nuôi đánh bắt hải sản. Nhìn bề ngoài cây cối tùm lum thế thôi, vào sâu một đoạn có khi chẳng còn cây nào”.

Đi sâu thêm chừng 2km, tại khu vực xã Phước An, trước mắt chúng tôi là những đống cây đước chất đống hai bên bờ sông, cắt khúc dài khoảng 90cm, mỗi đống cao gần 2m, có đống xếp dài hơn 50m. Kích cỡ thân cây đước cho thấy đều là cây đã trưởng thành, tuổi đời có khi tới hàng chục năm, đường kính từ 20 - 30cm. 

Cho ghe tấp vào bìa sông, lội bộ vào khu vực rừng xã Long Phước, hiện ra trước mắt chúng tôi cảnh tượng rừng tan hoang với những gốc đước cắt nham nhở. Những bộ rễ cây nhoi lên trên khỏi mặt nước không còn khả năng bám trụ khi thủy triều lên xuống, nên bị cuốn trôi cùng với những lớp đất bùn, tạo thành những hố sạt lở rất lớn. Đi sâu hơn, nhiều vạt rừng trơ gốc và rễ cây đước đã chết khô vì bị chặt hạ.

Bản đồ vệ tinh khu vực rừng ngập mặn xã Phước An, nơi nhiều diện tích trồng cây đước bị tàn sát
Bản đồ vệ tinh khu vực rừng ngập mặn xã Phước An, nơi nhiều diện tích trồng cây đước bị tàn sát 

Theo lời người dẫn đường, năm nào Ban quản lý rừng nơi đây cũng cho người chặt phá, đốn hạ hết các cây đước. Đỉnh điểm khoảng tháng 4/2018, thấy rừng bị chặt nhiều quá, người dân bức xúc báo cho chính quyền. Vậy là từ đó đến nay khu rừng này bị hạn chế người ra vào.

Một nông dân 27 tuổi ngụ xã Long Thọ, kể chuyện tất cả tám miệng ăn của gia đình phụ thuộc vào nghề chài lưới. Thế nhưng vài năm nay, từ khi những đống cây đước xếp dài hai bên bờ sông đồng nghĩa chuyện nguồn thủy hải sản ở khu vực trở nên hiếm hoi. Anh rầu rĩ: “Nhà tám miệng ăn sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, gần một năm nay không đánh bắt được cái gì nên mọi người bỏ đi làm công nhân hết”. 

Anh kể gia đình gắn bó với nơi này hàng chục năm qua. Ông nội anh đi kinh tế mới vào vùng đất Long Thành sinh sống. Thời ấy những cây đước chỉ mới đâm chồi non, ông nội anh là một trong những người trực tiếp chăm sóc và bảo vệ. Vậy mà những cây đước trưởng thành kia nay lại bị tàn phá không thương tiếc. “Bao nhiêu năm mới được một cây đước trưởng thành mà họ lại chặt trong chốc lát, họ phải nghĩ đến những người đi trước đã trồng như thế nào chứ?”, anh ngậm ngùi.

Theo một người chuyên thu mua cây đước tại huyện Nhơn Trạch, gỗ đước trưởng thành có công dụng làm củi chất đốt, tạo được nhiệt lượng cao. Than từ gỗ đước được ưa thích sử dụng và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Ngoài ra, gỗ từ cây thường được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

Gỗ đước còn xẻ làm ván, đóng đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ. Vỏ đước thường được dùng trong công nghiệp thuộc da, công nghệ in, nhuộm lưới. Phải chăng nguồn lợi như vậy, nên đước ở đây mới bị đốn hạ vô tội vạ như thế?

Dự án phê duyệt một đằng, làm một nẻo 

Những đối tượng nào đứng sau vụ tàn sát rừng này? Ngày 17/4/2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL) trình hồ sơ “Dự án nuôi dưỡng rừng ngập mặn năm 2017” lên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đồng Nai. Theo dự án này, sẽ tỉa thưa 335,43 ha tại ba xã, trong đó có tiểu khu 216 thuộc xã Long Thọ, tiểu khu 222 (xã Phước An) và tiểu khu 217 (xã Long Phước). 

Vô số cây đước to cao hàng chục năm tuổi bị đốn hạ trơ gốc chết khô.
 Vô số cây đước to cao hàng chục năm tuổi bị đốn hạ trơ gốc chết khô.

Tổng chi phí thực hiện dự án là 747,3 triệu đồng. Chi phí này được lấy từ nguồn tận thu sản phẩm trong dự án tỉa thưa rừng, thời gian thực hiện dự án trong năm 2017. Mục đích là “tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng nhằm mở rộng không gian dinh dưỡng, vệ sinh rừng, bảo đảm cho hệ sinh thái trong rừng sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phòng hộ cho khu vực phía Nam tỉnh Đồng Nai”.

Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phê duyệt thực hiện dự án, BQL cho tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công cắt tỉa. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Nam Bắc đã trúng thầu và thực hiện gói thầu số 1, theo Hợp đồng số 01/HĐ-2018 ký ngày 23/1/2018.

Trước khi thi công dự án, Hoàng Nam Bắc cho tập trung người lao động tại hiện trường để tổ kiểm tra và giám sát của BQL hướng dẫn nội quy, quy định. Thế nhưng trong thời gian thực hiện, Hoàng Nam Bắc đã thi công thực hiện trái nhiều cam kết thỏa thuận trong hợp đồng, gây nhiều sai phạm dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Sau khi phát hiện sự việc, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất với việc chặt, tỉa cây rừng ở khu vực. Đến cuối tháng 7/2018, kết luận của đoàn kiểm tra xác định, qua kiểm tra thực tế, chỉ với diện tích tỉa thưa tại tiểu khu 216 và 222 là hơn 183 hécta, đơn vị thi công đã khai thác vượt khối lượng cho phép hơn 2.434 m3.

Kết luận của Chi cục Kiểm lâm nêu rõ, việc khai thác khối lượng lâm sản tận thu vượt so với thiết kế là vi phạm quy định về thiết kế dự án. Bên cạnh đó, đơn vị thi công tự ý cắt khúc sản phẩm, không lập tài liệu hồ sơ ghi nhận và báo cáo khối lượng thực tế cũng là việc làm trái với quy định, thiếu trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Trách nhiệm này thuộc về các cá nhân, tập thể đơn vị thiết kế, lập dự án và Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Sau khi Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai có kết luận như trên, giữa tháng 8/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thành lập đoàn thanh tra đột xuất việc thực hiện dự án. Theo số liệu của đoàn thanh tra này, dự án đã triển khai trên diện tích hơn 182 hécta với khối lượng gỗ chặt phá hơn 3000m3 (vượt so với khối lượng được phê duyệt hơn 1.958m3).

Cây đước to cao hàng chục năm tuổi bị đốn hạ trơ gốc chết khô.
 Cây đước to cao hàng chục năm tuổi bị đốn hạ trơ gốc chết khô.

Trong kết luận của Đoàn Thanh tra đã chỉ ra một số tồn tại thiếu sót như: Đơn vị lập dự án là Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành chưa sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến công tác khảo sát, thiết kế sơ sài. Đơn vị này cũng không thực hiện đúng việc giao rừng cho đơn vị thi công.

Trước những sai phạm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành sau đó đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc và 6 cán bộ liên quan.

Trước việc “xử lý trách nhiệm” như nêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai mới đây đã vào cuộc. Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, tỉnh đã có văn bản tạm dừng kiến nghị xử lý số lượng cây đước cắt tỉa vượt số lượng trong dự án. “Tỉnh cũng đề nghị thanh tra các sở, ngành liên quan vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ những sai phạm của BQL rừng phòng hộ Long Thành, thanh tra lại kết luận Thanh tra của Sở Nông nghiệp với dự án nói trên để xử lý theo quy định”, ông Chánh nói.

Sự việc trên có dấu hiệu hình sự ra sao? Chuyên gia môi trường đánh giá mức độ nghiêm trọng như thế nào? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Đọc thêm