Nay, phần thu hồi đất trong bản án đã bị hủy thì liệu quyền lợi của những người dân ở đây có được xem xét lại…?
Tòa hủy án vì thấy quyền lợi của dân bị ảnh hưởng
Theo Bản án sơ thẩm số 757 ngày 28, 29/9/1995 của TAND TP.Hà Nội thì từ năm 1990 đến cuối năm 1992, một số bị cáo nguyên là lãnh đạo xã Khương Đình đã bán hơn 17.000m2 đất trái pháp luật tại khu vực đầm Hồng, đầm Sen (xã Khương Đình) cho một số người dân và Trung đoàn 26 Bộ Tư lệnh Phòng không.
Ngoài việc xử phạt các bị cáo về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, TAND TP.Hà Nội còn tuyên: “Thu hồi toàn bộ số đất tại khu vực đầm Hồng, đầm Sen và 2.500m2 đất (về danh nghĩa cấp cho E26 Phòng không) các bị cáo đã mua đi bán lại bất hợp pháp, giao chính quyền địa phương quản lý và giải quyết theo thẩm quyền”.
Đến khi triển khai thi hành bản án thì cơ quan chức năng mới thấy nội dung án tuyên có nhiều bất cập do Tòa không nêu rõ thu hồi đất của hộ nào, vị trí, diện tích ra sao và các hộ này cũng không được tham gia tố tụng…
Nhiều hộ dân trong khu vực này cũng có đơn cho rằng, họ đã tin tưởng lãnh đạo địa phương nên mới mua đất, có nộp tiền cho chính quyền nhưng nay, nếu bị thu hồi “trắng” theo nội dung bản án thì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng, trong khi họ không có lỗi.
Phải đến cuối năm 2014 thì TANDTC mới khắc phục được bất cập trên bằng việc hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 757 nêu trên về phần quyết định thu hồi đất của Tòa cấp sơ thẩm với lý do: “Tòa án không có thẩm quyền thu hồi đất... Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm quyết trả lại cho UBND xã Khương Đình số tiền 68 triệu là tiền thu được từ việc mua bán đất trái pháp luật nhưng không đề cập gì đến những người mua đất là giải quyết vụ án chưa triệt để, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người mua đất”.
Cần xem lại phương án bồi thường ở “phút thứ 89”
Nhưng nửa năm trước khi có Quyết định giám đốc thẩm nêu trên thì UBND quận Thanh Xuân đã triển khai dự án cải tạo hồ Khương Trung I (tức đầm Hồng) và ra Quyết định thu hồi đất của nhiều hộ dân, trong đó có một số hộ dân đã mua đất của UBND xã Khương Đình năm 1992. Theo quan điểm của cơ quan chức năng thì những người mua đất này không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ 70% giá đất ở (đối với hộ đã làm nhà) hoặc 30% giá đất ở (đối với hộ chưa làm nhà) trong hạn mức 100m2. Ngày 30/6/2014, hàng loạt quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ dân đã được UBND Thanh Xuân ban hành.
Tuy nhiên, Nghị định 47/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) lại quy định rõ: “Đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng người đang sử dụng đất đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất được thực hiện theo quy định sau: Trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 thì người đang sử dụng đất được bồi thường về đất đối với diện tích và loại đất được giao…”.
Đối chiếu với quy định mới này, nhiều người thắc mắc việc UBND quận Thanh Xuân ký Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án chỉ một ngày trước khi Nghị định 47/2014 có hiệu lực có phải để “tránh” phải bồi thường cho các hộ dân trong diện mua đất của xã Khương Đình năm 1992? Thậm chí có người còn cho rằng việc thu hồi đất, đền bù được chính quyền triển khai khi Bản án số 757 vẫn có hiệu lực. Nay, Bản án này đã bị đình chỉ một phần (liên quan đến chủ thể thực hiện thu hồi đất) thì chính quyền cần xem xét lại việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân vì suy cho cùng, họ mua đất một cách “ngay tình”
Cũng theo chính sách bồi thường đối với dự án này thì những hộ gia đình sử dụng đất sau ngày 22/4/2009 (ngày có Quyết định thu hồi đất tổng thể) thì không được bồi thường, hỗ trợ; sử dụng từ 1/7/2004 đến 22/4/2009 thì được hỗ trợ theo giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều hộ dân lại cho rằng, tổ giải phóng mặt bằng (GPMB) đã rất “tù mù” khi xác định thời điểm sử dụng đất để tính toán mức hỗ trợ này, làm thiệt hại đến quyền lợi người dân. Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Nguyệt, năm 1992 mua đất của xã Khương Đình (phường Khương Đình hiện nay) nhưng nay lại bị xác định là sử dụng sau 1/7/2004. Hay như hộ ông Ngô Duy Đông mua nhà, đất của ông Lê Văn Tiến từ năm 2001 cũng bị coi là sử dụng từ sau 22/4/2009… Hộ bà Nguyễn Thị Minh Hải mua ngôi nhà của bà Đỗ Thị Minh xây từ trước năm 2004. Khi nhận chuyển nhượng, trên đất đã có ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ trước năm 2004 nhưng vẫn bị coi là sử dụng sau 1/7/2004.
Theo một số luật sư thì đối với những trường hợp này, phải coi việc sử dụng đất từ thời điểm bắt đầu sử dụng ổn định chứ không phụ thuộc vào thời điểm người dân chuyển nhượng cho nhau.
Được biết, vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo GPMB thành phố bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cải tạo hồ Khương Trung I theo hướng tăng mức hỗ trợ cho các hộ dân hơn. Tuy nhiên, trong khi phương án này còn đang chờ thành phố xem xét thì chính quyền vẫn yêu cầu dân phải nhận tiền theo phương án bồi thường cũ và tiếp tục xúc tiến việc chuẩn bị cưỡng chế GPMB.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com